Thứ Ba, 11/05/2021, 20:13 (GMT+7)
.

Xuất khẩu rau quả đạt 1,35 tỷ USD trong 4 tháng

Bộ NN&PTNT cho biết, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 4 năm 2021 ước đạt 380 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm nay đạt 1,35 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020.

a
Giá thanh long ruột đỏ hiện được thương lái thu mua tại vườn với giá khoảng 25.000 đồng/kg - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Theo thông tin Bộ NN&PTNT vừa công bố, Trung Quốc hiện vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2021 với 64,7% thị phần. Xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt 610,8 triệu USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm  2020.

Ba tháng đầu năm 2021, thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh nhất là Ukraine (gấp 6,97 lần). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả giảm mạnh nhất là Saudi Arabia (giảm 62,0%).

Cơ cấu các mặt hàng rau quả xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2021 gồm: Thanh  long đạt 329,4 triệu USD (chiếm 34,1% tổng giá trị xuất khẩu, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020); xoài đạt 125,2 triệu USD (chiếm 12,9%, tăng 30,6%); chuối đạt 80 triệu USD (chiếm 8,3%, tăng 35,2%); dừa đạt 64 triệu USD (chiếm 6,6%, tăng 13,0%), mít đạt 57,6 triệu USD (chiếm 6,0%, tăng 63,8%); chanh đạt 32,4 triệu USD (chiếm 3,4%, tăng 0,8%); dưa hấu đạt 32,2 triệu USD (chiếm 3,3%, tăng 28,1%)…

Theo Bộ NN&PTNT, quý II là thời điểm nắng nóng nên các loại trái cây, rau củ tươi hoặc đông lạnh được tiêu thụ khá mạnh. Việt Nam đã khai thác tốt nhóm hàng rau củ và đang đẩy mạnh xuất khẩu nhóm quả và hạt. Những tháng đầu năm 2021, ngành hàng rau quả Việt Nam đã tăng xuất khẩu một số chủng loại, gồm hạt macadamia, hạt óc chó, nhãn, xoài, chuối, me, dừa. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành.

Trong khi đó, ước giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 4/2021 đạt 100 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đạt 451,1 triệu USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Myanmar là 3 thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2021.

So với cùng kỳ năm 2020, giá trị nhập khẩu rau quả 3 tháng đầu năm 2021 từ Trung Quốc tăng 59,6%, Hoa Kỳ(giảm 5,9%, Myanmar (tăng 35,1%). Những tháng đầu năm 2021, hoạt động trồng trọt diễn ra trong điều kiện thuận lợi so với cùng kỳ năm trước. Một số loại trái cây mùa hè bắt đầu cho thu hoạch rải rác như mận Sơn La, vải U Hồng, U Trứng Tây Nguyên… Trong tháng 4/2021, thị trường trái cây ít biến động hơn so với tháng trước. Giá nhiều loại trái cây ổn định ở khu vực phía Bắc, trong khi một số loại trái cây phía Nam tăng – giảm nhẹ do vào cuối vụ.

Nông dân thu lãi cao từ trồng dứa, thanh long

Thông tin từ Bộ NN&PTNT cũng cho biết, hiện nay dứa được mùa và đang được các thương lái thu mua với giá cao khiến người nông dân ở nhiều đại phương thuộc tỉnh Quảng Nam vô cùng phấn khởi. Thương lái về thu mua tại ruộng dao động  từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, cao gần gấp 2 lần các năm trước. Để tránh rủi ro, những năm trở lại đây, người dân địa phương đã thực hiện canh tác theo hình thức rải vụ, không thu hoạch ồ ạt một lần, tránh ứ đọng mà kéo dài liên tục cho đến hết mùa hè.

Tại Tiền Giang, tháng 4 là thời điểm vụ nghịch thanh long năm 2021. Giá thanh long ruột đỏ hiện được thương lái thu mua tại vườn với giá khoảng 25.000 đồng/kg. Với giá này, nông dân lãi trên 15.000 đồng/kg. Trong vụ này, nông dân áp dụng kỹ thuật xông đèn và chăm sóc để cây ra trái theo ý muốn, thường bán được giá cao gấp ba lần vụ thuận.

Một số loại trái cây khác như sầu riêng ở Tiền Giang đang vào vụ nghịch, nguồn cung hạn chế nên giá ở mức cao. Xoài tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long như Hậu Giang, Đồng Tháp… đang vào vụ thu hoạch, nhu cầu tiêu thụ tăng cao đẩy giá xoài tăng đáng kể so với thời gian trước. Giá bưởi da xanh tăng trở lại tại nhiều địa phương so với cuối tháng 3-2021. Giá thu mua dừa tại Bến Tre tiếp tục ổn định so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.

Theo baochinhphu.vn

 

.
.
.