Tìm hướng mở cho nông dân trong vùng dịch
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Nhiều loại nông sản có mức giá thấp, gặp khó khăn trong tiêu thụ, đặc biệt là tại những địa phương xảy ra các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.
Thời điểm này, toàn tỉnh Tiền Giang đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, riêng TX. Cai Lậy và huyện Cái Bè thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ do xảy ra các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Cùng với đó, tình hình dịch Covid-19 ở nước ta đang diễn biến phức tạp nên việc tiêu thụ nông sản đang gặp rất nhiều khó khăn.
Do xảy ra nhiều ca mắc Covid-19 trên địa bàn xã Mỹ Hạnh Đông nên TX. Cai Lậy đã quyết định phong tỏa toàn bộ xã này để khoanh vùng ổ dịch. Điều này dẫn đến việc tiêu thụ nông sản của nông dân trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn.
Theo Chủ tịch UBND xã Mỹ Hạnh Đông Nguyễn Văn Lập, do bị phong tỏa nên việc tiêu thụ và thu hoạch nông sản trên địa bàn xã gặp khó khăn vì thiếu công lao động và máy móc. Thời điểm này, các diện tích lúa xuân hè ở xã đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ và chỉ có nhân công trong vùng bị phong tỏa thực hiện thu hoạch, không có người từ bên ngoài vào thu hoạch.
Đến nay, toàn xã Mỹ Hạnh Đông đã thu hoạch được khoảng 50% diện tích. Đối với những nông sản khác thì chưa giải quyết được khâu tiêu thụ. Dù sản lượng không nhiều, nhưng khó khăn hiện nay là giá rất rẻ. Cụ thể, thương lái mua xô mít Thái chỉ khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Người dân trong vùng phong tỏa tại xã Mỹ Hạnh Đông, TX. Cai Lậy gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản. |
Theo Chủ tịch UBND TX. Cai Lậy Trần Văn Thức, việc tiêu thụ nông sản của người dân trên địa bàn, đặc biệt ở xã Mỹ Hạnh Đông là một vấn đề rất khó, có khả năng vượt ngoài tầm của thị xã. Bởi nông sản phải được tiêu thụ ở các địa phương khác, song do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sức mua của người dân không cao. Do đó, giá cả và việc tiêu thụ nông sản đang gặp rất nhiều khó khăn. Địa phương mong được sự hỗ trợ của các ngành, cấp trên để tháo gỡ khó khăn này.
“Hiện người dân trên địa bàn thị xã đang bước vào vụ thu hoạch lúa, xã Mỹ Hạnh Đông cũng đang vướng vấn đề này. TX. Cai Lậy đang bàn giải pháp là sẽ cho máy móc và một số lao động vào để thu hoạch. Đối với những trường hợp khi vào vùng bị phong tỏa, địa phương sẽ kiểm soát chặt chẽ là trước khi vào phải khai báo y tế và test nhanh Covid-19. Sau khi thu hoạch lúa xong và rời khỏi khu vực này, thị xã sẽ tiến hành test nhanh Covid-19 và cách ly 21 ngày theo quy định” - đồng chí Trần Văn Thức cho biết thêm.
Thời điểm này, việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện Cái Bè cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều loại trái cây như: Ổi, mít… đang có mức giá rất thấp. Ông Lê Hồng Hải, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Lợi A (xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè) cho biết, hiện giá ổi loại 1 được mua với giá khoảng 4.000 đồng/kg; mít, mít Thái mua xô với giá 2.000 - 3.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân bị thua lỗ. Nguyên nhân là do cung vượt cầu, ảnh hưởng của dịch bệnh nên tiêu thụ khó khăn.
“Mít đến lứa thu hoạch thương lái mua giá thấp, nhưng nông dân cũng phải bán, còn không thì cho cá ăn. Lúc trước, vựa mít trên địa bàn rất nhiều, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh hiện đã giảm khoảng 50%” - ông Hải cho biết thêm.
Theo Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Trần Văn Út, hiện trên địa bàn huyện đang bước vào giai đoạn thu hoạch vụ lúa xuân hè. Đối với các ô đê bao thu hoạch lúa cùng thời điểm, huyện giao cho UBND các xã phải quản lý được các phương tiện, nhân công, thương lái; yêu cầu khai báo y tế, thực hiện đúng theo quy định 5K khi đến địa bàn. Đối với các vựa thu mua trái cây, UBND huyện tạo điều kiện cho các thương lái vào thu mua trái cây.
Nhìn chung, do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 trên cả nước nên giá nông sản ở mức thấp. Hiện việc giải quyết đầu ra cho nông sản chủ yếu do các hợp tác xã và thương lái thu mua để vận chuyển đến các tỉnh khác tiêu thụ. Riêng các giải pháp vĩ mô để hỗ trợ tiêu thụ nông sản thì phải chờ cấp trên.
NHÓM PHÓNG VIÊN