Tiền Giang: Tạo dựng môi trường đầu tư mới
Cùng với các tỉnh, thành trong cả nước, thời gian qua Tiền Giang cũng tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng như nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tăng cường thu hút đầu tư, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn là cách tiếp cận mới của Tiền Giang.
HIỆN ĐẠI HÓA NỀN HÀNH CHÍNH
Cải thiện, nâng cao các Chỉ số PCI, Chỉ số PAPI, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tạo dựng môi trường đầu tư mới theo hướng thông thoáng... để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn là mục tiêu đã được Tiền Giang xác định nhiều năm qua. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng cho chặng đường sắp tới và được đề cập trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tiền Giang đẩy mạnh cải cách hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp (ảnh chụp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh). |
Nếu xét về khía cạnh ứng dụng CNTT, nhìn vào thực tiễn vừa qua cho thấy, trong vòng 4 năm trở lại đây, Tiền Giang là địa phương luôn nằm trong tốp các tỉnh, thành có Chỉ số Sẵn sàng ứng dụng và Phát triển CNTT và truyền thông cao. Thông qua nhiều giải pháp đã giúp cho khả năng ứng dụng CNTT của tỉnh có bước phát triển vượt bậc, góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả rõ nét nhất là hạ tầng CNTT và truyền thông của tỉnh được chú trọng đầu tư xây dựng, 100% cơ quan nhà nước cấp sở, ngành và UBND các huyện, thị, thành được nối mạng truyền số liệu chuyên dụng và kết nối Internet.
Để tiếp tục nâng cao các chỉ số phục vụ cho người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, Tiền Giang vừa thành lập Ban Chỉ đạo nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAX Index), Chỉ số PAPI, Chỉ số PCI... Trưởng Ban Chỉ đạo là Chủ tịch UBND tỉnh, thành viên là lãnh đạo các sở, ngành, địa phương. Theo đó, Ban Chỉ đạo sẽ thường xuyên phối hợp các đơn vị liên quan; theo dõi các hoạt động thuộc lĩnh vực ngành, địa phương quản lý để đưa ra biện pháp khắc phục các khó khăn, hạn chế. Với những giải pháp đồng bộ và quyết tâm cao, tin tưởng rằng, trong những năm tới, Tiền Giang sẽ tiếp tục cải thiện và nâng cao các chỉ số, kiến tạo nên một môi trường đầu tư mới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển. |
Thực tế vừa qua cho thấy, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp luôn được tỉnh quan tâm và phát triển đồng bộ. Nhờ đó, đến nay các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh đang sử dụng rộng rãi các phần mềm ứng dụng dùng chung và phần mềm chuyên ngành.
Tất cả các thủ tục hành chính của tỉnh, người dân, doanh nghiệp có phiếu hẹn đều được số hóa lên hệ thống một cửa điện tử của tỉnh: http://dichvucong.tiengiang.gov.vn, đã giúp cho việc xử lý, quản lý, thống kê, giám sát tình trạng giải quyết hồ sơ; tra cứu hồ sơ của cán bộ, công chức cũng như tra cứu trạng thái hồ sơ của người dân, doanh nghiệp được nhanh chóng, thuận lợi và minh bạch.
Theo đó, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt tỷ lệ trên 52%; dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 45%; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến ở mức độ 3 đạt 25% và mức độ 4 đạt hơn 18%. Đến nay, 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã triển khai và liên thông từ cấp tỉnh đến cấp huyện và đến 172/172 UBND xã, phường, thị trấn; tỷ lệ văn bản đi - đến giữa các cơ quan được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng (hoàn toàn không dùng văn bản giấy) đạt trên 80%; 100% cơ quan nhà nước được trang bị chữ ký số để ký gửi liên thông các văn bản điện tử…
Đồng thời, Tiền Giang cũng tiến hành đồng bộ các dịch vụ công trực tuyến lên cổng Quốc gia và đã triển khai tích hợp thanh toán trực tuyến trên nền tảng thanh toán cổng Dịch vụ công Quốc gia đối với các dịch vụ công cấp tỉnh và đang tiến hành tích hợp đối với các dịch vụ công trực tuyến cấp huyện, cấp xã.
CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ
Thực tế vừa qua cho thấy, bên cạnh xây dựng nền hành chính hiện đại, Tiền Giang còn tập trung xây dựng và kiến tạo một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và hiệu quả hơn, nhất là tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, tăng cường đối thoại doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Theo đó, Tiền Giang đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cấp Quyết định chủ trương đầu tư ngoài khu công nghiệp từ 35 ngày theo quy định của Luật Đầu tư xuống còn 20 ngày, trong khu công nghiệp xuống còn 9 ngày; thực hiện liên thông trong giải quyết thủ tục đầu tư - đăng ký kinh doanh, ứng dụng CNTT, giải quyết các thủ tục đầu tư kết hợp với dịch vụ công đã giải quyết được rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp so với trước đây.
Thông qua nhiều giải pháp kiến tạo môi trường đầu tư đã giúp cho hình ảnh Tiền Giang thay đổi đáng kể dưới góc nhìn của các nhà đầu tư, nhờ đó thu hút đầu tư của Tiền Giang cũng có nhiều điểm sáng hơn. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020, tỉnh thu hút được 37 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 17.779 tỷ đồng, tăng hơn 33% so với năm 2019; tổng vốn đầu tư đăng ký mới và vốn tăng thêm đạt 18.889 tỷ đồng. Trong đó, điển hình là một số dự án lớn, như: Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 1, vốn đầu tư 4.464 tỷ đồng; Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 2, vốn đầu tư 2.242 tỷ đồng; Dự án Bến cảng - Tổng kho xăng dầu - Khí hóa lỏng và các sản phẩm sau dầu mỏ DKC Tiền Giang, vốn đầu tư 3.646 tỷ đồng... |
Lãnh đạo tỉnh cũng xác định, đây là thời điểm mà chính quyền tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư cùng mang đến cho nhau những cơ hội hợp tác mới, những cam kết mạnh mẽ để cùng nhau phát triển.
Với phương châm mến khách, trọng đối tác, thấu hiểu đối tác, mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các tỉnh, thành trong cả nước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và bè bạn gần xa, Tiền Giang luôn chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực: Nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm; thương mại, dịch vụ và du lịch.
Kết quả thu hút đầu tư mà Tiền Giang đạt được trong thời gian qua đã minh chứng cho những nỗ lực của tỉnh trong quyết tâm kiến tạo một môi trường đầu tư mới thông thoáng hơn. Chính nhờ cách tiếp cận này đã giúp diện mạo, hình ảnh Tiền Giang thay đổi đáng kể hơn dưới con mắt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cải thiện Chỉ số PCI cũng là một trong những quyết tâm mà Tiền Giang theo đuổi thực hiện trong nhiều năm qua. Theo dõi thời gian dài mới thấy rằng, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến việc cải thiện PCI của Tiền Giang thông qua chủ trương, chính sách và nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Thông qua nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để cải thiện PCI như: Kế hoạch hành động 61 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 19 ngày 6-2-2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Kế hoạch hành động 158 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 19 ngày 15-5-2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Tiền Giang năm 2018 và những năm tiếp theo… và các hội thảo, hội nghị tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp do UBND tỉnh tổ chức đã giúp cho Chỉ số PCI Tiền Giang chuyển biến hơn. Một trong những kết quả là Chỉ số PCI năm 2014, Tiền Giang xếp hạng 52/63 đến năm 2020 xếp hạng 45/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Gần dân, gắn bó, gần gũi với cuộc sống của người dân, tuy không phải là cách tiếp cận mới, nhưng thật sự đã và đang mang lại nhiều ý nghĩa trong công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền địa phương. Đó cũng là một trong những nội dung quan trọng được UBND tỉnh đã và đang đặt ra thông qua việc quyết tâm cải thiện Chỉ số PAPI. Hướng đến mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, thời gian qua lãnh đạo tỉnh, địa phương, các sở, ngành… tăng cường gặp gỡ, giải quyết kịp thời nguyện vọng của nhân dân.
Đây cũng là một trong những giải pháp thiết thực giúp Tiền Giang cải thiện Chỉ số PAPI. Theo đó, năm 2020 điểm tổng hợp Chỉ số PAPI của tỉnh Tiền Giang đạt 42,29 điểm, đứng thứ 39/63 tỉnh, thành; trong đó có nhiều nội dung thành phần trong cơ cấu Chỉ số PAPI năm 2020 của Tiền Giang tăng điểm, như: Trách nhiệm giải trình với dân, Cung ứng dịch vụ…
LÊ PHƯƠNG - A.P