Huyện Châu Thành: Quyết tâm về đích huyện nông thôn mới
Định hướng đến năm 2023, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang phải phát triển đô thị, dân cư, giáo dục và đào tạo, y tế và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới (NTM). Để đạt mục tiêu này, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ huyện đã đề ra nhiều giải pháp có tính chiến lược, đột phá cho huyện trong thời gian tới.
XÁC ĐỊNH KHÂU ĐỘT PHÁ
Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Bé Hai cho biết, cụ thể hóa định hướng của tỉnh, Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ huyện đã đề ra 3 lĩnh vực đột phá sẽ tập trung lãnh đạo phát triển gồm: Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đầu tư xây dựng mẫu hệ thống thủy lợi cơ sở thích ứng biến đổi khí hậu, gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, cơ giới hóa nông nghiệp, từng bước ứng dụng công nghệ cao.
Châu Thành quyết tâm phấn đấu đến cuối năm 2023 ra mắt huyện NTM. Ảnh TUẤN LÂM |
Trong đó, công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là đầu tư hệ thống giao thông là nhiệm vụ quan trọng; bởi khi cơ sở hạ tầng giao thông hoàn chỉnh sẽ thúc đẩy đô thị phát triển gắn kết 3 vùng kinh tế trọng điểm, tạo điều kiện cho lĩnh vực thương mại - dịch vụ, nông nghiệp phát triển.
Theo đó, giai đoạn 2020 - 2025, huyện sẽ duy tu, nâng cấp 12 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 95,4 km đạt chuẩn, tỷ lệ 100% mặt đường nhựa và bê tông; nâng cấp các cầu, cống đồng bộ với cấp đường; mở rộng các tuyến đường xã, ấp, dân sinh theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông NTM.
Huyện nâng cấp, mở rộng đường huyện 32, đường huyện 36 (đoạn từ ngã ba Dưỡng Điềm đến đường tỉnh 867); đường huyện 34 (Quốc lộ 1 - đình Long Hưng); nâng cấp các tuyến đường xã đối với các xã chưa đạt chuẩn NTM đạt 100% và 100% tỷ lệ chiếu sáng; đường ấp đạt tối thiểu 80% cấp C (mặt đường 3 m), tỷ lệ chiếu sáng trên 50%; đường dân sinh đạt 100% không lầy lội vào mùa mưa; trong đó, cứng hóa đạt chuẩn tối thiểu 70%, cấp đường tối thiểu là cấp D (mặt đường 1,5 m) để đến năm 2023 dự kiến đạt chuẩn huyện NTM. Huyện tiếp tục duy trì và củng cố Bến xe Vĩnh Kim đạt chuẩn bến xe loại 4…
Cùng với đó là xây dựng phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, phát triển thương mại - dịch vụ, dịch vụ hỗ trợ đối với thị trấn Tân Hiệp sẽ đạt tiêu chí đô thị loại IV trước năm 2025, nhằm phục vụ cho Khu công nghiệp Tân Hương, Cụm công nghiệp Tân Lý Đông, phát triển thương mại - dịch vụ dọc Quốc lộ 1.
Giai đoạn 2021 - 2025 là thành lập thị trấn Vĩnh Kim; xây dựng cơ sở hạ tầng, khắc phục các tiêu chí còn yếu và thiếu theo tiêu chuẩn đô thị loại V, thành lập đô thị Long Định. Cùng với đó, huyện tiếp tục mời gọi đầu tư các Dự án: Khu thương mại dịch vụ nhà ở Vĩnh Kim, siêu thị Tân Hương, Khu dân cư - thương mại dịch vụ Thân Đức, Trung tâm thương mại - dịch vụ Lương Phú, Khu dân cư - chợ Song Thuận…
SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG MỚI
Đó là phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, gắn với NTM được UBND huyện xác định là một trong những khâu đột phá cho huyện Châu Thành. Theo đó, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, Đề án Tái cấu trúc ngành Công nghiệp và thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ thuộc đề án.
Huyện Châu Thành là nơi tiếp cận đầu tiên đối với việc đầu tư trong và ngoài nước, là nơi kết nối của tỉnh với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thuận lợi để phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, thương mại gắn với du lịch. Với lợi thế này, Tỉnh ủy - UBND tỉnh chủ trương xây dựng Châu Thành trở thành huyện nằm trong vùng kinh tế - đô thị Trung tâm của tỉnh Tiền Giang, với định hướng phát triển đô thị, dân cư, giáo dục và đào tạo, y tế cấp Tiểu vùng phía Tây Nam vùng TP. Hồ Chí Minh, phía Bắc của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng tỉnh; phát triển công nghiệp chế biến nông - thủy - sản, thương mại - dịch vụ; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trồng hoa cây cảnh, rau an toàn. |
Trong đó, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nhất là khai thác các lợi thế gắn với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi hợp lý theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch gắn với xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị liên kết sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Huyện cũng chú trọng phát triển những cây trồng chủ lực như cây rau màu (rau an toàn) và cây ăn trái, giảm dần diện tích lúa (trọng tâm là sản xuất cây lúa chất lượng cao). Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 12.280 ha vườn cây ăn trái.
Theo đồng chí Huỳnh Văn Bé Hai, UBND huyện, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng bộ huyện bằng Chương trình hành động với nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế; phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo tốt đời sống nhân dân. Cùng với đó là phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện, quyết tâm phấn đấu đến cuối năm 2023 ra mắt huyện NTM.
HOÀI THU