.

Bộ Tài chính Mỹ và NHNN đạt thỏa thuận chung sau cáo buộc "thao túng tiền tệ"

Cập nhật: 21:09, 20/07/2021 (GMT+7)

Trong tuyên bố chung với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Bộ Tài chính Mỹ phát đi vào ngày 19-7, hai bên đã đạt được những thỏa thuận về câu chuyện “dán nhãn” thao túng tiền tệ của Việt Nam trong thời gian qua.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam ở một số lĩnh vực là một trong những luận điểm cơ sở trong cáo buộc thao túng tiền tệ. Ảnh minh họa: TTXVN
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam ở một số lĩnh vực là một trong những luận điểm cơ sở trong cáo buộc thao túng tiền tệ. Ảnh minh họa: TTXVN

Việt Nam không có ý đồ, không thể và cũng không thao túng tiền tệ

Trong thông cáo được phát đi ngày 19-7, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã có cuộc trao đổi trực tuyến giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet L. Yellen và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), bà Nguyễn Thị Hồng về vấn đề tiền đồng.

Theo tuyên bố chung được đưa ra, hai bên đã có những cuộc thảo luận trong những tháng gần đây và đã đạt được thỏa thuận để giải quyết quan ngại của Bộ Tài chính về tiền đồng, như được mô tả trong Báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ” của Bộ Tài chính trước Quốc hội Mỹ.

“Tôi hoan nghênh cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Bộ Tài chính và NHNN Việt Nam về chính sách tiền tệ, và sự hiểu biết lẫn nhau mà chúng ta đã đạt được”, Bộ trưởng Yellen nói.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ thông báo cho các cơ quan chính phủ khác của Mỹ, rằng đã đạt được thỏa thuận với NHNN Việt Nam để giải quyết những lo ngại của Bộ Tài chính về vấn đề tiền tệ của Việt Nam.

Về phía Việt Nam, NHNN nhấn mạnh rằng mục tiêu trọng tâm của chính sách tiền tệ là thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. NHNN cũng đang nỗ lực không ngừng để tiếp tục hiện đại hóa và minh bạch hơn chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá hối đoái, tiếp tục cải thiện tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái theo thời gian.

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tỷ giá hối đoái trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung nhằm bảo đảm sự vận hành tốt của thị trường tiền tệ và ngoại hối, thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, không tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

NHNN cũng sẽ tiếp tục cung cấp thông tin cần thiết để Bộ Tài chính Mỹ thực hiện báo cáo về hoạt động của NHNN Việt Nam trên thị trường ngoại hối trong Báo cáo định kỳ 6 tháng của Bộ Tài chính Mỹ trước Quốc hội nước này.

Trước đó, vào giữa tháng 4 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ thông báo không có đủ bằng chứng để kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ như đã nêu trong báo cáo hồi tháng 12-2020.

(Theo thesaigontimes.vn)

Theo các chuyên gia, báo cáo tháng 12 là kết quả của một quá trình đánh giá, phía Mỹ đã xúc tiến việc điều tra từ lâu trên khía cạnh vi phạm mục 301 theo Đạo luật Thương mại 1974. Theo chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump, Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ (USTR) sẽ điều tra hai vấn đề, một là là nhập khẩu và sử dụng gỗ được khai thác và buôn bán bất hợp pháp; hai là định giá thấp đồng nội tệ và hậu quả gây ra cho thương mại Mỹ.

Ở cuộc điều tra thứ hai, phía Mỹ tập trung làm rõ liệu các biện pháp can thiệp của Việt Nam, thông qua NHNN, vào thị trường hối đoái và các hành động liên quan khác có làm cho tiền đồng bị định giá thấp một cách bất hợp lý hoặc phân biệt đối xử và tạo gánh nặng hoặc hạn chế thương mại của Mỹ hay không.

Báo cáo hồi tháng 5-2019 của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy Việt Nam vi phạm ở hai tiêu chí là thặng dư cán cân vãng lai vật chất và thặng dư thương mại song phương đáng kể với Mỹ, còn báo cáo hồi tháng 1-2020 chỉ đánh giá Việt Nam vi phạm ở tiêu chí thặng dư thương mại. Báo cáo công bố ngày 16-12-2020 cho thấy Việt Nam vi phạm cả ba tiêu chí, trong đó có việc mua vào ròng dự trữ ngoại hối liên tục trong 12 tháng vượt 2% GDP.

 

.
.
.