Thứ Tư, 23/06/2021, 10:12 (GMT+7)
.
GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM CHI NHÁNH TIỀN GIANG NGUYỄN THỊ ĐẬM:

Các gói tín dụng hỗ trợ tích cực khách hàng vượt khó trước dịch Covid-19

Đánh giá tình hình và các gói tín dụng hỗ trợ của ngành Ngân hàng trước dịch Covid-19, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm cho biết:

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước nói chung và gây ảnh hưởng đến hoạt động của ngành Ngân hàng nói riêng, NHNN Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã triển khai kịp thời các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh bảo đảm hoạt động của hệ thống ngân hàng ổn định, an toàn thông suốt.

Trên cơ sở Thông tư 01 ngày 13-3-2020, Thông tư 03 ngày 2-4-2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 của NHNN Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, NHNN Việt Nam chi nhánh Tiền Giang đã chủ động ban hành nhiều văn bản triển khai chỉ đạo các chi nhánh TCTD trên địa bàn, yêu cầu các chi nhánh TCTD rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng để xây dựng chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ giải quyết hồ sơ đề nghị cơ cấu lại nợ, vay vốn của khách hàng nhưng không nới lỏng, hạ thấp các điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì tính lành mạnh của hoạt động ngân hàng trong thời gian tới.

* Phóng viên (PV): Như vậy, các gói tín dụng được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Thị Đậm: Nhìn chung, về lãi suất, sau 3 lần điều chỉnh giảm trong năm 2020, từ đầu năm 2021 đến nay, NHNN Việt Nam giữ nguyên các mức lãi suất điều hành phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và lạm phát. Trên cơ sở đó, mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay của các TCTD trên địa bàn tỉnh tiếp tục xu hướng giảm so với cuối năm 2020, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh thuộc lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm.

Nhằm ứng phó với diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, theo tinh thần chỉ đạo của NHNN Việt Nam tại Công văn 1370 ngày 5-3-2021, Công văn 3947 ngày 3-6-2021 về việc triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19 và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh đã có công văn chỉ đạo yêu cầu các chi nhánh TCTD tiếp tục xây dựng các phương án phòng, chống dịch, kịch bản ứng phó cụ thể trong trường hợp phải cách ly do dịch Covid-19; đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn đầy đủ cho người dân biết, tránh hoang mang dao động ảnh hưởng đến hoạt động.

NHNN Việt Nam chi nhánh Tiền Giang đã thực hiện tiếp nhận, xử lý thông tin, chủ động báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tổng hợp báo cáo đánh giá mức độ ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh đến phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ những vấn đề thuộc thẩm quyền Trung ương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội ứng phó với dịch bệnh; chủ động xử lý các kiến nghị; chủ động chỉ đạo, phối hợp TCTD trên địa bàn để xử lý các vấn đề phát sinh trên thực tế.

Trên cơ sở đó, từ tháng 4-2020, NHNN Việt Nam chi nhánh Tiền Giang đã thành lập bộ phận thường trực, đường dây nóng tiếp nhận thông tin xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến Thông tư 01. Qua đường dây nóng, Hiệp hội Doanh nghiệp, Liên minh Hợp tác xã, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch..., chi nhánh đã tiếp nhận các kiến nghị, vướng mắc (qua điện thoại, email hoặc văn bản trực tiếp) của doanh nghiệp và người dân đề nghị được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Chi nhánh đã hướng dẫn các khách hàng liên hệ với TCTD để được xem xét giải quyết hoặc có văn bản gửi TCTD đề nghị xem xét theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam tại Thông tư 01, Thông tư 03 và theo hướng dẫn thực hiện của hội sở chính trong việc hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh…

* PV: Kết quả cụ thể sau khi thực hiện Thông tư 01 của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang?

* Đồng chí Nguyễn Thị Đậm: Qua báo cáo kết quả tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của các TCTD trên địa bàn tỉnh đến ngày 31-5-2021 cho thấy, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 252 khách hàng với dư nợ 137 tỷ đồng; miễn, giảm lãi suất cho 122 khách hàng với dư nợ 30 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với trước khi có dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến nay đạt 25.764 tỷ đồng cho 3.551 khách hàng.

Trong đó, đối với khách hàng doanh nghiệp: Các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp với dư nợ 104 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất với dư nợ 29 tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi cho 481 doanh nghiệp với doanh số lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến nay là 18.391 tỷ đồng. 

Riêng đối với việc triển khai gói hỗ trợ khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Tiền Giang thực hiện cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc đối với người lao động theo Quyết định 15 và Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đến cuối tháng 1-2021, đơn vị đã giải ngân cho vay đối với 6 đơn vị với dư nợ đạt 978 triệu đồng, thời gian vay là 12 tháng, lãi suất là 0%/năm.

* PV: Phương hướng thực hiện trong thời gian tới như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Thị Đậm: Hiện nay, cả nước vừa phòng, chống dịch vừa đẩy mạnh các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ngành Ngân hàng trên địa bàn cũng sẽ triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn tiếp tục nghiêm túc thực hiện đúng theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp, tiếp tục triển khai các phương án, kịch bản ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, liên tục, thông suốt trong mọi trường hợp.

Về tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19, đối với các TCTD sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, cho vay mới... theo quy định tại Thông tư 01, Thông tư 03 của NHNN Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Các TCTD thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ cho khách hàng, người dân, doanh nghiệp.

Từng TCTD căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để xem xét thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác; đồng thời, công khai mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19; đáp ứng kịp thời vốn cho nền kinh tế, nhất là nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

NHNN Việt Nam chi nhánh Tiền Giang sẽ cung ứng kịp thời tiền mặt cho nền kinh tế đủ về số lượng, cơ cấu mệnh giá, đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân và doanh nghiệp, đảm bảo tuyệt đối an toàn tiền và tài sản trong quá trình thu, chi, vận chuyển, giao, nhận và bảo quản; chỉ đạo đôn đốc các TCTD trên địa bàn triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân vay vốn gặp khó khăn chưa trả được nợ do dịch Covid- 19; phối hợp với chính quyền địa phương, sở, ngành tỉnh để chỉ đạo, triển khai có hiệu quả việc tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Đồng thời, NHNN Việt Nam chi nhánh Tiền Giang tiếp tục phối hợp với UBND các cấp, sở, ngành triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đến các huyện, thành phố, thị xã để nắm bắt và kịp thời xử lý khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.