.

Dự án Nâng cấp kinh Chợ Gạo giai đoạn 2: Cấp thiết và hợp lòng dân

Cập nhật: 08:01, 06/07/2021 (GMT+7)

Với việc Trung ương chuẩn bị triển khai Dự án Nâng cấp kinh Chợ Gạo giai đoạn 2 (gọi tắt là Dự án), người dân huyện Chợ Gạo đang rất phấn khởi sau nhiều năm chờ đợi.

Kinh Chợ Gạo là tuyến giao thông thủy huyết mạch kết nối các tỉnh miền Tây với TP. Hồ Chí Minh. Tuyến kinh này đã được đầu tư nâng cấp giai đoạn 1, song sạt lở vẫn thường xuyên xảy ra ảnh hưởng đến đời sống người dân nên việc nâng cấp giai đoạn 2 là nhu cầu bức thiết.

NGƯỜI DÂN MONG CHỜ

Chúng tôi trở lại tuyến kinh Chợ Gạo vào những ngày cuối tháng 6-2021. Dọc theo tuyến đường bờ Nam kinh Chợ Gạo (đoạn qua xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) liên tục xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Dù đã được đầu tư gia cố, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Tuyến kinh Chợ Gạo chuẩn bị được đầu tư nâng cấp giai đoạn 2.
Tuyến kinh Chợ Gạo chuẩn bị được đầu tư nâng cấp giai đoạn 2.

Chỉ tay về phía cây dừa đứng cheo leo bên bờ kinh, bà Nguyễn Thị Tuyết (ấp Tân Thạnh, xã Bình Phan) cho biết: “Sống ở đây hơn 64 tuổi, tôi chứng kiến tất cả sự đổi thay của tuyến kinh này. Sạt lở diễn ra nhanh lắm. Lúc trước, nhà tôi ở ngoài gốc dừa đó, sạt lở vào hơn nửa nhà nên phải chuyển vào trong này hơn 14 năm nay. Từ nhà mới ra đến nhà cũ khoảng hơn 30 m. Hồi đó, lúc dời nhà tôi cũng không lo gì mấy do còn nguyên một bờ kinh và miếng đất lớn lắm. Tuy nhiên đến nay, sạt lở tiếp tục lấn vào nền nhà mới 2 lần, mỗi lần khoảng 2 m. Do đó, việc đi lại qua khu vực này rất khó khăn, học sinh đi học ngang bị té hoài. Để bà con đi lại được thuận lợi, tôi mới cho làm đường và kè lấn vào đất của gia đình”.

Cũng theo bà Tuyết, việc Nhà nước chuẩn bị đầu tư nâng cấp tuyến kinh Chợ Gạo rất ý nghĩa đối với người dân nơi đây, có đường sá giúp việc đi lại thuận lợi nên bà rất ủng hộ. Tuy nhiên, người dân cũng mong Nhà nước đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) thỏa đáng để an cư lạc nghiệp.

Cách nhà bà Tuyết không xa, ngôi nhà của anh Huỳnh Minh Đạt cũng nhiều lần bị ảnh hưởng bởi sạt lở. “Bờ lộ lúc trước nằm ở ngay mấy gốc bần sạt lở đó, nhưng giờ sạt lở lấn vô sâu, tôi phải bỏ ra 2 m đất để cho Nhà nước làm đường, gia cố bằng cừ cho dân đi lại. Nói chung, tôi rất thắc thỏm khi sạt lở diễn ra hoài. Khi nghe Dự án được khởi công lại, tôi và người dân rất đồng thuận và mong chờ triển khai sớm, nhưng cần tính toán giải tỏa đền bù thỏa đáng cho người dân” - anh Đạt bày tỏ.

KHẨN TRƯƠNG TRIỂN KHAI

Theo quy mô được phê duyệt, Dự án được đầu tư với tổng kinh phí hơn 1.335 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất khoảng 29,79 ha. Về phương án xây dựng, Dự án sẽ nạo vét mở rộng luồng chạy tàu bờ Nam kinh Chợ Gạo, tổng chiều dài khoảng 9,85 km; thi công công trình bảo vệ bờ Nam kinh Chợ Gạo, cầu và đường dân sinh… Dự án dự kiến khởi công vào năm 2021 và hoàn thành trong năm 2023.

Nhiều điểm sạt lở trên tuyến kinh Chợ Gạo.
Nhiều điểm sạt lở trên tuyến kinh Chợ Gạo.

Theo Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Nguyễn Hồng Hữu, đến nay, chủ đầu tư Dự án là Ban Quản lý dự án đường thủy (Bộ Giao thông Vận tải) đã chuyển cho UBND huyện Chợ Gạo 338 tỷ đồng để phục vụ công tác giải tỏa đền bù. Ban Quản lý dự án đường thủy yêu cầu huyện phải giao mặt bằng trước tháng 8-2021 để tiến hành thi công. Huyện Chợ Gạo được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư Tiểu dự án GPMB của Dự án này. Từ cuối năm 2020 đến nay, huyện tập trung rất cao cho Dự án bởi đây là công trình người dân rất mong chờ. Trong các đợt tiếp xúc cử tri, người dân đều đặt vấn đề về việc nâng cấp tuyến kinh Chợ Gạo giai đoạn 2.

Theo đó, huyện Chợ Gạo đã chỉ đạo các xã Bình Phục Nhứt, Bình Phan và thị trấn Chợ Gạo họp dân công bố triển khai Dự án. Người dân rất phấn khởi và ủng hộ việc thực hiện Dự án. Về việc giao mốc GPMB, cuối tháng 1-2021, Ban Quản lý dự án đường thủy đã giao mốc cho huyện Chợ Gạo tiếp nhận. Huyện đã hợp đồng với Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh hoàn thành việc xác định ranh giới đất giữa các hộ dân, đang xử lý đo vẽ chi tiết, lập bản đồ, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Về giá đất, đơn vị tư vấn đã tiến hành khảo sát thu thập thông tin giá đất ở từng khu vực cụ thể để hoàn chỉnh hồ sơ. Theo kiểm kê, đến đầu tháng 6-2021, cơ quan chức năng đã kiểm kê được 110/303 hộ dân tại xã Bình Phục Nhứt và đang tiến hành kiểm kê tại các hộ ở xã Bình Phan, thị trấn Chợ Gạo.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Hồng Hữu, số hộ bị ảnh hưởng bởi Dự án là 644 hộ, có khoảng 220 hộ là giải tỏa trắng. Đối với công tác tái định cư (TĐC), huyện đã tiến hành khảo sát tại các xã Bình Phục Nhứt, Bình Phan, thị trấn Chợ Gạo và thống nhất phương án bố trí TĐC theo tuyến. Dự kiến, huyện sẽ mở huyện lộ 25B và bố trí TĐC trên tuyến này, mà không thành lập khu TĐC riêng. Dự kiến, địa phương sẽ thành lập 5 khu TĐC trên huyện lộ này, với 275 nền TĐC.

Trong đó, xã Bình Phục Nhứt có 2 khu TĐC, khu thứ nhất ở ấp Bình Khương 2 với diện tích 24.900 m2, bố trí 130 nền; khu thứ 2 ở ấp Bình Khương 1 với diện tích 5.400 m2, dự kiến bố trí 35 nền. Ở xã Bình Phan có 2 khu TĐC, khu thứ nhất ở ấp Bình Thọ Thượng diện tích 10.200 m2, bố trí 40 nền; khu thứ 2 tại ấp Tân Thạnh diện tích 5.100 m2, bố trí 30 nền. Thị trấn Chợ Gạo có 1 khu TĐC với diện tích 3.000 m2, dự kiến bố trí 15 nền. Riêng việc bố trí một số khu để thực hiện việc đổ đất khi nạo vét, huyện đã khảo sát, rà soát bố trí 15 khu đổ đất với tổng diện tích khoảng 20,8 ha.  

Thực tế cho thấy, sau nhiều năm ngưng trệ, Dự án chuẩn bị được khởi động lại đáp ứng sự chờ đợi và mong mỏi của người dân. Dự án ngoài việc giúp ổn định đời sống người dân, còn giúp việc giao thông thủy qua tuyến kinh này được thuận lợi, khai thác lợi thế trong phát triển giao thông thủy trên địa bàn tỉnh và trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

TRỌNG ĐẠT

.
.
.