Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức 6,0 - 6,3%
Sáng 20-4, Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách tổ chức tọa đàm Công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý I năm 2021. Báo cáo do VEPR thực hiện nêu nhận định: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức 6,0-6,3%. Chính sách tiền tệ cần lưu ý cân đối giữa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô, vì năm 2021 có thể có rủi ro lạm phát.
Vẫn theo nhóm nghiên cứu VEPR, nền kinh tế toàn cầu đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn hàm chứa nhiều bất ổn và thiếu sự đồng đều giữa các quốc gia và lĩnh vực kinh tế. Trong nước, kinh tế quý 1-2021 tăng trưởng 4,48% so với quý 4-2020, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2020 (3,82%).
Trong quý 1 năm 2021, cả nước có 29,3 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 447,8 ngàn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 245,6 ngàn lao động, giảm 1,4% về số doanh nghiệp, tăng 27,5% về vốn đăng ký và tăng 0,8% về số lao động so với cùng kỳ năm 2020.
CPI bình quân quý 1-2021 tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, song dự kiến sẽ tăng nhanh bắt đầu từ tháng 4 này.
Những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng bao gồm: Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh từ giai đoạn sớm, giúp duy trì hoạt động kinh tế trong nước; kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh hơn; làn sóng dịch chuyển đầu tư và thương mại nhằm phân tán rủi ro từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức chấp nhận được, tạo môi trường cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.
Tuy vậy, báo cáo nhấn mạnh, Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất trắc.
Sự tái bùng phát của Covid-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa tiếp tục kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng trong năm 2021 khiến sức chịu đựng của doanh nghiệp ngày càng yếu hơn; xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ.
Bên cạnh đó, điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ các rủi ro nội tại như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng còn chậm...
(Theo sggp.org.vn)