Thứ Ba, 01/06/2021, 09:52 (GMT+7)
.

Điều chỉnh giá xuất khẩu trước sức ép gạo giá rẻ từ Ấn Độ, Pakistan

Trước áp lực đến từ các sản phẩm gạo giá rẻ của Ấn Độ và Pakistan trên thị trường quốc tế, Việt Nam đã buộc phải hạ giá gạo để tăng sức cạnh tranh trong xuất khẩu. Tuy nhiên, động thái nhập gạo giá rẻ từ Ấn Độ gần đây của một số doanh nghiệp trong nước để tái xuất có nguy cơ tạo ra những bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của cả ngành lúa gạo.

Việt Nam điều chỉnh giá gạo xuất khẩu để cạnh tranh với Ấn Độ, Pakistan. Ảnh: Trung Chánh
Việt Nam điều chỉnh giá gạo xuất khẩu để cạnh tranh với Ấn Độ, Pakistan. Ảnh: Trung Chánh

Lo ngại trước sức ép gạo giá rẻ từ Ấn Độ và Pakistan

Dữ liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, dù có những biến động ở từng thời điểm nhưng việc chào giá xuất khẩu gạo Việt Nam từ đầu năm đến nay đang trong xu hướng sụt giảm, trước sức ép hạ giá của Ấn Độ và Pakistan.

Theo đó, tại thời điểm giữa tháng 2-2021, trong khi Việt Nam chào bán gạo 5% tấm ở mức 513-517 đô la Mỹ/tấn, thì cùng phân khúc này, Ấn Độ chào giá chỉ 398-402 đô la Mỹ/tấn, tức thấp hơn Việt Nam 115 đô la Mỹ/tấn. Trong khi đó, cùng phân khúc, Pakistan cũng có giá thấp hơn Việt Nam đến 65 đô la Mỹ/tấn (tất cả được chào bán theo giá FOB - là giá tại cửa khẩu bên quốc gia người bán, đã bao gồm chi phí vận chuyển ra cảng, làm thủ tục xuất khẩu, và thuế xuất khẩu (nếu có) - PV).

Cách đây hơn một tuần, vào ngày 20-5, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán với giá 493-497 đô la Mỹ/tấn. Với mức giá này, gạo Việt Nam đã giảm 20 đô la Mỹ/tấn so với thời điểm giữa tháng 2 vừa qua.

Giá gạo Việt Nam sụt giảm trong bối cảnh giá gạo Ấn Độ và Pakistan cũng sụt giảm, mà cụ thể, vào thời điểm ngày 20-5, gạo 5% tấm của hai quốc gia này chào bán lần lượt là 388-392 đô la Mỹ/tấn và 438-442 đô la Mỹ/tấn, cùng giảm 10 đô la Mỹ/tấn so với thời điểm giữa tháng 2.

Còn hiện tại, gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ còn 488-492 đô la Mỹ/tấn, tức tiếp tục giảm 5 đô la Mỹ/tấn so với mức giá cách đây khoảng một tuần. Trong khi đó, so với một tuần trước, gạo Ấn Độ và Pakistan hiện vẫn ở mức lần lượt là 388-392 và 438-442 đô la Mỹ/tấn.

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH MTV chế biến lương thực Vạn Lợi - một trong những doanh nghiệp lớn về kinh doanh sản xuất mua bán các loại gạo cao cấp, gia công xuất khẩu gạo, cho biết trong thời gian qua, gạo Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh rất lớn về giá trước đối thủ đến từ Ấn Độ và Pakistan. “Do đó, việc giá gạo xuất khẩu của Việt Nam “hạ nhiệt” một mặt để thu hẹp chênh lệch với giá của Ấn Độ, Pakistan (tại thời điểm ngày 28-5-2021 gạo Việt Nam cao hơn gạo Ấn Độ 100 đô la Mỹ/tấn so với mức chênh lệch 115 đô la Mỹ/tấn như hồi giữa tháng 2-2021; cao hơn Pakistan 50 đô la Mỹ/tấn so với mức 65 đô la Mỹ/tấn hồi giữa tháng 2-2021 - PV), mặt khác cũng nhằm gia tăng sức cạnh tranh của gạo Việt Nam trước các đối thủ".

Ngay cả nước xuất khẩu gạo như Việt Nam, trước sức "hấp dẫn" về giá của gạo Ấn Độ, thời gian qua, đã nhập khẩu một lượng gạo nhất định về để phân phối trong nước. Thậm chí, đã có những phản ánh về tình trạng gian lận nguồn gốc xuất xứ trong xuất khẩu (tức nhập về để xuất sang nước thứ ba - PV) trong thời gian gần đây.

Ở góc nhìn của nhà kinh doanh, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Phước Thành IV, cho rằng giá gạo Việt Nam duy trì ở mức cao và cách biệt so với các đối thủ (Ấn Độ và Pakistan) cũng là điều đáng mừng. “Nhưng, giá cao so với các quốc gia xuất khẩu gạo khác thì liệu có giữ được khách hàng lâu hay không?”, ông nêu câu hỏi và băn khoăn rằng điều này thật sự rất khó đoán trước.

Một điểm đáng quan tâm, như nêu ở trên, đó là việc doanh nghiệp gian lận xuất xứ, có nguy cơ tạo ra những bất lợi rất lớn cho hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam. Bởi lẽ, thay vì đặt giá cao để mua gạo Việt Nam được đấu trộn với gạo Ấn Độ, thì họ nhập gạo Ấn Độ với giá rẻ sẽ có lợi hơn. “Gạo Ấn Độ rẻ như thế, Việt Nam còn mua về, thì tại sao mình qua Việt Nam mua làm chi, mà không tìm qua Ấn Độ”, ông Thành nêu góc nhìn ở vị trí nhà nhập khẩu.

Chính vì vậy, theo ông Thành, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cần có biện pháp kiểm soát nhập khẩu gạo từ Ấn Độ cũng như tình trạng gian lận xuất xứ để bảo vệ uy tín của hạt gạo Việt Nam. “Câu chuyện này, các bộ ngành phải có sự nghiên cứu và giải quyết, chứ không khéo sẽ rất khó khăn”, ông nói.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo của Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm tình hình diễn biến cung cầu thế giới; sự thay đổi chính sách của thị trường nhập khẩu; sự cạnh tranh của các đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Pakistan.

Từ nay đến cuối năm, đủ gạo xuất khẩu thêm 4,25 triệu tấn

Trong khi đó, với bối cảnh dịch Covid-19 đang có chiều hướng gia tăng, câu chuyện an ninh lương thực liệu có bị tác động xấu hay không?

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, kế hoạch sản xuất lúa năm nay của Việt Nam đạt 7,257 triệu héc-ta với năng suất bình quân khoảng 59,7 tạ/héc-ta, tương đương đạt tổng sản lượng khoảng 43,3-43,5 triệu tấn lúa (khoảng 26 triệu tấn gạo).

Trong khi đó, dự báo nhu cầu tiêu thụ nội địa trong năm nay, bao gồm cả tiêu thụ của người dân, phục vụ chế biến, chăn nuôi, làm giống và dự trữ là khoảng gần 30 triệu tấn lúa. Như vậy, vẫn còn dư đến hơn 13 triệu tấn lúa hàng hoá, tức tương đương 6,5 triệu tấn gạo phục vụ cho xuất khẩu.

Theo báo cáo của VFA, trong 15 ngày đầu của tháng 5, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt  269.224 tấn với trị giá đạt gần 146 triệu đô la Mỹ, giảm 48,17% về lượng và 46,63% về giá trị so vơi cùng kỳ. Lũy kế, xuất khẩu gạo đến giữa tháng 5 này đạt 2,242 triệu tấn, trị giá 1,218 tỉ đô la Mỹ, giảm 15,07% về lượng và 4,27% về giá trị so với cùng kỳ.

Như vậy, sau khi cân đối giữa lượng gạo đã xuất khẩu (2,242 triệu tấn) cũng như khả năng cung ứng cho xuất khẩu (6,5 triệu tấn), thì từ nay đến cuối năm, lượng gạo còn lại có khả năng phục vụ cho xuất khẩu của Việt Nam là khoảng 4,25 triệu tấn.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.