Cá tra sang Nga tăng 700%, nhưng lịch sử thị trường này có gì?
Nga là thị trường thu hút sự chú ý nhất trong bức tranh xuất khẩu cá tra Việt Nam trong quí đầu năm nay. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường đã từng rất nhiều lần “tuýt còi” cá tra Việt Nam.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh |
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) vào hôm nay, 7-5, công bố thông tin cho thấy, trong quí đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đi các thị trường đạt 344,2 triệu đô la Mỹ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông, Brazil, Mexico, Thái Lan, Columbia và UAE đều tăng.
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là Nga, bởi thị trường này có sức tăng trưởng vô cùng ấn tượng với mức ba con số. Cụ thể, nếu tính chung quí đầu năm, thì xuất khẩu cá tra sang đây đạt 10 triệu đô la Mỹ, tăng 126,3%, trong đó, riêng tháng 3-2021, xuất khẩu cá tra sang đây đạt 4,46 triệu đô la Mỹ, tăng đến hơn 700% so với cùng kỳ.
"Nga là thị trường thu hút sự chú ý nhiều nhất trong bức tranh xuất khẩu cá tra Việt Nam quí đầu năm nay", chuyên gia phân tích thị trường cá tra của VASEP đánh giá.
Tuy nhiên, theo vị này, với chính sách khác biệt so với các thị trường khác, cho nên, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào thị trường này cũng đã trải qua nhiều diễn biến thăng trầm.
Cụ thể, theo VASEP, trong giai đoạn từ 2011 - 2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang Nga không ổn định và có xu hướng giảm dần. Lịch sử cũng ghi nhận trong các năm 2008, 2012, 2013, 2014 thị trường Nga đã nhiều lần ban hành lệnh tạm ngưng nhập khẩu thuỷ sản từ Việt Nam với lý do an toàn vệ sinh thực phẩm.
Năm 2014, Nga tạm ngưng nhập khẩu cá tra Việt Nam cũng như tất cả sản phẩm cá của 10 doanh nghiệp Việt Nam. Điều này được đưa ra dựa trên kết quả của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS) phát hiện không đáp ứng các yêu cầu của quốc gia này, bao gồm cả việc sử dụng kháng sinh, điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Từ lịch sử Nga đã nhiều lần tạm ngưng nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam, việc cần làm để giữ vững thị trường này, đó là phải kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm; thường xuyên cập nhật những quy định mới và đáp ứng những yêu cầu mới được phía Nga đưa ra...
(Theo thesaigontimes.vn)