Thứ Sáu, 02/04/2021, 11:07 (GMT+7)
.

Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP

Mục tiêu đang được đặt ra là tìm giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP nhằm tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất một cách bền vững hơn.

Sản phẩm OCOP đã góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín cho sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

TẠO RA HƯỚNG ĐI MỚI

Thực hiện Quyết định 490 ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, ngày 28-1-2019 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 27 về việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2020 và đã mang lại hiệu ứng tích cực. Theo đó, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng và công nhận 29 sản phẩm OCOP, trong đó 19 sản phẩm đạt 4 sao và 10 sản phẩm đạt 3 sao.

Chương trình OCOP đã tạo hiệu quả tích cực, tạo điều kiện phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi huyện, xã, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự tin, sáng tạo, khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân, hướng người dân vào kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn.

Sản phẩm của Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân được chứng nhận OCOP.
Sản phẩm của Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân được chứng nhận OCOP.

Kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm của tỉnh ngày một vươn xa hơn trên thị trường, tạo sự lan tỏa trong xã hội, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống ở khu vực nông thôn, dần được khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng và được nhiều người biết đến.

Ngoài ra, hiện nay các sản phẩm OCOP của tỉnh đã xuất hiện tại nhiều cửa hàng tiện ích trong và ngoài tỉnh, các hệ thống siêu thị…, nhiều sản phẩm đã có doanh số bán hàng từ hàng trăm triệu đồng trở lên như: Mắm tôm chà Gò Công, Gà Ta Gò Công… Đặc biệt, Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân có 4 sản phẩm OCOP đã lập dự án đầu tư nhà máy được UBND tỉnh phê duyệt kèm theo ưu đãi chính sách tín dụng ứng dụng khoa học công nghệ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn theo Nghị định 57 nhằm mở rộng sản xuất, đa dạng thêm nhiều sản phẩm.

Đánh giá về hiệu ứng Chương trình OCOP, bà Trần Thị Luôn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (huyện Gò Công Tây) cho biết, Chương trình OCOP đã góp phần khuyến khích, động viên rất lớn trong quá trình sản xuất. Nhờ đó, công ty đã xây dựng hoàn chỉnh quy trình nuôi cấy khép kín và chế biến các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo. Công ty luôn xác định xây dựng nền tảng ban đầu vững chắc, đi từng bước ổn định, chú trọng về chất lượng và tập trung xây dựng quy trình an toàn thực phẩm. Nhờ đó, đến nay quy trình sản xuất của công ty đạt tiêu chuẩn ISO 2000, các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, sản phẩm nông thôn tiêu biểu của tỉnh và của khu vực.

“Trong tương lai, ngoài tập trung củng cố sản phẩm chủ lực, đa dạng hóa các dòng sản phẩm, công ty cố gắng chủ động tiếp cận nhiều hơn với thị trường tiêu thụ thông qua các kênh khác nhau”- bà Trần Thị Luôn cho biết.

NHIỀU KÊNH QUẢNG BÁ

Theo đánh giá chung, dù đạt được một số kết quả ban đầu, nhưng qua triển khai thực tiễn Chương trình OCOP cũng cho thấy, sản phẩm chế biến tuy có bước phát triển nhưng chưa nhiều, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thấp, thói quen phát triển thụ động, hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu dẫn đến năng suất, chất lượng, số lượng sản phẩm không cao, sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế nên việc triển khai chương trình còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP cũng là vấn đề đang được đặt ra

Điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tiền Giang.
Điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tiền Giang.

Theo ngành Nông nghiệp, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; định hướng phát triển sản phẩm chủ lực, tiềm năng của từng địa phương để hỗ trợ phát triển sản xuất, năng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của chương trình đề ra, ngày 26-2, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 44 thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu kế hoạch của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 là phấn đấu đến năm 2025 có 200 sản phẩm hàng hóa đạt OCOP, trong đó 100 sản phẩm đạt 3 sao, 90 sản phẩm đạt 4 sao và 10 sản phẩm đạt 5 sao (các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phải có sản phẩm OCOP); tiêu chuẩn hóa 5 - 7 điểm du lịch cộng đồng, phấn đấu đến năm 2025 đạt 3 - 4 sao; phấn đấu phát triển 10 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP được xác định là một trong những nội dung trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh xúc tiến, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP Tiền Giang, Sở Công thương cũng đã gửi thông tin các sản phẩm OCOP của Tiền Giang đến các sở, ngành, địa phương để hỗ trợ giới thiệu, kết nối tới các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn tìm hiểu thông tin và ký kết hợp tác tiêu thụ các sản phẩm OCOP của Tiền Giang.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn cho biết, với mục tiêu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP cũng như các sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến người tiêu dùng, nhất là đối với khách du lịch, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành có liên quan đã tổ chức điểm bán hàng để giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương đến tay người tiêu dùng. Việc tổ chức điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tiền Giang cũng nhằm mục tiêu hưởng ứng và đẩy mạnh Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

A.P

.
.
.