.
Tìm lời giải cho bài toán lao động

BÀI 2: Gắn chặt thị trường lao động

Cập nhật: 08:22, 29/04/2021 (GMT+7)

BÀI 1: Yếu tố "sống còn"

Đi tìm lời giải cho bài toán lao động chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng, đó là chưa kể đến nhu cầu tuyển dụng ngày càng đi vào chiều sâu và chuyên nghiệp hơn.

Nhìn nhận từ thực tiễn cho thấy, việc gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thị trường lao động hay mở hướng xuất khẩu lao động được xem là một trong những hướng đi mang tính đột phá hiện nay.

LỢI THẾ SO SÁNH

Tiền Giang đang trên đà phát triển, song hành với xu thế đó là nhiều dự án đầu tư mới ra đời. Tất nhiên, muốn thu hút đầu tư phải dựa vào những yếu tố về lợi thế so sánh, bởi mỗi tỉnh, thành đều có thế mạnh riêng và Tiền Giang cũng thế. Theo đánh giá từ cộng đồng doanh nghiệp, thế mạnh đầu tiên của Tiền Giang là yếu tố con người.

Nhìn từ thực tế cho thấy, một khi doanh nghiệp đã đầu tư ở Tiền Giang và các tỉnh, thành khác đều đưa ra nhận định, chất lượng lao động của Tiền Giang tương đối tốt, với khả năng tiếp cận cái mới nhanh, có tính kỷ luật và siêng năng. Nhờ đó, nhiều nhà đầu tư an tâm khi tuyển dụng lao động của Tiền Giang.

Bằng chứng là một số doanh nghiệp đầu tư đồng thời ở Tiền Giang và một số tỉnh, thành khác thì lực lượng nòng cốt đều sử dụng lao động của Tiền Giang. Thực tế cho thấy, hằng ngày, có sự “dịch chuyển ngược” lao động từ TP. Mỹ Tho đi các tỉnh, thành để làm việc.

Đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng là bài toán đang được đặt ra.
Đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng là bài toán đang được đặt ra.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng đang chuyển hướng rất nhanh và luôn tiệm cận với công nghệ mới, nhất là đối với các doanh nghiệp, buộc lòng các cơ sở đào tạo lao động cũng phải chuyển động để thích ứng. Xuất phát từ yêu cầu này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải luôn gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Trên thực tế, theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo đã tham gia đào tạo nguồn nhân lực các nghề trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, dạy nghề thường xuyên và ngày càng thích ứng với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Chủ yếu thông qua các hoạt động như: Mời doanh nghiệp tham gia góp ý xây dựng chương trình đào tạo; phối hợp xây dựng các chương trình đào tạo nghề ngắn hạn để cung ứng nguồn lao động theo yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đưa giáo viên đến doanh nghiệp tìm hiểu và thực tập tiếp cận công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh; đưa học sinh, sinh viên đến doanh nghiệp thực hành, thực tập nghề nghiệp hoặc doanh nghiệp tài trợ thiết bị và chuyển giao kỹ thuật cho giáo viên các trường trong đào tạo nghề…

Bằng chứng cụ thể là Trường Cao đẳng Tiền Giang đã thành công bước đầu trong việc gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề, thông qua việc gắn bó với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong những năm qua như: Công ty Sản xuất thương mại Cơ khí Hồng Ký (TP. Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Knitpassion, Công ty TNHH Gia công đồng Hải Lượng (Khu công nghiệp Long Giang), Công ty cổ phần Công nghiệp và Thiết bị chiếu sáng DUHAL (Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh)…

Mới đây, Trường Cao đẳng Tiền Giang cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với một số doanh nghiệp trong đào tạo nghề. Hiện nay, nhà trường đào tạo 19 ngành, nghề với khoảng 2.400 học sinh, sinh viên ở các khối ngành như: Điện tử, may mặc, văn hóa, du lịch… Những năm gần đây, nhà trường chú trọng đào tạo gắn với việc làm, chương trình đào tạo ở các ngành với thực hành luôn chiếm 70%... Đây được xem là tín hiệu đáng mừng trong khâu đào tạo lao động của Tiền Giang.

THAM GIA XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Những người trong độ tuổi lao động trẻ có thể tìm cho mình hướng đi khác trong tìm kiếm việc làm, đó là tham gia xuất khẩu lao động nước ngoài, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình và tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến. Đây cũng là chủ trương lớn mà tỉnh đã và đang triển khai thực hiện. Nhờ chủ trương này, nhiều trường hợp đã tham gia xuất khẩu lao động thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách.

Cụ thể như gia đình ông Trương Văn Thật (huyện Châu Thành) trước đây là một trong những hộ khó khăn, nguồn sống gia đình 5 người dựa vào công việc làm thuê của 2 vợ chồng ông. Tháng 3-2019, gia đình ông Thật được vay 107 triệu đồng từ Chương trình cho vay xuất khẩu lao động để con ông đi làm việc có thời hạn tại Nhật Bản với thu nhập ổn định, giúp gia đình vượt qua khó khăn.

Trên thực tế, mục tiêu của tỉnh là mở rộng đối tượng vay vốn cho tất cả người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Theo đánh giá của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Tiền Giang, cùng với chính sách hỗ trợ vay vốn của Trung ương theo Nghị định 61 ngày 9-7-2015 của Chính phủ, tỉnh đã bổ sung thêm đối tượng vay vốn hướng đến bao phủ người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, với mức vay vốn là 100% chi phí tham gia bằng hình thức cho vay không đảm bảo tài sản, tạo điều kiện rất thuận lợi cho người lao động.

Nhờ đó, qua hơn 2 năm triển khai chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Tiền Giang đã hỗ trợ cho 163 lao động vay vốn, với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng, chiếm hơn 25% so với tổng số người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Xuất phát từ thực tiễn vừa qua, nhằm tạo sức bật mới trong công tác đưa người lao động của Tiền Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn nhằm góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động và gia đình, giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2018 - 2020.

Theo đó, để tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, hằng năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện đã liên kết với 13 doanh nghiệp để tạo nguồn lao động đi làm việc ở Nhật Bản, Đài Loan đến tận các xã, ấp.

Các doanh nghiệp ký kết với 7 trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh để tạo nguồn lao động có tay nghề tham gia các thị trường, chủ yếu là thị trường Nhật Bản, thông qua việc tổ chức các hoạt động như: Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên; ngày hội việc làm; đào tạo ngoại ngữ tại các trường; đưa học sinh, sinh viên tham quan doanh nghiệp; giới thiệu các mô hình làm việc tại nước ngoài…

Kết quả cho thấy, qua 3 năm thực hiện, Đề án Hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2018 - 2020 đã phát huy tác dụng, Theo đó, đã có 946 lao động xuất cảnh, đạt hơn 105% so với mục tiêu đề án, gần bằng 186% so với giai đoạn 2015 - 2017, trong đó, thị trường Nhật Bản chiếm gần 88% so với tổng số người lao động tham gia. Thu nhập bình quân từ xuất khẩu lao động cũng ở mức tương đối cao.

Theo đó, thị trường Nhật Bản thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/tháng, Đài Loan từ 18 - 20 triệu đồng/tháng, Hàn Quốc từ 30 - 40 triệu đồng/tháng. Đối với người lao động có bằng đại học chuyên ngành kỹ thuật đi làm việc theo chương trình kỹ sư tại Nhật Bản có mức thu nhập khoảng 40 - 50 triệu đồng/tháng. Mục tiêu của tỉnh là tiếp tục tuyên tuyên, vận động, hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2021 là 300 lao động và tăng từ 400 - 500 lao động ở những năm tiếp theo (khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt)…

T.T

(Còn tiếp)

.
.
.