.

Giải bài toán sản xuất và tiêu thụ nông sản trong thời gian giãn cách xã hội

Cập nhật: 14:54, 20/08/2021 (GMT+7)

Vùng lúa phía Đông đang vào vụ thu hoạch hè thu chính vụ, cây rau màu được sản xuất quanh năm, cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đã vào vụ thu hoạch trên một số loại cây như thanh long, khóm, khoai mỡ, nhãn xuồng Tân Phong, sầu riêng…; đàn gia súc, gia cầm đang vào đợt xuất chuồng, 53 sản phẩm OCOP được chứng nhận rất cần nhiều giải pháp trong chỉ đạo sản xuất và liên kết tiêu thụ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.

Để giải bài toán tiêu thụ, ngành Nông nghiệp Tiền Giang đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp và đạt được những kết quả rất tích cực.

TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) trong khâu sản xuất, thời gian qua ngành đã phối hợp với các huyện, thị, thành cập nhật thường xuyên sản lượng nông sản đến kỳ thu hoạch, kịp thời nắm thông tin để phối hợp với các đơn vị, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) hỗ trợ kết nối, kịp thời có phương án hỗ trợ cụ thể, điều phối lưu thông hàng hóa nông sản, hạn chế tình trạng tồn đọng, không tiêu thụ được.

Lãnh đạo Sở cũng thường xuyên đến địa phương nắm bắt tình hình sản xuất, tiêu thụ của nông dân, HTX, DN, lắng nghe ý kiến, kiến nghị, phối hợp với UBND cấp huyện và các sở, ngành để tháo gỡ trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển; nắm bắt các khó khăn của HTX, DN trong sản xuất khi thực hiện theo phương án “3 tại chỗ”, để có kiến nghị tháo gỡ.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đã góp phần giải bài toán sản xuất và tiêu thụ nông sản trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: TUẤN LÂM
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đã góp phần giải bài toán sản xuất và tiêu thụ nông sản trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: TUẤN LÂM

Trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa, Sở NN-PTNT cũng phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện, thành, thị cung cấp thông tin kịp thời các văn bản chỉ đạo, các yêu cầu liên quan đến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa; hướng dẫn, hỗ trợ các HTX, DN trong thực hiện, đặc biệt trong đăng ký thực hiện “luồng xanh”; đồng thời, nắm bắt các khó khăn của HTX trong thực hiện các hướng dẫn, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải để tháo gỡ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các xe vận chuyển, lưu thông hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19 (thông qua điện thoại trao đổi trực tiếp hoặc triển khai trên Group Zalo của HTX).

Đặc biệt, trong thực hiện hỗ trợ kết nối tiêu thụ, Sở NN-PTNT đã xây dựng kênh thông tin để kết nối tiêu thụ như: Tạo Group Zalo của HTX, DN để trao đổi, chia sẻ kịp thời các thông tin và kết nối thị trường tiêu thụ. Hiện Group Zalo đã có hơn 150 HTX, DN, cán bộ quản lý nhà nước tham gia nhằm trao đổi, chia sẻ để tháo gỡ vướng mắc. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT cũng làm cầu nối giới thiệu, kết nối tiêu thụ nông sản.

Chẳng hạn, phối hợp với Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT hướng dẫn các HTX, DN, cơ sở có sản phẩm OCOP đăng ký mua và bán trên trang Web: https://htx.cooplink.com.vn; đồng thời, phối hợp với Tổ công tác của Bộ NN-PTNT cung cấp thông tin, khả năng cung ứng sản lượng của các HTX, DN, cơ sở đến các siêu thị, cửa hàng trên TP. Hồ Chí Minh, đến nay có 105 bản tin được đăng tải với hơn 60 HTX, cơ sở, hộ kinh doanh đăng ký kết nối tiêu thụ nông sản với đa dạng các mặt hàng: Rau, củ, quả các loại, gà, vịt, heo, trứng, trái cây các loại. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng kết nối, giới thiệu nhiều đơn hàng của các đối tác ở TP. Hồ Chí Minh đến các HTX.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp cũng tập trung thực hiện cung cấp trực tiếp thông tin nguồn hàng, thị trường để kết nối, điều tiết, phân phối nguồn hàng giữa các HTX, DN với nhau. Kết quả đã kết nối các HTX rau ở các huyện phía Đông đang thiếu hàng đến các vùng nguyên liệu rau còn tồn (HTX Tân Lý Tây, HTX Phú Quới, HTX Hòa Thạnh...); kết nối tiêu thụ thanh long giữa HTX SXTM&DVNN Sạch Mỹ Phong với HTX Nông nghiệp tổng hợp Quơn Long (huyện Chợ Gạo), hộ sản xuất tại xã Bình Nghị (huyện Gò Công Đông) và huyện Tân Phước, HTX Thanh long Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông) bình quân 10 tấn/ngày; HTX Gà ta Gò Công, HTX Mắm Gò Công với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bầu Trời Xanh; HTX Cây sả Tân Phú Đông với các đối tác trong và ngoài tỉnh; HTX Vĩnh Khang (huyện Chợ Gạo) tiêu thụ sả tại huyện Tân Phú Đông từ 500 - 1.000 kg/ngày; HTX Dịch vụ nông nghiệp nông thôn Bình Nhì kết nối với các điểm thu gom hàng làm từ thiện tại TP. Hồ Chí Minh cung cấp rau 2 - 3 tấn/ngày.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng thông báo cho các HTX, DN tham dự 3 hội nghị online kết nối kinh doanh giữa HTX và DN trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản do Tổ công tác 970 phối hợp với Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II tổ chức; phối hợp Sở Công thương tổ chức 3 điểm bán thực phẩm thiết yếu (bao gồm nông sản) tại các huyện, với tần suất 2 lần/tuần, với 5 HTX, công ty, cơ sở tham gia (HTX Thành Công, Cơ sở mắm Bà Hai Diễm, vựa sả chị Tuyền, Công ty TNHH HK, HTX SXTM&DVNN Sạch Mỹ Phong và HTX Phú Quới); hỗ trợ các HTX, DN OCOP tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử như: Sàn OCOP của Bộ NN-PTNT, sàn Postmart, Sedo.

THIẾT LẬP ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Ngành Nông nghiệp đang tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ phân công tại Công văn 4501 ngày 12-8-2021 của UBND tỉnh về việc tập trung sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh như: Theo dõi sát tình hình dịch bệnh, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu, thủy văn, theo dõi hướng dẫn khung lịch thời vụ xuống giống vụ thu đông và vụ đông xuân 2021 - 2022 đảm bảo phù hợp với diễn biến thời tiết, thủy văn.

Đối với các huyện phía Đông tiếp tục theo dõi thực hiện tốt Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025; tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong liên kết tiêu thụ nông sản.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đã góp phần giải bài toán sản xuất và tiêu thụ nông sản trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: CAO THẮNG.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đã góp phần giải bài toán sản xuất và tiêu thụ nông sản trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: CAO THẮNG.

Theo đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với UBND cấp huyện thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương, đánh giá diện tích, sản lượng, thời vụ thu hoạch, khả năng cung ứng và nhu cầu hỗ trợ nguồn tiêu thụ; phối hợp nắm thông tin khả năng cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông sản trên địa bàn; phối hợp với Sở Công thương để cân đối nhu cầu và khả năng cung ứng các mặt hàng thiết yếu để đề xuất phương án về nguồn cung hàng hóa từ đầu mối là các HTX, DN của các địa phương.

Đối với địa bàn sản xuất gặp khó khăn trong việc đi lại sản xuất của người dân hoặc thiếu nhân công thu hoạch hoặc khó khăn trong việc đi lại của thương lái đến các địa phương để mua sản phẩm, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với UBND cấp huyện, thị, thành để có giải pháp thực hiện tháo gỡ vừa phòng, chống dịch nhưng đảm bảo không đứt gãy chuỗi tiêu thụ sản phẩm. Đối với sản xuất lúa phía Đông, Sở thường xuyên phối hợp các địa phương kiểm tra kiên quyết không cho xuống giống vụ thu đông, thực hiện nghiêm đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ phía Đông.

Đặc biệt, trong hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản, Sở NN-PTNT tiếp tục phối hợp với thành viên Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT để cung cấp các thông tin nhu cầu tiêu thụ về nông sản và thực phẩm của các HTX, cơ sở có sản phẩm OCOP trên Web: https://htx.cooplink.com.vn; https://ccd.ketnoihoptacxa.vn. do Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT xây dựng; hoặc kết nối trực tiếp trên Group Zalo của HTX, DN, qua kênh thương mại điện tử Postmart, Sedo, Voso.

Thực hiện Công văn 4906 ngày 4-8-2021 của Bộ NN-PTNT về rà soát kế hoạch sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, trong đó Sở NN-PTNT phối hợp với Sở Công thương, Sở Giao thông Vận tải thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp.

Đối với các sản phẩm gặp khó khăn, giảm sản lượng, giá cả trong tiêu thụ thời gian qua như trên chăn nuôi, thủy sản, một số sản phẩm trái cây, Sở tiếp tục phối hợp với Sở Công thương mời gọi các DN, thương nhân, các siêu thị (Go! Mỹ Tho, SaigonCo.op, Vinmart) trong tỉnh, ngoài tỉnh, các cửa hàng tiện lợi của Bưu điện tỉnh để tạo nhiều đầu mối, kết nối tiêu thụ.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục nắm bắt thông tin từ vùng sản xuất, thị trường tiêu thụ, nhất là các sản phẩm rau màu, để điều tiết kịp thời, hạn chế mức thấp nhất nơi thừa chỗ thiếu; tháo gỡ triệt để những khó khăn từ sản xuất đến lưu thông hàng hóa.

Đối với diện tích cây rau màu đã thu hoạch chuẩn bị xuống giống, ngành sẽ khuyến cáo địa phương tiếp tục điều tiết sản xuất tránh tình trạng xuống giống đồng loạt cùng thời điểm, cùng loại rau; phối hợp với các địa phương rà soát tình hình cung ứng sản phẩm chăn nuôi, đề xuất biện pháp xử lý phù hợp cho tình huống cụ thể; tiếp tục các nhiệm vụ kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật, kiểm dịch sản phẩm động vật đảm bảo các sản phẩm chăn nuôi lưu thông thông suốt.

VĂN LẬP - ANH PHƯƠNG

.
.
.