Doanh nghiệp Việt Nam cần đòi lại thương hiệu gạo ST25
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) khi một doanh nghiệp đăng ký sở hữu một nhãn hiệu thì các doanh nghiệp khác không được sử dụng lại nhãn hiệu đó, không được đăng ký trùng lặp.
Kỹ sư Hồ Quang Cua giới thiệu gạo ST25. Ảnh: CAO PHONG |
Liên quan thông tin gạo ST25 của doanh nghiệp Việt Nam bị mất thương hiệu do 5 doanh nghiệp nước ngoài sử dụng tên này để đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ, ngày 22-4, bên lề hội thảo “Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2021” với chủ đề “Tận dụng đòn bẩy thương hiệu quốc gia Việt Nam - nâng tầm thương hiệu sản phẩm Việt”, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), đã chia sẻ về vấn đề này.
Theo ông Vũ Bá Phú, khi một doanh nghiệp đăng ký sở hữu một nhãn hiệu thì các doanh nghiệp khác không được sử dụng lại nhãn hiệu đó, không được đăng ký trùng lặp. Trường hợp doanh nghiệp Mỹ được cấp chứng nhận thương hiệu ST25 tại thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ dưới mác nhãn hiệu ST25.
Tuy nhiên ngày 22-4, Cục Xúc tiến thương mại đã kiểm tra thông tin và hệ thống đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ, cho thấy hiện có 5 hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở trạng thái “đang kiểm tra”. Vì vậy, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, thương hiệu gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua (“cha đẻ của thương hiệu gạo ST25”) chưa thực sự bị mất tại thị trường Mỹ. Song thời gian chờ xét duyệt công nhận sở hữu cho một nhãn hiệu thường khoảng 6 tháng, quá thời gian này mà không có khiếu kiện, cơ quan chứng nhận của Mỹ sẽ cấp bảo hộ thương hiệu cho nhãn hiệu đó.
Theo ông Vũ Bá Phú, để giữ được thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp bằng chứng, chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp của gạo ST25 trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường...
Cục Xúc tiến thương mại đã liên hệ với ông Hồ Quang Cua đề nghị giới thiệu một số chuyên gia có năng lực để giúp doanh nghiệp khẩn trương hoàn thành hồ sơ đăng ký với cơ quan Mỹ. Doanh nghiệp phải chấp nhận mất thời gian, chi phí để thuê luật sư, chuyên gia và tìm hiểu từ cơ quan có thẩm quyền để có thêm thông tin khi nộp hồ sơ cho cơ quan chức năng.
(Theo sggp.org.vn)