Bài toán di cư ở vùng châu thổ Cửu Long
Vùng đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế về hạ tầng và việc làm khiến số người rời quê tăng nhanh. Trong ảnh: Thu hoạch tôm càng xanh trong mô hình nuôi ghép với lúa tại huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). Ảnh: TRỌNG NGHĨA |
Là vùng đất trù phú, trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước nhưng hiện nay đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang xuất hiện một tình trạng đáng lo ngại là nhiều người dân tìm cách di cư tới miền đất mới mưu sinh, lập nghiệp. Mong muốn và nỗ lực để có điều kiện sống tốt hơn là điều cần khuyến khích, nhưng về lâu dài nếu không có hướng giải quyết phù hợp, nguy cơ sẽ nảy sinh không ít hệ lụy xã hội.
Bài 1: Nghịch lý ở miền Tây
Nhiều khu vực nông thôn ĐBSCL đang xảy ra những nghịch lý đáng báo động, khi vùng đất đông đúc với hơn 17 triệu dân (chiếm 19% dân số cả nước) lại thiếu lao động cục bộ vào mùa vụ. Không ít ngôi nhà vô chủ, hoặc chỉ có người già và trẻ nhỏ. Nhiều trẻ em thiếu sự chăm sóc, học hành chu đáo của bố mẹ, còn người cao tuổi phải gánh vác việc gia đình.
Người đi, kẻ ở
Ngược dòng Châu Giang, chúng tôi tìm đến vùng đất đầu nguồn huyện An Phú, tỉnh An Giang, nơi có hơn 29.000 người di cư, đi làm ăn xa. Theo khảo sát, phần lớn người di cư thuộc địa phương này đi làm công nhân tại các khu công nghiệp ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh. Cá biệt, có những khu vực đồng bào di chuyển cả gia đình. Phân tích số liệu dân số ở xã Vĩnh Trường, huyện An Phú cho thấy, ấp LaMa có số người di cư lao động tới gần 400 hộ, chiếm gần 70% số hộ của ấp. Hiện nay, số nóc nhà ở ấp vẫn vậy, nhưng rất nhiều nhà không người ở, hoặc chỉ có người già và trẻ nhỏ.
Ông Huỳnh Văn Cuộc, nguyên Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp cho biết, nhiều người dân ở đây sống phụ thuộc vào nghề buôn bán, do giỏi giang, siêng năng, vì vậy đa phần các gia đình đi xa đều khấm khá. “Nhiều người dân tâm sự, họ cũng không muốn bỏ quê hương xứ sở ra đi bởi mảnh đất này họ đã gắn bó qua hai, ba thế hệ. Nhưng vì cuộc sống, vì kế sinh nhai và tình thế bắt buộc bởi nơi này ít cơ sở làm ăn, buôn bán cũng không phát triển được…”, ông Cuộc không khỏi ưu tư.
Chúng tôi tìm đến ấp Vĩnh Thuấn, xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú. Trò chuyện với bà Trần Thị Năm, hiểu thêm nhiều về tâm tư của người ở lại. Bà Năm đã ngoài 60 tuổi, chồng bà cũng trạc tuổi ấy. Ở tuổi này, sức khỏe đã yếu, vậy mà bà vẫn phải nuôi đến bốn đứa cháu, lớn nhất đang học lớp 12, nhỏ nhất mới 20 tháng tuổi. Từng có ít đất do cha mẹ để lại nhưng vì làm ăn thua lỗ, bà đã cầm cố rồi bán hết từ lâu. Giờ đây nguồn thu nhập chính của sáu miệng ăn cùng tiền học của các cháu phải trông chờ cả vào mấy đứa con đi làm ăn xa gửi về. Cả ba người con (hai gái, một trai) của bà đều lên Bình Dương làm công nhân đã gần sáu năm. “Cuộc sống chưa thay đổi gì nhiều, nhưng tụi nhỏ thì mỗi năm chỉ được gặp cha mẹ có một lần”, bà Năm cho biết.
Ông Trần Văn Sang, hàng xóm của bà Năm chia sẻ: “Ở quê tôi bây giờ mọi người đi làm ăn xa nhiều lắm! Tôi thấy đi xa cũng hiệu quả, nhưng còn tùy hoàn cảnh sinh hoạt, phải biết gói ghém mới có dư, nếu không thì cũng chỉ qua ngày thôi. Như mấy đứa con của bà Năm đi biền biệt, Tết mới về nhà, vậy mà có thấy dư giả gì đâu. Gần đây lại dịch Covid-19, có lẽ công việc không tốt nên tụi nhỏ thường xuyên gửi tiền về muộn, bà Năm phải chạy vạy mượn tiền hàng xóm để lo cho các cháu”...
Em Lê Quốc Nam ở ấp Phước Tiên, xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, năm nay chín tuổi. Cũng ngần ấy thời gian em thiếu vắng tình thương của cha. Cha qua đời khi em còn nhỏ, nhà không đất sản xuất, mẹ đành gửi em cho ông bà ngoại để đi tìm việc làm. Ông ngoại Lê Văn Út, 66 tuổi, già yếu, bệnh tật mà vẫn phải loay hoay với tiệm tạp hóa và chăm sóc Nam cùng hai đứa cháu khác.
“Tuổi ngày càng cao, nay đau mai yếu, hoàn cảnh kinh tế luôn chật vật, thiếu trước hụt sau. Nhiều lúc, tôi mệt mỏi lắm, nhưng con mình nó nghèo phải đi làm xa, cháu mình thì phải chăm sóc chứ bỏ cho ai được nên phải cố gắng thôi”, ông tâm sự.
Ấp Xóm Mới, xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi là vùng chuyên nuôi tôm của tỉnh Cà Mau. Nhờ chủ trương xây dựng nông thôn mới nên đường làng khá khang trang, sạch đẹp; nhưng Xóm Mới lại vắng vẻ, đìu hiu.
Đêm xuống, bên ly trà nhạt, chú Út Vân (Nguyễn Chí Vân) giọng buồn xo: “Xứ này giờ toàn người già, trẻ nhỏ, tụi thanh niên đã bỏ quê lên phố gần hết rồi!”. Ở đây, bình quân mỗi gia đình có 1-3 ha đất. Nếu chăm chỉ làm lụng và được mùa tôm, chừng ấy diện tích có thể giúp nhà nông sống được ở mức trung bình. Nhưng khi đất đai hạn hẹp, lao động dôi dư thì thu nhập và cuộc sống khó khăn hơn. Vì vậy, thanh niên, trai tráng ở Xóm Mới dần lên phố tìm việc. Như bà Nguyễn Thị Đến, chị của Út Vân có bốn người con thì ba người đi làm ở TP Hồ Chí Minh, chỉ cậu út trụ lại quê chăm lo cha mẹ già. Chú Út Vân cũng đang lo vì anh con trai lớn dự tính ở lại TP Hồ Chí Minh tìm việc khi học xong bằng lái xe.
Lao động nông thôn rời quê lên phố khá phổ biến ở Cà Mau, nhất là ở các vùng chuyên nuôi tôm. Những năm gần đây, canh tác truyền thống không mang lại hiệu quả nên nhiều hộ dù còn yếu về vốn và kỹ thuật nhưng mạo hiểm chuyển sang nuôi thâm canh. Đó được xem là “canh bạc” với nhà nông, vì nếu thắng đậm vài vụ, nhà nông lên đời thành tỷ phú. Ngược lại thì tay trắng phải bỏ xứ đi làm thuê kiếm tiền trả nợ, phổ biến nhất là tới TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… làm công nhân.
Chú Sáu Bảo (Chung Kỳ Bảo), một hộ nuôi tôm kỳ cựu ở ấp Tấn Ngọc Đông, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi lý giải: nếu gia đình có 10 công đất nuôi tôm theo kiểu cũ, họ sẵn sàng cho mướn lại để đi làm ở Bình Dương. Vì chắc chắn nuôi tôm không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Còn nếu chuyển qua nuôi thâm canh khi chưa nắm vững kỹ thuật và yếu vốn, chỉ một hai vụ được mùa mất giá hoặc làm kiểu “cầu may” nên rất dễ thất bại.
Những con số đáng ngại
Theo Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright công bố, dân số vùng ĐBSCL giai đoạn 2009 - 2019 thay đổi không đáng kể. Cụ thể, theo kết quả điều tra dân số và nhà ở, dân số toàn vùng ĐBSCL vào năm 2009 là 17,2 triệu người, đến tháng 4-2019 là 17,3 triệu người. Riêng dân số thành thị chỉ tăng 0,98%/năm và dân số tăng bình quân là 0,05%/năm, một kết quả rất khiêm tốn so với tỷ lệ 2,62% và 1,14% của dân số cả nước. Một so sánh khác, trong 10 năm, dân số thành thị của ĐBSCL chỉ tăng 403 nghìn người, trong khi tổng dân số chiếm gần 18% dân số cả nước. Điều đó cho thấy khoảng cách về dân số đô thị của ĐBSCL so với cả nước đang chênh lệch theo chiều hướng giảm dần. Đối nghịch với số dân tăng hằng năm và toàn giai đoạn, có đến 1,1 triệu người lần lượt bỏ xứ ra đi kiếm kế sinh nhai. Trao đổi tại buổi công bố báo cáo, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng, nếu tình trạng di dân tiếp tục như hiện nay, thì đến năm 2030, khả năng cao là dân số của vùng ĐBSCL còn chưa đến 17 triệu người.
Cụ thể, trong 10 năm qua, tỉnh An Giang có lượng dân rời đi cao nhất với khoảng 200 nghìn người; kế đến là các tỉnh Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, mỗi tỉnh trên 100 nghìn người. Theo nhận định của Cục Thống kê tỉnh, An Giang có số lượng di dân khỏi địa phương nhiều nhất trong số 63 tỉnh, thành phố cả nước. Theo đó, tỷ lệ tăng dân số bình quân của An Giang giai đoạn 1999 - 2009 tăng 0,47%/năm, giai đoạn 2009 - 2019 giảm 1,16%/năm; so với 10 năm trước, dân số giảm gần 229.000 người, hầu hết ở khu vực nông thôn, nhóm người đi làm ăn ngoài tỉnh và một bộ phận sinh viên học xa nhà. Còn ở Cà Mau, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tỉnh đón hơn 100 nghìn con em là những người đang lao động, học tập, làm việc ngoài tỉnh về quê ăn Tết. Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Cà Mau, giai đoạn từ năm 2016 - 2020 có 125.209 người đi lao động ngoài tỉnh, bình quân mỗi năm có khoảng 25.000 lao động làm việc ngoài tỉnh. Trong đó, lao động vùng nông thôn đi là 100.885 người, phần lớn do ít đất hoặc không có đất sản xuất, thiếu việc làm.
a đi vì lẽ sống, mưu sinh, đổi đời cũng là một tất yếu, có ý nghĩa tích cực; tuy nhiên cũng nảy sinh những bất cập đáng quan tâm. Đó là sự chênh lệch về số dân giữa nông thôn với thành thị, giữa thành thị đồng bằng châu thổ với các thành phố lớn, thành phố đang phát triển. Hệ lụy là những vấn đề xã hội nhức nhối. Đó là cảnh nhiều thôn, ấp thiếu vắng bóng người, ruộng nương không ai cày cấy, nhà cửa không người trông nom. Nhiều trẻ em do thiếu vắng tình thương của cha mẹ, không được chăm sóc dạy dỗ chu đáo, không được học hành trở nên ngỗ nghịch, sa ngã, vi phạm pháp luật... Năm 2019, tỷ lệ đi học chung của ĐBSCL là 60%, thấp nhất cả nước; tỷ lệ đi học đúng tuổi chỉ đạt 55%. Bên cạnh đó là một bộ phận người lớn dù đã quá tuổi lao động nhưng vẫn phải làm trụ cột bất đắc dĩ trong gia đình...
(Còn nữa)
Theo nhandan.vn