Thứ Năm, 17/06/2021, 08:58 (GMT+7)
.

Giá nhập khẩu cộng cước phí tăng mạnh đẩy giá phân bón lên cao

Giá phân bón nhập khẩu cộng cước phí vận chuyển tăng nhanh đã đẩy giá loại vật tư này  lên rất cao. Điều này tạo ra không ít áp lực đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh nhiều loại nông sản phải "giải cứu".

Vừa xuống giống vụ thu đông, nông dân đã đối mặt áp lực tăng chi phí đầu tư do giá phân bón tăng mạnh. Ảnh: Trung Chánh
Vừa xuống giống vụ thu đông, nông dân đã đối mặt áp lực tăng chi phí đầu tư do giá phân bón tăng mạnh. Ảnh: Trung Chánh

Hiện tại, phân Urê Indonesia được đại lý phân phối đến tay người nông dân ở khu vực ĐBSCL có giá 535.000-540.000 đồng/bao 50 kg, Urê Phú Mỹ 545.000-550.000 đồng/bao 50 kg, Urê Cà Mau 555.000-560.000 đồng/bao 50 kg. So với mức giá cách đây ba tháng, giá phân Urê hiện tăng khoảng 100.000-110.000 đồng/bao 50 kg.

Trong khi đó, giá phân DAP Úc nếu như hồi đầu vụ hè thu 2021 có giá 630.000-640.000 đồng/bao 50 kg, thì đầu vụ thu đông này có giá 770.000-780.000 đồng/bao 50 kg. Các loại phân NPK, kali ở khu vực ĐBSCL cũng đồng loạt được các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp điều chỉnh giá bán tăng trên dưới 100.000 đồng/bao 50 kg.

Giá phân bón trong nước tăng được xác định do giá phân nhập khẩu từ các thị trường thời gian gần đây cũng tăng.

Theo đó, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 5, Việt Nam đã nhập khẩu 543.807 tấn phân bón các loại với trị giá trên 160,1 triệu đô la Mỹ, tăng 59% về lượng nhưng tăng đến 67% về giá trị. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập trên 1,87 triệu tấn phân bón các loại với trị giá trên 519,3 triệu đô la Mỹ, tăng 10,7% về lượng, nhưng tăng đến 21,4% về giá trị.

Lượng nhập khẩu phân bón tăng 10,7% trong khi trị giá tăng đến 21,4% trong 5 tháng đầu năm 2021 cho thấy giá phân bón nhập khẩu từ thị trường thế giới đã có sự biến động tăng mạnh.

Còn thống kê của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại thuộc Bộ Công Thương cho thấy, tuần cuối tháng 4-2021, giá DAP trung bình đạt mức 629 đô la Mỹ/tấn, MAP là 703 đô la Mỹ/tấn và kali là 433 đô la Mỹ/tấn, tăng 1% so với một tháng trước đó. Trong khi đó, giá phân u-rê tăng 2% và đạt mức giá 513 đô la Mỹ/tấn.

Theo các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, ngoài yếu tố giá nhập khẩu tăng, cước phí vận chuyển (bao gồm cả cước phí từ nhà máy sản xuất đối với phân nội địa và từ các cảng đối với phân nhập khẩu) tăng cũng là yếu tố tác động cộng hưởng "đẩy" giá phân bón đến tay người nông dân tăng cao.

Việc giá phân bón tăng cao khiến chi phí đầu tư của người nông dân cũng tăng mạnh theo. “Bình quân một công lúa (1.000 m2) tôi bón một bao phân 50 kg/vụ, như vậy, chỉ riêng chi phí phân bón, trước mắt đã tăng không dưới 100.000 đồng/công rồi”, ông Nguyễn Văn Dũng, một hộ nông dân sản xuất lúa ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết và nói rằng đó là chưa kể các loại chi phí có liên quan khác.

Đặc biệt, đối với những hộ nông dân sản xuất các loại nông sản đang phải chịu cảnh “giải cứu” như mít Thái, khoai lang tím Nhật, thì càng khó khăn hơn. Bởi, chi phí đầu vào tăng cao, trong khi đầu ra sản phẩm quá thấp, dẫn đến thua lỗ nặng hơn.

(Theo thesaigintimes.vn)

.
.
Liên kết hữu ích
.