Thứ Tư, 28/04/2021, 21:15 (GMT+7)
.

Việt Nam là cường quốc xuất khẩu nông sản, nhưng đa phần là sản phẩm thô

Việt Nam là một trong những cường quốc xuất khẩu nông sản của thế giới với mức độ tăng trưởng hằng năm 5-7% tính từ 2015 đến nay. Thế nhưng, phần lớn nông sản xuất đi là ở dạng thô hoặc được sơ chế có giá trị gia tăng thấp, còn lượng hàng có chế biến sâu, mang lại giá trị gia tăng cao còn hạn chế.

Đứng trước bối cảnh nêu trên, việc gia tăng sản phẩm chế biến để mang lại giá trị gia tăng cao cho hàng nông sản Việt Nam là mục tiêu cần được tập trung đẩy mạnh.

Cường quốc xuất khẩu nông sản, nhưng đa phần là sản phẩm thô. Ảnh: Trung Chánh
Cường quốc xuất khẩu nông sản, nhưng đa phần là sản phẩm thô. Ảnh: Trung Chánh

Số liệu được công bố tại Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản 2021 diễn ra ở TP Cần Thơ vào hôm nay, 28-4, cho thấy, từ năm 2015 đến nay, xuất khẩu nông sản của cả nước liên tục tăng trưởng, với tốc độ 5-7% mỗi năm.

Cụ thể, nếu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước đạt 30,14 tỉ đô la Mỹ, thì năm sau đó đạt 32,1 tỉ đô la Mỹ. Từ năm 2017 đến 2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản lần lượt đạt 36,37 tỉ đô la Mỹ, 40 tỉ đô la Mỹ, 40,2 và 41,25 tỉ đô la Mỹ.

Nông sản Việt Nam được tiêu thụ ở 186 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, có tám mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch tỉ đô la Mỹ, gồm rau quả, hạt điều, gạo, cà phê, cao su, tôm, gỗ và cá tra.

Tuy nhiên, có một điều đáng buồn, đó là đa phần nông sản Việt Nam “xuất ngoại” dưới dạng sản phẩm thô và sơ chế giá trị gia tăng thấp.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dẫn chứng sản phẩm sơ chế có giá trị gia tăng thấp chiếm 70-80%, trong khi sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 15-30% (tuỳ theo cơ cấu mặt hàng).

Điều này dẫn đến mối tương quan, đó là Trung Quốc - vốn được biết đến là thị trường nhập khẩu nông sản thô của Việt Nam - chiếm đến 24,6% tổng xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Trong khi đó, thị trường cao cấp, như EU (Liên minh châu Âu) chiếm 9,2%; Nhật Bản 9,18%...

Theo số liệu do ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cung cấp tại hội nghị, nông sản được xuất khẩu dưới dạng chế biển của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 20-30%, rất thấp so với con số 80% của Đài Loan.

Ông Hoan cũng cho biết, mục tiêu đeo đuổi của ngành nông nghiệp thời gian tới đó là, nâng cao tỷ trọng sản phẩm giá trị trị gia tăng. “Chúng ta bán giá trị, chứ không phải bán giá cả nữa”, ông nói và giải thích, bán sản phẩm là bán giá cả, còn chế biến là bán giá trị.

Theo ông Hoan, hai con số tương quan giữa Việt Nam và Đài Loan ở trên (sản phẩm giá trị gia tăng của Việt Nam khoảng 20-30%, trong khi Đài Loan là 80% - PV) cho thấy, trình độ của Việt Nam còn rất hạn chế và cần phải đẩy mạnh khâu chế biến. "Chế biến sâu nó tạo ra một giá trị vượt bậc và những lợi ích đó phải được chia lại cho người sản xuất. Đó là câu chuyện chúng tôi muốn nâng cao tỷ trọng nông sản qua chế biến”, ông Hoan nhấn mạnh.

Việc gia tăng sản phẩm chế biến, theo ông Hoan, sẽ giúp “giải quyết” được hai câu chuyện. Thứ nhất là tạo ra giá trị gia tăng cao hơn; thứ hai, sẽ giải quyết được điệp khúc “nông sản vào mùa dẫn đến cung vượt cầu, rớt giá”, “được mùa, rớt giá”.

Ông Hoan giải thích, được mùa thì sản phẩm “dôi dư”, trong khi cầu thị trường không tăng thì sản phẩm phải giảm giá. “Từ câu chuyện hành tím Vĩnh Châu  (Sóc Trăng) đến cam Hà Giang hay dưa hấu… lâu lâu lại giải cứu”, ông dẫn chứng và cho rằng, đây là “khúc cua” của quy luật thị trường khi mất cân bằng giữa cung- cầu.

“Chính sản phẩm chế biến sẽ giải quyết được hai việc nêu trên”, ông Hoan nhấn mạnh, và cho biết, chế biến giúp giảm bớt cung, mà cụ thể thay vì bán một lượt cả vườn, thì sản phẩm đưa ra thị trường giảm đi thông qua việc đi vào chế biến.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.