Giữ vững đà tăng của xuất khẩu
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều địa phương trên cả nước đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
Vì vậy, kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 6 đã giảm nhẹ so tháng trước, nhưng vẫn đạt tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 25%). Tính chung hai quý, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó riêng xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa hai quý đầu năm, Mỹ tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch đạt 44,9 tỷ USD, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 24,4 tỷ USD, tăng 24%; thị trường Liên hiệp châu Âu (EU) đạt 19,3 tỷ USD, tăng 17,4%; ASEAN đạt 13,8 tỷ USD, tăng 26%; Hàn Quốc đạt 10,5 tỷ USD, tăng 14,7%; Nhật Bản đạt 9,9 tỷ USD, tăng 6,9%;... Có thể thấy, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường truyền thống, nhất là những nơi đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam đều giữ được đà tăng trưởng ổn định.
Theo Bộ Công thương, dự báo hoạt động xuất khẩu thời gian tới còn nhiều dư địa tăng trưởng khi các FTA đang dần được thực thi một cách toàn diện, hiệu quả hơn. Các FTA như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA),… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các thị trường đối tác quan trọng với thuế quan ưu đãi.
Bên cạnh đó, Mỹ và châu Âu cũng đang dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa khi đã kiểm soát được dịch bệnh nhờ tiêm đủ số lượng vắc-xin, cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh.
Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu cũng sẽ gặp không ít thách thức. Đó là dịch Covid-19 đã phần nào được kiểm soát tại các tỉnh, thành phố phía bắc, nhưng vẫn diễn biến phức tạp tại các vùng trọng điểm sản xuất ở phía nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,… là những địa phương có quy mô kim ngạch xuất khẩu đứng đầu của cả nước.
Trên thế giới, châu Á cũng đang là tâm điểm với số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng nhanh chóng, hàng loạt quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia,... vẫn phải thắt chặt các biện pháp kiểm soát nhằm hạn chế sự lây lan. Thậm chí, ngay cả EU cũng một lần nữa phải đối mặt với nguy cơ mới từ biến thể Delta đang lan rộng tại châu lục này.
Để vượt qua những khó khăn, thách thức trước mắt và vượt lên, tận dụng thành công các cơ hội, các doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh, qua đó cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực. Bên cạnh đó, các FTA dù mang đến không ít cơ hội cho xuất khẩu, nhưng cũng không phải là “bàn tiệc dọn sẵn”. Tham gia FTA đồng nghĩa với việc chấp nhận bước vào sân chơi lớn, dám đương đầu với khó khăn, thách thức để vươn lên nắm bắt cơ hội.
Do vậy, muốn tận dụng được những lợi ích mang lại và vượt qua thách thức đặt ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, giữa Trung ương và địa phương cũng như với cộng đồng doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý phải có chiến lược tuyên truyền cụ thể nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp nắm vững các cam kết, luật chơi đối với từng FTA; triển khai các chương trình, giải pháp đồng bộ để giúp các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu.
(Theo nhandan.vn)