Bài cuối: Đồng hành vượt khó
Bài 1: Vượt khó duy trì sản xuất
Việc triển khai các chính sách về gia hạn thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 52 của Chính phủ, chính sách ưu đãi của các ngân hàng về tín dụng cho doanh nghiệp (DN) đang là đòn bẩy để cộng đồng DN vượt “bão” Covid-19.
Sự chia sẻ từ các gói chính sách trở thành nguồn lực quan trọng tiếp sức cho DN duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
TIẾP SỨC CHO DN
Thực tế cho thấy, trước tác động của dịch Covid-19, hiện các DN đang đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường, nguồn vốn… Do đó, các DN cần được “tiếp sức” để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trước thực trạng này, tín dụng ưu đãi được xem là đòn bẩy quan trọng giúp DN tiết giảm chi phí, ổn định nguồn vốn duy trì sản xuất. Trên thực tế, nhiều gói tín dụng ưu đãi đã được ngành Ngân hàng triển khai, kịp thời đáp ứng nhu cầu của nhiều DN.
Cán bộ, công chức LĐLĐ tỉnh Tiền Giang ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. |
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Tiền Giang, từ đầu năm 2020 đến nay, để giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện phục hồi nhanh nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành, với quy mô cắt giảm tương đối mạnh.
Theo đó, tổng mức giảm lãi suất dao động từ 1,5% - 2,0%/năm để sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp hơn. Từ việc điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm sẽ góp phần tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng giảm chi phí vốn vay, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, ngành Ngân hàng cũng chỉ đạo các TCTD cân đối nguồn vốn, tài chính, triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng DN, người dân vượt qua khó khăn.
Kết quả là mặt bằng lãi suất cho vay thị trường giảm nhanh (từ 0,5% - 2,5% so với trước khi có dịch); trong đó, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm so với đầu năm 2020, hiện tại ở mức 4,5%/năm, từ đó giảm bớt khó khăn cho DN, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế.
Vừa qua, LĐLĐ tỉnh Tiền Giang đã triển khai Công văn 1439 đề nghị các cấp Công đoàn trong tỉnh tổ chức vận động đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, tiếp tục chung tay góp sức, ủng hộ vật chất và tinh thần để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Với mục đích mua vắc xin, máy thở và trang thiết bị y tế; hỗ trợ cho các khu cách ly, điều trị bệnh nhân nặng; động viên lực lượng tuyến đầu phòng, dịch bệnh; hỗ trợ công tác phòng, chống dịch cho những địa phương đang có dịch bùng phát phức tạp. |
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tiền Giang, đến cuối tháng 4-2021, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 263 khách hàng với dư nợ được cơ cấu là 69 tỷ đồng; miễn, giảm lãi cho 122 khách hàng, với dư nợ 30 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với trước khi có dịch, với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến nay đạt 24.680 tỷ đồng, với 3.022 khách hàng.
Đối với chính sách hỗ trợ người lao động vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương ngừng việc cho người lao động theo Quyết định 15 và Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 31-1-2021, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Tiền Giang đã giải ngân cho vay đối với 6 đơn vị, với dư nợ đạt 978 triệu đồng, với thời gian vay là 12 tháng, lãi suất là 0%/năm.
Đánh giá về kết quả thực hiện các gói tín dụng ưu đãi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm cho biết, các giải pháp ngành Ngân hàng triển khai trong thời gian qua, đặc biệt là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ đã giúp giảm áp lực cho DN trong trả nợ vay ngân hàng và tạo điều kiện để DN tiếp tục vay mới khôi phục và ổn định sản xuất, kinh doanh.
Để đồng hành cùng DN, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52 quy định về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Theo Cục Thuế tỉnh Tiền Giang, tính đến ngày 9-6, có 251 người nộp thuế đề nghị gia hạn thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất theo Nghị định 52 của Chính phủ; trong đó, có 250 DN, tổ chức và 1 hộ kinh doanh đề nghị gia hạn với tổng số tiền hơn 60,4 tỷ đồng.
Theo Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Tiền Giang Cao Văn Tạo, chính sách hỗ trợ của nhà nước thông qua cơ chế giãn, hoãn nộp các khoản thuế phát sinh sẽ góp phần giúp các DN, cá nhân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh, khôi phục sản xuất, kinh doanh.
HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG
Nhìn lại năm 2020, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều DN phải cắt giảm công nhân do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thị trường bị thu hẹp. Trước tình hình trên, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Tiền Giang đã kịp thời thống kê số lượng, ngành nghề công nhân bị ảnh hưởng để thông tin đến các DN có nhu cầu tuyển công nhân.
Qua đó giúp cho hơn 4.500 công nhân có việc làm mới. Đồng thời, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức các hoạt động nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động và tham gia phòng, chống dịch Covid-19 như: Tư vấn pháp luật việc tạm hoãn hợp đồng lao động; tham gia tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19; vận động cán bộ Công đoàn chuyên trách ủng hộ tiền lương, hỗ trợ người lao động ảnh hưởng do dịch bệnh...
Công đoàn cơ sở LĐLĐ tỉnh Tiền Giang tổ chức phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. |
Những tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 tái bùng phát và diễn biến phức tạp. Chính vì thế, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, các chế độ, chính sách đối với công nhân, viên chức, lao động; đặc biệt là việc rà soát, thống kê những trường hợp người lao động gặp khó khăn, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để kịp thời đề xuất hỗ trợ. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, LĐLĐ tỉnh đã kịp thời chi trợ cấp cho 1.028 công nhân, lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với tổng số tiền 1,122 tỷ đồng.
Tôi mong sao Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN tiếp cận và hưởng ưu đãi từ các gói hỗ trợ để tạo đà kinh doanh thuận lợi hơn. Sau thời gian được gia hạn nộp thuế, bảo hiểm xã hội, cần hỗ trợ DN lộ trình để DN khôi phục sản xuất kinh doanh, tài chính. Bởi, thời gian dài hoạt động kinh doanh bị đình trệ, DN sẽ rất khó khăn khi nộp các khoản nợ thuế, bảo hiểm xã hội một lần”.
Ông Nguyễn Tấn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hoan Vinh cho biết |
Có thể nói, song song với công tác hỗ trợ DN, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác phòng, chống dịch tại các DN cũng được LĐLĐ tỉnh đặc biệt quan tâm.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lê Minh Hùng cho biết, đơn vị đã chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố thành lập các Ban Chỉ đạo của Công đoàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, cán bộ Công đoàn tham gia công tác phòng, chống dịch tại địa phương có dịch trong đợt bùng phát lần thứ 4 kể từ ngày 27-4, gồm: Người làm nhiệm vụ trực tiếp đi tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát, phòng, chống dịch tại DN, khu công nghiệp; tham gia hỗ trợ truy vết, xét nghiệm, cưỡng chế cách ly y tế; rà soát, thống kê người lao động trong các khu cách ly, khu phong tỏa; trao và phát quà hỗ trợ trực tiếp cho đoàn viên, người lao động tại các khu cách ly, khu phong tỏa.
Theo đồng chí Lê Minh Hùng, LĐLĐ tỉnh đang tập trung triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19 tỉnh với tinh thần quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong phòng, chống dịch, nhất là tuân thủ nguyên tắc 5K; đồng thời, tiếp tục thực hiện kiên trì và kiên quyết mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện có hiệu quả việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe đoàn viên, người lao động, xem sức khỏe, tính mạng của đoàn viên, người lao động là trên hết”.
LÝ OANH
* Bài dự thi Giải Báo chí
Nguyễn Đức Cảnh năm 2020 - 2021