Thứ Sáu, 16/07/2021, 10:49 (GMT+7)
.

Việt Nam vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI của thế giới

Với việc thu hút 16 tỷ đô la Mỹ trong năm 2020, Việt Nam đã tăng 5 bậc để lần đầu tiên vươn lên xếp thứ 19 trong danh sách các nền kinh tế thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất thế giới.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam làm điểm đến trong năm 2020. Ảnh: Trọng Nghĩa
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam làm điểm đến trong năm 2020. Ảnh: Trọng Nghĩa

Theo báo cáo đầu từ năm 2021 của Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), trong năm 2020 tác động của đại dịch đối với dòng vốn FDI toàn cầu tập trung vào nửa đầu năm 2020. Số lượng dự án mới giảm, các thương vụ mua bán sáp nhập cũng giảm khiến dòng vốn đầu tư vào cổ phần giảm 50%.

Cũng theo báo cáo của UNCTAD, dòng vốn đi các châu lục đều giảm mạnh, cụ thể dòng vốn FDI năm 2020 của khu vực châu Mỹ Latin và Caribbean giảm 45%, châu Phi giảm 16%. Tuy vậy, dòng vốn đổ về các nước châu Á lại tăng 4%, và khu vực châu Á chiếm một nửa vốn FDI toàn cầu. Các nước châu Á thu hút nhiều FDI nhất là Trung Quốc với 149 tỷ đô la Mỹ, Singapore 94 tỉ đô la Mỹ, Ấn Độ 64 tỉ đô la Mỹ.

Với Việt Nam, trong năm 2020 Việt Nam thu hút hơn 16 tỷ đô la Mỹ dòng vốn FDI, từ đó lần đầu tiên lọt top 20 quốc gia thu hút nhiều vốn FDI nhất thế giới.

Dấu hiệu đó còn rõ ràng hơn khi chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã thu hút được 15,27 tỷ đô la Mỹ dòng vốn FDI. Singapore và Nhật Bản xếp ở hai vị trí dẫn đầu trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, Singapore đầu từ 5,64 tỷ đô la Mỹ, chiếm gần 36,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,44 tỷ đô la Mỹ tăng 66,8%.

UNCTAD nhận định, dịch bênh Covid-19 khiến nhiều quốc gia đóng cửa biên giới để đối phó đã làm trì hoãn các dự án đầu tư. Dẫn đến việc các doanh nghiệp đa quốc gia phải đánh giá lại các dự án mới. Do đó, để thu hút nhiều hơn dòng vốn FDI các nền kinh tế cần phải thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chuyển đổi năng lượng, cũng như tăng cường tính tự cường của các nền kinh tế, cùng với việc chú trọng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.