Thứ Bảy, 24/07/2021, 16:21 (GMT+7)
.

Kết nối đầu ra cho nông sản

(ABO) Thông qua nhiều kênh kết nối, tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thời gian qua cơ bản ổn định. Thế nhưng, giá bán một số loại vẫn còn duy trì ở mức tương đối thấp.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều loại nông sản được dự báo sẽ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Tuy nhiên, đến nay nhìn chung tình hình tiêu thụ nông sản cơ bản vẫn được đảm bảo nhờ thông qua nhiều kênh kết nối cung cầu.

Tiêu thụ chanh trên địa bàn xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.
Tiêu thụ chanh trên địa bàn xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Ghi nhận thực tế tại xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang cho thấy, giá chanh được thương lái thu mua với giá 4.000 đồng/kg, giảm hơn trước chút ít. Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh nên các thương lái của các công ty hầu như ít đi thu mua như trước nên việc tiêu thụ gặp chút khó khăn.

Chị Lương Thị Tuyến ngụ ấp 1, xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước chia sẻ, vườn chanh đang vào vụ thu hoạch, mỗi ngày gia đình chị thu hoạch từ 300 - 500 kg. Vừa qua, gia đình được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Phước giới thiệu các mối thu mua đi trực tiếp cho người dân ở TP. Hồ Chí Minh nên cũng đã bán được vài tấn tại vườn. Tuy giá chỉ bằng 1/2 so với trước đây nhưng đầu ra vẫn ổn định.

Trên thực tế, tại các chợ trong và ngoài tỉnh, mặt hàng khóm tương đối hút hàng nhưng tại vườn người dân bán ra khá chậm và giá bán cũng tương đối thấp, do việc đi lại và vận chuyển còn khó khăn. Ghi nhận các đồng khóm tại huyện Tân Phước, giá khóm bán ra những ngày gần đây vẫn không tăng, chỉ dao động ở mức thấp từ 3.000 - 5.000 đồng/kg tùy loại.

Chị Võ Thị Thu Thảo, xã Phước Lập, huyện Tân Phước cho biết, trước đây khi nhà vườn gọi điện là thương lái xuống liền nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát thương lái nhỏ lẻ ít đi lắm. Đợt thu hoạch kỳ rồi được 4,5 tấn khóm, bán với giá 3.500 đồng/kg. Tuy nhiên, đợt này gia đình phải hái tuyển từng đợt khoản 700 kg đến 1 tấn khóm chín bán từ từ chứ không bán xô khóm xanh như trước được.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, dù giá bán ra còn ở mức thấp nhưng tình hình tiêu thụ vẫn diễn ra cơ bản thông suốt. Trao đổi với chúng tôi vào chiều ngày 24-7, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước Bùi Kế Bính cho biết, tình hình tiêu thụ khóm trên địa bàn xã tương đối ổn định, chỉ có giá bán vẫn còn ở mức tương đối thấp, xấp xỉ 3.000 đồng/kg. “Trên địa bàn xã hiện còn hơn 300 ha khóm chuẩn bị thu hoạch. Hiện nay, thương lái đảm bảo các yêu cầu phòng dịch Covid-19 vẫn đến địa bàn thu mua khóm bình thường, bình quân mỗi ngày thương lái thu mua từ 15 - 20 tấn khóm” - đồng chí Bùi Kế Bính cho biết thêm.

Chuyến hàng nông sản đi TP. Hồ Chí Minh bằng tàu cao tốc xuất phát từ Tiền Giang vào ngày 24-7.
Chuyến hàng nông sản đi TP. Hồ Chí Minh bằng tàu cao tốc xuất phát từ Tiền Giang vào ngày 24-7.

Bên cạnh tiêu thụ theo các kênh truyền thống như trước nay, việc kết nối cung ứng hàng hóa cho các thị trường lớn ở các tỉnh, thành, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh thông qua tàu cao tốc cũng góp phần đẩy nhanh lượng hàng hóa nông sản được tiêu thụ. Nhờ đó cũng góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa được thông suốt hơn.

Ngày 24-7, chuyến hàng vận chuyển nông sản đi TP. Hồ Chí Minh bằng tàu cao tốc tiếp tục xuất bến tại Tiền Giang để đi TP. Hồ Chí Minh. Theo ghi nhận tại điểm tập kết hàng hóa bến phà tạm Rạch Miễu vào sáng 24-7, 32 tấn hàng hóa nông sản gồm 15 mặt hàng: Rau má, rau muống, cải ngọt, cải xanh, cải trắng, mồng tơi, rau ngót, rau dền, tía tô, hành, húng cây, củ cải, khóm, bầu, dưa, chanh, khóm.… của tỉnh Tiền Giang được vận chuyển đường thủy do tàu của Công ty Greenlines DP. đi TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

Được biết, khoảng 32 tấn hàng hóa vận chuyển bằng tàu cao tốc lần này của 2 nhà cung cấp là Công ty TNHH MTV Rau củ quả Minh Long chi nhánh Mỹ Tho và UBND xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đứng ra thu mua của người dân và các thương lái trong vùng.

Theo Chủ tịch UBND xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành Dương Văn Hoàng, nguồn rau giao cho tàu cao tốc được thu mua từ nông dân trong xã và các xã lân cận như Tam Hiệp, Long An. Trong đó, xã Thân Cửu Nghĩa cung cấp chủ yếu là rau má. Giá cả thu mua các loại rau trung bình từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Diện tích rau màu trên địa bàn xã hiện có khoảng 450 ha, nhờ các giải pháp hỗ trợ cơ bản đã tiêu thụ khá ổn trong thời gian qua.

Hiện nay, việc kết nối tiêu thụ nông sản đang được Sở Công thương tỉnh Tiền Giang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai thực hiện với mục tiêu hỗ trợ một cách hiệu quả nhất đối với lượng hàng hóa nói chung, nông sản nói riêng, nhất là trong giai đoạn khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

A.P - TL - CT

.
.
.