Chủ Nhật, 13/06/2021, 20:22 (GMT+7)
.

Tập đoàn Đèo Cả đề xuất đầu tư cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang

Tập đoàn Đèo Cả (DEOCA Group) đề xuất đầu tư dự án cao tốc nối Cần Thơ với Hậu Giang, có tổng mức hơn 8.000 tỉ đồng. Đây là đoạn cao tốc nằm trong tổng thể tuyến cao tốc nối từ Cần Thơ đến Cà Mau.

Hướng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, bao gồm đoạn Cần Thơ - Hậu Giang.
Hướng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, bao gồm đoạn Cần Thơ - Hậu Giang.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang mới đây, DEOCA Group đã đưa ra hai phương án thực hiện dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, trong đó chọn phương án 1 với chiều dài 37 km, có tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng.

Cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang nằm trong tổng thể dự án tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đi qua các địa phương gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Đây là tuyến giao thông quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giúp kết nối toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Kế hoạch phát triển đường cao tốc đến năm 2030 của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sẽ được khởi công trong giai đoạn 2021 - 2025.

Với dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (Tedi South) đưa ra 3 phương án hướng tuyến để đầu tư.

Theo đó, với phương án tuyến 1, điểm đầu của dự án xuất phát từ điểm cuối cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và điểm cuối dự án tại nút giao với đường Vành Đai 3, TP. Cà Mau (theo quy hoạch). Với phương án này, dự án có chiều dài tuyến là 141 km (bao gồm 14 km đi trùng cao tốc trục ngang); có 13 nút giao (9 nút giao đường hiện hữu). Phương án này sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng với quy mô 750 héc ta. Tổng mức đầu tư của phương án này là 46.200 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 2.082 tỉ đồng.

Với phương án tuyến 2, điểm đầu tuyến đến địa phận TP. Ngã Bảy (Hậu Giang) tương tự phương án tuyến 1. Sau đó, tuyến rẽ phải đi song song về phía bên trái tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp qua địa phận các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau về điểm cuối dự án tại nút giao với tuyến tránh quốc lộ 1 qua TP. Cà Mau. Với phương án nêu trên, dự án có tổng chiều dài 138 km và diện tích giải phóng mặt bằng là 900 héc ta. Tổng mức đầu tư của phương án này là 61.000 tỉ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là 2.390 tỉ đồng.

Phương án tuyến 3 có điểm đầu đến nút giao với tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tại km 22+870 tương tự phương án 1. Sau đó, tuyến đi song song về bên trái quốc lộ 61C hiện hữu đến nút giao với quốc lộ 61B vào TP. Vị Thanh (Hậu Giang), đi qua địa phận tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau về điểm cuối tại nút giao với đường vành đai 3 TP. Cà Mau (theo quy hoạch). Với phương án này, dự án có chiều dài 124 km và diện tích giải phóng mặt bằng là 800 héc ta. Tổng mức đầu tư của phương án tuyến 3 là 57.000 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.779 tỉ đồng.

Trong 3 phương án tuyến của dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau như nêu trên, DEOCA Group thống nhất với phương án 3, bởi đây là phương án có chiều dài tuyến ngắn nhất. Đây cũng là phương án được UBND tỉnh Hậu Giang đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải và báo cáo Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu.

Với phương án 3 nêu trên, DEOCA Group đề xuất đầu tư đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài tuyến 37 km, với tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng. Phương án này có điểm đầu giao với quốc lộ 91 - Nam Sông Hậu, điểm cuối giao với quốc lộ 61B vào TP. Vị Thanh.

Phương án được đề xuất có quy mô đầu tư giai đoạn 1 là 4 làn xe, vận tốc thiết kế là 80 km/giờ, giai đoạn hoàn thiện vận tốc thiết kế 100 km/giờ, quy mô nền đường mặt cắt ngang rộng 24,5 mét. DEOCA Group đề xuất đầu dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.