Thứ Sáu, 16/07/2021, 09:11 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Chủ động hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Các sở, ngành, địa phương của tỉnh Tiền Giang đã và đang phối hợp chặt chẽ để chủ động hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong giai đoạn khó khăn, dịch bệnh như hiện nay.

Ghi nhận thực tế cho thấy, tình hình tiêu thụ nông sản nói chung trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện vẫn cơ bản ổn định và thông suốt.

LƯU THÔNG THÔNG SUỐT

Một trong những thông tin gần đây là tiêu thụ nông sản nói chung, khóm trên địa bàn huyện Tân Phước nói riêng gặp khó khăn, nhưng khi ghi nhận thực tế thì việc tiêu thụ nông sản ở đây vẫn thông suốt.

Trao đổi với chúng tôi vào chiều 14-7, chị Nguyễn Thị Thu Thủy, một thương lái tại thị trấn Mỹ Phước cho biết, mỗi ngày cơ sở thu mua khoảng 3 tấn khóm để chuyển đi các tỉnh miền Tây, với giá dao động từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.

Còn theo ông Trần Văn Ngót, xã Thạnh Mỹ, vừa qua ông đã thu hoạch được 25 tấn khóm, bán với giá 3.000 đồng/kg và hiện đang tiếp tục thu hoạch, bán cho thương lái bình thường.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tình hình tiêu thụ khóm trên địa bàn huyện Tân Phước vào chiều 14-7.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang kiểm tra tình hình tiêu thụ khóm trên địa bàn huyện Tân Phước vào chiều 14-7.

Liên quan đến tình hình tiêu thụ khóm trên địa bàn, trao đổi nhanh với phóng viên Báo Ấp Bắc vào chiều 14-7, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước Bùi Kế Bính cho biết, hiện tại xã không có tình trạng không cho thương lái vào thu mua khóm trên địa bàn. Tuy nhiên, giá khóm hiện nay tương đối thấp hơn so với trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19, chỉ dao động khoảng 3.000 đồng/kg và số lượng bán ra mỗi đợt có giảm hơn trước do nhu cầu từng chuyến hàng tiêu thụ của thương lái.

“Hiện nay, xã có khoảng 208 tấn khóm và 2 tấn thanh long chuẩn bị thu hoạch. Theo dự kiến, trong 3 ngày nữa sẽ thu hoạch khoảng 35 tấn khóm, thương lái đến tận vườn thu mua và đảm bảo các yếu tố phòng dịch”- đồng chí Bùi Kế Bính cho biết thêm.

Cũng liên quan đến tình hình tiêu thụ nông sản nói chung, khóm nói riêng trên địa bàn huyện Tân Phước những ngày gần đây, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Phước Trần Tuấn Khải cho biết, hiện nay hợp tác xã đang tiêu thụ đều đều lượng nông sản cho nông dân trên địa bàn. Tuy nhiên, lượng hàng tiêu thụ những ngày gần đây tăng cao, do khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh đặt nhiều hơn trước khi bùng phát dịch.

Theo Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình, để tạo điều kiện cho người dân tiêu thụ nông sản, huyện đã yêu cầu các xã tạo điều kiện cho thương lái, vựa trái cây, phương tiện vận chuyển nông sản hoạt động bình thường. Riêng thương lái thu mua bắt buộc phải có giấy test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 âm tính để đảm bảo yêu cầu phòng dịch. Các vựa thu mua trái cây, đóng gói trái cây vẫn cho hoạt động bình thường, nhưng phải đảm bảo quy định 5K. Giá trái cây trên địa bàn huyện dù không cao, nhưng cũng không xảy ra tình trạng thương lái ép giá.

M.T

Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã tiêu thụ khoảng từ 15 - 30 tấn khoai, khóm, tăng gấp 3 lần trước đây. Giá tiêu thụ vẫn ở mức bình thường, giá tại vườn hiện nay dao động khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg, hợp tác xã mua lại khoảng 5.000 - 5.500 đồng/kg, tùy theo loại khóm.

Hiện tại, sản lượng khóm đến vụ thu hoạch trên địa bàn huyện Tân Phước cũng khá nhưng không đến mức tiêu thụ khó khăn, người dân phải bỏ khóm như những đợt trước.

Đánh giá chung về tình hình tiêu thụ nông sản, nhất là khóm trên địa bàn huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Thanh Tú cho biết, trên địa bàn huyện không có tình trạng hàng ngàn ha khóm không tiêu thụ được. Hiện tại, số khóm đang thu hoạch trên địa bàn khoảng 600 ha trên tổng diện tích khoảng 15.000 ha khóm toàn huyện, với sản lượng khoảng 520 tấn. Số diện tích tiếp tục thu hoạch trong thời gian tới khoảng 1.000 ha.

Trên địa bàn huyện hiện có 50 cơ sở thu mua, trong đó chỉ riêng Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Phước thu mua bình quân mỗi ngày từ 15 - 20 tấn. Các cơ sở thu mua đều đảm bảo cho số lượng thu hoạch khóm đồng loạt trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng chỉ đạo nghiêm kiểm soát người qua lại các chốt kiểm dịch nhưng đảm bảo tạo điều kiện cho xe vận chuyển các mặt hàng thiết yếu và đặc biệt là các xe của thương lái tiêu thụ nhưng đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch.

PHỐI HỢP HỖ TRỢ

Theo ghi nhận chung, tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây cơ bản được đảm bảo, tất nhiên cũng có chút ít khó khăn do tác động của dịch bệnh. Đây cũng là điều đương nhiên, bởi yếu tố phòng dịch luôn được đặt lên trên. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình hình tiêu thụ sản phẩm của hầu hết các hợp tác xã rau ở huyện Gò Công Tây đến nay cơ bản ổn định nhờ có giấy xác nhận của các siêu thị hoặc hợp đồng mua bán nên lưu thông hàng hóa thuận tiện.

Trên thực tế nắm bắt tình hình tiêu thụ nông sản cho thấy, hợp tác xã, thương lái có hợp đồng giao hàng cho các siêu thị, trung tâm thương mại như Bách Hóa Xanh, Co.opmart, BigC… thì vẫn giao hàng bình thường, thậm chí tăng sản lượng cung ứng và lưu thông bình thường nếu đáp ứng đủ yêu cầu 5K; còn hợp tác xã, thương lái cung ứng cho điểm bán nhỏ lẻ, chợ truyền thống, chợ đầu mối đều bị ngưng hết vì các nơi này đang ngưng hoạt động và xe vận chuyển gặp khó khăn hơn.

Thông tin chúng tôi nắm được, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đang rà soát, thống kê số lượng nông sản hiện có để chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương chủ động hỗ trợ nếu tình hình tiêu thụ gặp khó khăn.

Đánh giá về tình hình tiêu thụ nông sản của tỉnh, Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho biết, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, đợt dịch lần 4 bùng phát và lan rộng nhiều tỉnh, thành trên cả nước (trong đó có Tiền Giang), nên các chợ truyền thống chủ yếu bán các mặt hàng thiết yếu, một số chợ tạm dừng hoạt động hoặc bị phong tỏa, các chợ trái cây của tỉnh hoạt động giảm hơn 50% số vựa (chẳng hạn như chợ trái cây Vĩnh Kim) hoặc chỉ bán cho người bán lẻ trong tỉnh (chợ trái cây Phường 4, TP. Mỹ Tho)…; các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh (chợ Hóc Môn, chợ Bình Điền…) tạm dừng hoạt động, người dân hạn chế ra đường do giãn cách xã hội, khó khăn trong khâu vận chuyển...

Bên cạnh đó, thời gian này đang vào vụ thu hoạch rộ, ngoài trái cây của tỉnh còn có các tỉnh khác; các doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến nông sản đang thiếu nhân công để thu mua và sơ chế, nên việc tiêu thụ nông sản của tỉnh gặp nhiều khó khăn và giá nhiều loại nông sản của tỉnh giảm mạnh.

Để chủ động hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đồng chí Đặng Văn Tuấn cho biết, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi tình hình thu mua và kinh doanh của các hợp tác xã, cơ sở kinh doanh các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh; tăng cường các hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ qua các kênh phân phối như Big C, MM Mega, Bách Hóa Xanh; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đưa các mặt hàng nông sản (trái cây) lên Gian hàng Việt, các Sàn thương mại điện tử như: Sendo, Shopee, Tiki, Voso, Postmart…

Bên cạnh đó, Sở Công thương thường xuyên liên hệ và nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang để thông tin đến doanh nghiệp; thông báo đến các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản về các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm thúc đẩy tiêu thụ các loại nông sản, trái cây có lợi thế xuất khẩu tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, EU, Trung Đông, Nga, New Zealand.

Riêng lĩnh vực xuất khẩu nông sản, trong thời gian qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, cùng với những hệ quả khác từ dịch bệnh như: Việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, thiếu container rỗng, nên hàng tàu delay thường xuyên không thể xuất hàng đi được; chi phí logistics tăng cao (tăng gấp 2 - 3 lần) so với năm 2019, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm... đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình xuất khẩu các sản phẩm nông sản của tỉnh.

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh đạt khoảng 7.048 tấn, kim ngạch đạt hơn 13 triệu USD, tăng 12% về lượng và giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ. Một số loại trái cây của tỉnh như: Thanh long, mít, bưởi… chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Thị trường này đã tiến hành kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với hàng hóa được vận chuyển trong container thông thường do lo ngại dịch Covid-19 dễ lây lan qua biên giới; đồng thời, yêu cầu thực phẩm đông lạnh nhập khẩu nếu không có đầy đủ các loại giấy tờ chứng nhận…

ANH PHƯƠNG - TUẤN LÂM

.
.
.