.

Trợ lực giúp doanh nghiệp vượt khó

Cập nhật: 16:31, 13/06/2021 (GMT+7)
Các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa cần nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là nguồn vốn để xoay vòng sản xuất, kinh doanh. Ảnh: SONG ANH
Các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa cần nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là nguồn vốn để xoay vòng sản xuất, kinh doanh. Ảnh: SONG ANH

Sau hơn một năm vất vả chống chọi những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang phải đối mặt rất nhiều khó khăn. Một số không nhỏ DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa (DNNVV), đã không thể trụ vững đành chấp nhận từ bỏ thị trường. Trước thế khó của DN, ngành ngân hàng (NH) đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ thiết thực, nhất là nguồn vốn ưu đãi để DN tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Chi phí phát sinh gia tăng, doanh nghiệp khát vốn vay

Kể từ cuối tháng 4-2021, Việt Nam đối mặt đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 theo chiều hướng phức tạp, nhiều thách thức với các ổ dịch tại nhiều địa phương, tập trung ở một số khu công nghiệp, có tốc độ lây lan nhanh. 

Theo các chuyên gia, đợt dịch lần này có mức độ nguy hiểm hơn và tác động tiêu cực mạnh hơn tới cộng đồng DN trong nước. Phần lớn các DN chưa kịp khắc phục với những làn sóng trước đã lại phải đương đầu thách thức mới. Các gói chính sách hỗ trợ (CSHT) của Chính phủ liên tục được ban hành và bổ sung phù hợp tình hình thực tế. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều DN đã không thể trụ vững và phải rút lui khỏi thị trường. Theo Tổng cục Thống kê, số DN rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm DN có quy mô nhỏ. Cụ thể, số DN rút lui khỏi thị trường trong năm tháng năm 2021 là 59.820 DN, tăng 23% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 31.818 DN tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 53,2% tổng số. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 DN rút lui khỏi thị trường.

Sau khi dịch Covid-19 bùng phát ở Bắc Ninh, ngay từ ngày 20-5, tỉnh này đã tạm dừng tất cả hoạt động vận tải hành khách đối với các tuyến xe bus nội tỉnh, xe hợp đồng, xe khách du lịch, xe taxi. Hàng loạt các tỉnh, thành phố khác như Bắc Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Hà Tĩnh... yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động vận tải khách bằng ô-tô trên địa bàn đến các địa phương có dịch. Tại Hà Nội, hàng loạt bến xe lớn như: Mỹ Đình, Giáp Bát... rơi vào cảnh đìu hiu, thất thu vì vắng phương tiện. Đường sắt chỉ còn một đôi tàu chạy tuyến Bắc - Nam… Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, tình hình còn bi đát hơn rất nhiều.

Hiệp hội taxi ba miền (Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh) mới đây cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, kiến nghị hỗ trợ các DN vận tải vượt qua khó khăn trước đại dịch Covid-19. Theo Hiệp hội, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã làm cho hoạt động kinh doanh của các DN vận tải taxi lâm vào tình trạng rất khó khăn. Hàng loạt các DN taxi đứng trước nguy cơ phá sản, nợ xấu có nguy cơ tăng cao trong hệ thống NH.

Tương tự, hàng loạt các lĩnh vực khác như: Dịch vụ, du lịch, dệt may… cũng đang gặp muôn vàn khó khăn vì dịch Covid-19. Đơn cử như với xuất khẩu dệt may, hàng loạt chi phí đầu vào như nguyên liệu, nhân công, logistics tăng cao, trong khi đó giá hàng hóa không tăng hoặc chỉ nhích nhẹ đã khiến các DN này ảnh hưởng không nhỏ. 

Chia sẻ về những khó khăn mà DN đang phải trải qua, ông Nguyễn Văn Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Quỳnh Mai cho biết, do thực hiện giãn cách xã hội, công nhân phải nghỉ việc đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động SXKD. Trong khi DN đang vay tiền NH để đầu tư, hằng tháng vẫn phải trả lãi và đáo hạn, trả góp, dẫn tới tình trạng thiếu hụt vốn, tài chính. Tuy đã có nhiều CSHT cho DN như: gia hạn nộp các loại thuế, phí, tiền thuê đất… cắt giảm thuế thu nhập DN cho các DN có quy mô nhỏ và vừa, thế nhưng vẫn cần nhiều CSHT thiết thực hơn nữa. Đặc biệt là nguồn vốn để DN xoay vòng SXKD.

Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tình hình DN vào đầu năm 2021 cho thấy, khó khăn của DN hiện vẫn là thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguyên liệu đầu vào và vấn đề lao động chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề tài chính. Song Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021 mới chỉ tập trung vào vấn đề tài chính.

Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết¸ dịch Covid-19 đã công phá lớn vào khả năng chống chịu của các DN, đặc biệt là các DNNVV, vốn ít, thời gian hoạt động dưới ba năm, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ...  Đại dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, dòng tiền và nhân công của DN. Chuỗi cung ứng của nhiều DN đã bị gián đoạn. Bên cạnh đó, các DN cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19.

Cùng quan điểm này, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội cho biết, việc kịp thời ban hành các CSHT đã mang lại hiệu quả lớn cho cộng đồng DN, nhất là DNNVV trong việc phục hồi và phát triển sản xuất. Các DN cũng kỳ vọng những CSHT cần tiếp tục được triển khai mạnh mẽ trong giai đoạn tới bởi từ nay đến cuối năm 2021 sẽ rất khó khăn khi dịch bùng phát mạnh ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của DN như: hoãn, giảm thuế, phí, nhất là chính sách về lãi suất và nguồn vốn ưu đãi.

Gia tăng nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp

Trước tình hình mới, Chính phủ xác định việc phòng dịch vẫn là yếu tố cơ bản, quyết định. Tất cả các bộ, ngành đều tích cực vào cuộc hỗ trợ mạnh mẽ các DN trong các vấn đề liên quan.  Thấu hiểu được khó khăn của cộng đồng DN, ngay từ thời điểm đầu khi dịch mới bùng phát, ngành NH đã có hàng loạt biện pháp để kịp thời hỗ trợ. Hơn một năm đại dịch hoành hành cũng là thời gian các NH đồng hành cùng DN với nhiều gói tín dụng ưu đãi nhanh chóng được tung ra.

Mới đây nhất, ngày 3-6, NHNN có Văn bản số 3947/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NH nước ngoài, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Cụ thể, các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, DN. Từng TCTD căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay (LSCV), cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác. Đồng thời, cần công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, CSHT để người dân, DN được biết.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, kể từ khi dịch bùng phát cũng là lúc hàng loạt gói tín dụng ưu đãi được các NH tung ra để kịp thời hỗ trợ DN. Đơn cử như SHB đã đưa ra chương trình ưu đãi LSCV với khách hàng DN hiện hữu bị ảnh hưởng bởi dịch. Cụ thể, ưu đãi giảm LSCV VND tới 3%/năm áp dụng với khoản vay trung, dài hạn và giảm 2,5% áp dụng với khoản vay ngắn hạn, ưu đãi giảm LSCV USD tới 1%/năm áp dụng với khoản vay ngắn hạn.

Đặc biệt, trước tình hình dịch Covid-19 gây thiệt hại cho khách hàng tại Bắc Giang và Bắc Ninh, NHNN chỉ đạo các TCTD tích cực, chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, các khách hàng trên địa bàn để tìm hiểu nhu cầu, đáp ứng kịp thời vốn tiêu thụ nông sản, nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của người dân, DN trên địa bàn; không để xảy ra chậm tiêu thụ nông sản, gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được vốn tín dụng NH.

Cụ thể, mới đây, Vietcombank cũng quyết định giảm đồng loạt LSCV và phí trong ba tháng cho khách hàng ở hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Thời gian giảm LSCV và phí trong ba tháng từ ngày 1-6 đến hết 31-8-2021 đối với khách hàng ở hai địa bàn này với mức giảm 1% lãi suất đối với vay bằng VND và 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của DN và người dân tại địa bàn hai tỉnh này.

Agribank cũng đã thực hiện liên tục bảy lần giảm LSCV, trong đó có bốn lần giảm LSCV đối với các lĩnh vực ưu tiên; chín lần giảm phí dịch vụ; đồng thời triển khai các chương trình tín dụng với LSCV thấp hơn từ 0,5% - 2,5% so trước khi có dịch Covid-19 để đáp ứng nhu cầu của từng nhóm khách hàng. 

VietinBank cũng đưa ra chương trình “VietinBank SME Stronger 2021 - Sung sức vươn xa” cung cấp giải pháp kết nối cho các DN. Cụ thể, gói V-SME1 cung cấp các mức lãi suất ưu đãi, miễn phí và giảm phí giúp DN mở rộng sản xuất, kinh doanh; V-SME 2 ưu đãi về chính sách cho khách hàng DNNVV dựa trên đặc thù của ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh; V-SME 3 cung cấp các giải pháp kết nối trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ DNNVV hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường…

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong đợt dịch này, để chia sẻ với những khó khăn của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, NHNN đã chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động nắm bắt tình hình SXKD, mức độ thiệt hại của DN đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN vay vốn, giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ… không để các DN bị “vỡ”, làm đứt gãy nền kinh tế.

Hiện nay, NHNN đang kích hoạt lại các gói hỗ trợ LSCV và có những cơ chế riêng cho các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch Covid-19 lần này. NHNN cũng chỉ đạo triển khai gói LSCV 0% đối với người lao động, công nhân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thực tế minh chứng, các CSHT của ngành NH thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào sự hồi phục và phát triển của DN. Nguồn vốn ưu đãi từ phía NH cho thấy sự thấu hiểu DN và được kỳ vọng sẽ trở thành trợ lực mạnh mẽ giúp các DN có thể vượt qua đại dịch, ổn định sản xuất, hướng tới việc phát triển mạnh mẽ ngay khi dịch kết thúc.

(Theo nhandan.vn)

.
.
.