Thứ Hai, 12/07/2021, 09:12 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Không để "đứt gãy" chuỗi cung ứng hàng hóa

(ABO) Đó là mục tiêu được Sở Công thương tỉnh Tiền Giang đặt ra nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh được thông suốt, nhất là trong giai đoạn tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

NGUỒN CUNG HÀNG HÓA VƯỢT 50% - 100%

Trao đổi liên quan đến vấn đề này Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho biết, nhằm chủ động đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhất là khi tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở đánh giá tình hình, nhu cầu tiêu dùng tổng thể của người dân trên địa bàn tỉnh và khả năng cung ứng  hàng hóa của các hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh; nhằm đảm bảo việc cung ứng lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân được liên tục, xuyên suốt, không bị gián đoạn, Sở Công thương xây dựng phương án dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế; đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, bình ổn thị trường và góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đảm bảo không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.
Đảm bảo không để "đứt gãy" chuỗi cung ứng hàng hóa.

Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại, dịch vụ; hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cường nguồn hàng, nhất là hàng hóa tiêu dùng, có phương án tăng cường lượng hàng hóa dự trữ phòng chống dịch; chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 50% - 100% so với ngày thường; kịp thời phản ánh khó khăn, để xuất chính sách hỗ trợ của nhà nước để đảm bảo dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ; đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn, kể cả trong tình huống dịch bệnh lan rộng, nhiều khu vực bị cách ly.

Ngoài ra, các đơn vị này tiếp tục dự báo nhu cầu tiêu dùng, chủ động làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo tăng nguồn cung hàng hóa và ưu tiên các hàng hóa thiết yếu như: Gạo, thịt, dầu ăn, mì gói, nước rửa tay, khẩu trang… phục vụ nhu cầu người dân. Tiếp tục triển khai các hoạt động khuyến mại để người tiêu dùng yên tâm và cảm nhận giá cả hàng hóa còn tốt hơn ngày thường, thực hiện bình ổn giá, không để thiếu hàng, sốt giá.

Chủ động tăng cường nhân sự, liên tục đưa hàng lên kệ, tăng thời gian phục vụ… đặc biệt vào các ngày cuối tuần và đẩy mạnh phát triển kênh phân phối thương mại điện tử (như bán hàng qua mạng xã hội, website của đơn vị…) cũng như kéo dài thời gian mở cửa, phục vụ tối đa nhu cầu của người dân.

Riêng đối với doanh nghiệp kinh doanh gạo tiếp tục thực hiện việc mua lúa, gạo trực tiếp từ người sản xuất và mua thông qua hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo ký với người sản xuất. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đúng trách nhiệm về dự trữ lưu thông, thu mua lúa, gạo hàng hóa xuất khẩu theo quy định tại Nghị định 107 ngày 15-8-2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo (thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó).

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI RỘNG KHẮP

Đánh giá về tình hình các nguồn cung ứng hàng hóa hiện nay, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cho biết, nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh khoảng 1,7 triệu người. Trong khi đó, các nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh hiện nay như: Gạo khoảng 1.680 tấn (trong tháng 7-2021 do đã thu hoạch lúa trong tháng 6-2021). Ngoài ra, hiện nay lượng gạo tồn kho của 4 công ty xuất khẩu khoảng 45.718 tấn; thịt gia súc, gia cầm khoảng 13.281 tấn/tháng; trứng gia cầm khoảng 120 triệu trứng/tháng; rau, củ các loại khoảng 80.000 tấn; trái cây các loại khoảng 90.000 tấn.

Hệ thống phân phối hàng hóa phủ khắp trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống phân phối hàng hóa phủ khắp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Trong khi đó, lượng hàng thiết yếu dự trữ tồn kho tại các hệ thống phân phối có trị giá khoảng 109 tỷ đồng, cụ thể như: Siêu thị Go! Mỹ Tho khoảng 30 tỷ đồng, Co.opmart Mỹ Tho khoảng 10 tỷ, Co.opmart Cai Lậy khoảng 7 tỷ đồng, Co.opmart Gò Công khoảng 5 tỷ đồng, Bách Hóa Xanh khoảng 40 tỷ đồng, Vinmart+ khoảng 3 tỷ đồng, Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Phường 1 TP. Mỹ Tho khoảng 15 tỷ đồng, Hợp tác xã Vĩnh Kim khoảng 4 tỷ đồng và Công ty TNHH XNK Hữu Thành Phát khoảng 10 tỷ đồng.

Ngoài ra, chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cũng được phủ khắp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổng điểm cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn tỉnh là 256 điểm (không bao gồm hệ thống cửa hàng tạp hóa), 4 siêu thị (có kinh doanh thực phẩm) gồm Go! Mỹ Tho, Co.opmart Mỹ Tho, Co.opmart Gò Công, Co.opmart Cai Lậy và 94 cửa hàng tiện lợi của chuỗi cung ứng Bách Hóa Xanh, Vinmart+, Công ty TNHH XNK Hữu Thành Phát... Chưa kể, 157 chợ truyền thống đang hoạt động trên địa bàn tỉnh (trừ các chợ bị phong tỏa phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19). Ngoài ra, còn hệ thống các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các huyện, thị, thành…

Để thực hiện đạt mục tiêu đảm bảo lượng hàng cung ứng phục vụ nhu cầu người dân một cách thông suốt, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang thường xuyên nắm chắc tình hình phân phối, cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo tăng cường công tác quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa, vận động tiểu thương tham gia bán hàng bình ổn đặc biệt là các nhóm hàng thiết yếu không để hiện tượng nâng giá các mặt hàng thiết yếu; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành, địa phương để đảm bảo nguồn hàng lưu thông thông suốt trên địa bàn tỉnh...

T.A

.
.
.