Tiền Giang: Đảm bảo đủ hàng, an toàn phòng dịch
Đảm bảo nguồn cung không thiếu và hơn hết là an toàn phòng, chống dịch Covid-19 đã và đang được các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng cung ứng đặt lên hàng đầu.
Ghi nhận từ thực tế và đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang những ngày qua tương đối ổn định, chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay yếu tố phòng, chống dịch Covid-19 được các cơ sở kinh doanh đặt lên hàng đầu.
Các trung tâm kinh doanh lớn khác như: Co.opmart, Go! Mỹ Tho, chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh… bên cạnh phục vụ tại chỗ, còn triển khai thực hiện tốt việc bán hàng qua điện thoại, bán hàng qua mạng và giao hàng tận nơi cho khách hàng nên đảm bảo nguồn hàng cung ứng theo nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại các trung tâm này, lượng khách hàng giảm hơn trước khi có dịch Covid-19 bùng phát lần này.
Cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh ổn định, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. |
Điểm chung tại các trung tâm kinh doanh này là thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng dịch như mang khẩu trang, sát khuẩn, đo thân nhiệt… Thực hiện Kế hoạch Ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh Covid-19 và các giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) cũng đã tăng cường nguồn hàng, nhất là hàng hóa tiêu dùng, xây dựng phương án lượng hàng hóa dự trữ phòng, chống dịch; dự báo nhu cầu tiêu dùng, chủ động làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo tăng nguồn cung hàng hóa và ưu tiên các hàng hóa thiết yếu như: Gạo, thịt, dầu ăn, mì gói, nước rửa tay, khẩu trang…
Chưa kể là có phương án lưu chuyển hàng hóa phù hợp, đưa hàng hóa kịp thời, không gián đoạn đến tất cả điểm bán hàng, xây dựng phương án cung cấp hàng hóa trong khu vực bị cách ly; giới hạn số lượng hàng bán ra đối với mỗi khách hàng cá nhân, không để thu gom, tích trữ tại các điểm bán hàng…
Nhìn một cách tổng thể, theo đánh giá chung của Sở Công thương, hầu hết các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang những ngày gần đây đều ổn định. Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn cho biết, từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, hàng hóa vẫn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, giá cả thị trường được kiểm soát, mặc dù một vài mặt hàng có tăng hoặc giảm giá nhưng ở mức biến động không lớn, tính đến thời điểm này chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Theo đó, hầu hết các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động bình thường, chỉ trừ một số ít chợ nằm trong khu vực bị phong tỏa. Diễn biến thị trường cũng cho thấy, nhu cầu mua sắm cũng có xu hướng giảm. Hiện sức mua của các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn TP. Mỹ Tho giảm từ 20% - 30%. Hiện nay, các siêu thị, cửa hàng tiện ích đang duy trì bán qua điện thoại, giao hàng tận nơi cho khách hàng.
Trước đó, để chủ động nguồn hàng cung ứng cho thị trường trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Sở Công thương cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh Covid-19 và các giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Theo kế hoạch này, nhiều “kịch bản” cũng được đưa ra nhằm thích ứng kịp thời với từng tình huống phức tạp, nhất là khi dịch Covid-19 xuất hiện trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Theo đó, “kịch bản” đặt ra đối với tình huống khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, tiếp tục xuất hiện trường hợp nhiễm Covid-19 trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh, một trong các nội dung quan trọng là các doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại, dịch vụ thực hiện chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 50% - 100% so với ngày thường. Riêng đối với doanh nghiệp kinh doanh gạo, ngoài việc đảm bảo thu mua thông suốt, còn thực hiện đúng trách nhiệm về dự trữ lưu thông, thu mua lúa, gạo hàng hóa xuất khẩu theo quy định tại Nghị định 107 ngày 15-8-2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo (thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó)…
Như vậy, với những gì đã và đang diễn ra trên thị trường và sự chủ động kiểm soát thị trường thông qua Kế hoạch Ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh Covid-19 và các giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh, tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn Tiền Giang sẽ rất khó có biến động lớn, kể cả tình trạng đầu cơ, găm hàng và đặc biệt là đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
A.P