Tiền Giang: Hàng hóa dồi dào, sức mua giảm mạnh
Tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nhìn chung đảm bảo, hàng hóa dồi dào nhưng sức mua giảm mạnh.
MUA HÀNG QUA MẠNG TĂNG
Đánh giá tình hình thị trường hàng hóa hiện nay, Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho rằng, theo các địa phương, những ngày qua hàng hóa dồi đào, giá cả ổn định, chỉ có một số huyện, thị như: Huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, TX. Cai Lậy trước và sau ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình người dân mua sắm có tăng so với ngày thường, một số mặt hàng có tăng giá nhẹ như trứng, khô..., nhưng hiện nay đã trở lại bình thường.
Việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu vẫn đảm bảo, duy trì phục vụ người dân, đặc biệt là khu vực phong tỏa như xã Mỹ Hạnh Đông (TX. Cai Lậy), xã Tân Thanh (huyện Cái Bè)... và không xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng người dân đi chợ giảm như: Các chợ tại huyện Cái Bè giảm khoảng 60% - 70%, các chợ ở địa phương khác cũng giảm từ 20% - 30%.
Do tình hình dịch bệnh ở các tỉnh, thành lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương..., nên một số chợ đầu mối trái cây như: Chợ trái cây Vĩnh Kim (huyện Châu Thành), chợ trái cây Phường 4 (TP. Mỹ Tho), số lượng vựa tại chợ giảm hơn 50%, hiện đa phần bán cho các tiểu thương bán lẻ trên địa bàn tỉnh.
Sức mua hàng hóa giảm mạnh. |
Riêng TP. Mỹ Tho vừa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 30-6, nhìn chung tình hình thị trường, hàng hóa, giá cả ổn định. Chiều tối 29-6 (trước khi áp dụng Chỉ thị 16), các siêu thị, cửa hàng tiện ích như: Go! Mỹ Tho, Co.opmart Mỹ Tho, Bách Hóa Xanh, Vinmart+, một số cửa hàng bách hóa lớn ở chợ Thạnh Trị, người dân có đến mua sắm đông hơn, tăng khoảng 20% - 40% so với các ngày trước đó, nhưng vẫn thấp hơn so với thời điểm chưa có dịch.
Khảo sát, thực tế tại các siêu thị vào sáng 30-6 cho thấy, nhìn chung là vắng khách, chủ yếu bán hàng qua mạng. Theo đánh giá chung của Sở Công thương, số lượng đơn hàng bán qua mạng của các siêu thị, trung tâm thương mại gần đây tăng trên 50%, với khoảng 200 đơn hàng mỗi ngày.
Riêng tại các chợ như: Thạnh Trị, Mỹ Tho, cửa hàng bách hóa ở chợ..., lượng người dân mua sắm có đông hơn, nhưng không nhiều, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định. Đại diện Co.opmart Mỹ Tho cho biết, hiện nay hàng hóa dồi dào nhưng lượng khách đến mua trực tiếp giảm hơn trước khá nhiều, siêu thị đang đẩy mạnh bán hàng qua mạng với số lượng tăng hơn trước khá nhiều.
ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO NGƯỜI BÁN VÀ NGƯỜI MUA
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động lớn đến các chợ truyền thống. Chính vì thế, Sở Công thương vừa đề nghị UBND các huyện, thị, thành; các doanh nghiệp, hộ quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tỉnh rà soát, báo cáo tình hình kinh doanh tại các chợ truyền thống nhằm làm cơ sở tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, có chính sách miễn giảm giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ trên địa bàn tỉnh…
Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh hiện diễn biến rất phức tạp. Toàn tỉnh đã và đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và một số nơi thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, từ đó tình hình mua bán tại các chợ truyền thống bị ảnh hưởng rất lớn, một số chợ bị phong tỏa, các mặt hàng không thiết yếu tạm ngừng kinh doanh, sức mua giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của tiểu thương.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 175 chợ, 4 siêu thị gồm Go! Mỹ Tho, Co.opmart Mỹ Tho, Co.opmart Cai Lậy, Co.opmart Gò Công; 6 cửa hàng bách hóa của Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Phường 1 (TP. Mỹ Tho) và 5 cửa hàng bách hóa của Hợp tác xã Vĩnh Kim; 78 cửa hàng Bách Hóa Xanh và 5 cửa hàng Vinmart+, Công ty TNHH XNK Hữu Thành Phát và nhiều cửa hàng bách hóa nhỏ lẻ. Do tác động của dịch bệnh, đến ngày 1-7, một số chợ bị phong tỏa: Chợ Ba Dừa (huyện Cai Lậy), chợ Mỹ Hạnh Đông (TX. Cai Lậy), chợ Tân Thanh (huyện Cái Bè); chợ Bảo Định, chợ Cũ (TP. Mỹ Tho), chợ Tịnh Hà (huyện Chợ Gạo); riêng chợ Cai Lậy ngưng hoạt động từ ngày 18-6 đến 28-6, hiện nay đang hoạt động bình thường; 6 cửa hàng bách hóa của Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Phường 1 tạm ngưng hoạt động bán lẻ, vẫn duy trì bán buôn. |
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang đề nghị các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, đơn vị phân phối trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác phòng, chống dịch. Triển khai, hướng dẫn nhân viên, người lao động tại cơ sở cài đặt ứng dụng Bluezone trên thiết bị điện thoại thông minh.
Tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng mua sắm tại trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích cài đặt ứng dụng Bluezone trên thiết bị điện thoại thông minh. Thực hiện khai báo điện tử bằng QR-Code cho tất cả khách hàng theo quy định của ngành Y tế, yêu cầu người bán, người mua và người giao hàng phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch (đeo khẩu trang, sát khuẩn tay…).
Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại; Ban Quản lý chợ; UBND các xã, phường, thị trấn; doanh nghiệp khai thác, quản lý chợ trên địa bàn tỉnh triển khai, hướng dẫn, truy cập, cập nhật thông tin trạng thái của các chợ lên Bản đồ để chung sống an toàn với Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Công thương…
T.T