Nhiều loại trái cây giá thấp
Nhiều loại nông sản nói chung, trái cây nói riêng hiện có mức giá tương đối thấp, thậm chí khó tiêu thụ, phần lớn do tác động của dịch Covid-19. Các sở, ngành tỉnh Tiền Giang đã và đang kích hoạt các giải pháp nhằm tránh xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản.
CHẠM ĐÁY
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ nhãn xuồng của xã Tân Phong (huyện Cai Lậy) đang gặp nhiều khó khăn. Ghi nhận thực tế cho thấy, xã hiện có 148 ha đang vào vụ thu hoạch rộ, với sản lượng trên 1.000 tấn, hiện chỉ bán với giá 6.000 đồng/kg tại vườn, trước đây giá thấp nhất cũng ở mức 40.000 đồng/kg.
Giá nhãn xuồng hiện chạm đáy. |
Trao đổi với chúng tôi tại vườn sáng ngày 3-8, ông Trương Văn Nghiệp (ấp Tân Thái, xã Tân Phong) vừa thu hoạch 15 tấn nhãn xuồng cho biết, do tình hình dịch bệnh đi lại khó khăn nên thương lái ít đến mua hoặc mua số lượng nhỏ giọt, vì hiện tại người dân tiêu thụ rất ít. “Trung bình 1 tấn nhãn bán được 6 triệu đồng nhưng chi phí thuê nhân công hái cũng gần 3 triệu đồng. Nhà vườn ai cũng gặp khó khăn, đây là khó chung cũng không của riêng ai. Với đặc thù loại trái không thể neo lâu, tôi buộc phải tranh thủ bán để tỉa lại vườn, chuẩn bị cho mùa tới, chứ mùa này là thua rồi” - ông Nghiệp cho biết thêm.
Liên quan đến tình hình tiêu thụ nhãn xuồng trên địa bàn, trao đổi nhanh với phóng viên Báo Ấp Bắc vào chiều ngày 3-8, Chủ tịch UBND xã Tân Phong Nguyễn Văn Mười cho biết, không riêng gì đối với nhãn xuồng, chính quyền xã luôn tạo điều kiện cho thương lái và người dân vận chuyển các loại nông sản khác như: Chôm chôm, sầu riêng, mít... đi tiêu thụ, nhưng giá các loại nông sản hiện tại rất thấp. Xã đang còn tồn đọng từ 50 - 60 tấn nhãn tại vườn. Hiện nay, các hộ dân phải hẹn các bạn hàng từ các tỉnh khác để bán lẻ, hoặc bán qua mạng… chứ thương lái ít thu mua tại vườn. Trong thời gian tới, hy vọng các ngành, các cấp sớm có giải pháp hỗ trợ người dân tiêu thụ số nhãn còn lại cũng như một số loại trái cây khác trên địa bàn xã.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ 12-7 đến nay toàn tỉnh có khoảng 81.944 tấn trái cây đã cho thu hoạch. Nhìn chung, sức mua một số loại trái cây như: Thanh long, khóm, chanh... vẫn chậm nhưng vẫn tiêu thụ được hết sản phẩm. Giá bán có thấp hơn trước khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn chấp nhận được. Dự kiến sản lượng thu hoạch trái cây trong 2 tuần tới khoảng 49.052 tấn. |
Không chỉ có nhãn, nhiều loại nông sản khác như thanh long, khóm, chanh cũng có giá khá thấp; thậm chí có những thời điểm thanh long có giá từ 1.000 - 2.000 đồng/kg và rất khó bán. Ghi nhận thực tế tại xã Thạnh Tân (huyện Tân Phước) cho thấy, giá chanh được thương lái thu mua với giá 4.000 đồng/kg, giảm khoảng 50% so với trước đây. Chị Lương Thị Tuyến (ấp 1, xã Thạnh Tân) chia sẻ, vườn chanh đang vào vụ thu hoạch, mỗi ngày gia đình chị thu hoạch từ 300 - 500 kg. Tuy giá chỉ bằng 1/2 so với trước đây nhưng đầu ra vẫn ổn định.
Ngoài chanh, giá khóm bán ra tại huyện Tân Phước cũng ở mức khá thấp. Ghi nhận các đồng khóm tại huyện Tân Phước gần đây cho thấy, giá khóm bán ra chỉ dao động ở mức từ 3.000 - 5.000 đồng/kg tùy loại. Trao đổi với chúng tôi gần đây, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Đông (huyện Tân Phước) Bùi Kế Bính cho biết, tình hình tiêu thụ khóm trên địa bàn xã tương đối ổn định, chỉ có giá bán vẫn còn ở mức tương đối thấp, xấp xỉ 3.000 đồng/kg.
MỞ THÊM KÊNH TIÊU THỤ
Đánh giá chung về tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây, đại diện Sở Công thương cho biết, vừa qua các vựa và thương lái đã giảm sức mua và mua chậm do thương lái ra vào địa phương phải có giấy xét nghiệm Covid-19. Nếu tình hình này kéo dài sẽ dẫn đến ùn ứ nông sản, nhất là tiêu thụ khóm, thanh long, chanh vì hiện tại sức mua các loại nông sản này của thương lái giảm rất mạnh. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ, vận chuyển nông sản trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do quy định của một số địa phương yều cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 hoặc có giấy xác nhận của UBND xã đối với các thương lái thu mua nông sản.
Khóm cũng có mức giá khá thấp. |
Trước tình hình hiện nay, theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn, Sở Công thương sẽ thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, xem xét mở lại một số chợ cung cấp rau, quả tươi thiết yếu (có kiểm soát dịch bệnh Covid-19, đã khử khuẩn, thực hiện nghiêm 5K...) để cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân góp phần giải quyết lượng hàng hóa nông sản trong sản xuất. Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng tăng cường nắm bắt thông tin từ vùng sản xuất, thị trường tiêu thụ, nhất là các sản phẩm rau màu, để điều tiết kịp thời, hạn chế mức thấp nhất nơi thừa, nơi thiếu; tháo gỡ triệt để những khó khăn từ sản xuất đến lưu thông hàng hóa trong nội tỉnh.
Đồng chí Đặng Văn Tuấn cũng cho biết thêm, Sở Công thương sẽ nắm thông tin chặt chẽ, hằng ngày về sản lượng thu hoạch từng loại nông sản, đánh giá sản lượng sản xuất với nhu cầu tiêu thụ của thị truờng để xác định và dự báo khả năng có tồn ứ trong thời gian tới để có giải pháp điều phối tiêu thụ sản phẩm tránh ùn ứ nông sản trong nông dân; theo dõi, nắm bắt thông tin tình hình tiêu thụ của các doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng hàng hóa nông sản cho các hệ thống cửa hàng, siêu thị, chợ... để có giải pháp hỗ trợ điều phối hàng hóa kịp thời khi có hiện tượng khan hiếm, ách tắc.
Ngoài ra, Sở Công thương sẽ tổng hợp danh sách các xe vận chuyển hàng nông sản, hàng xuất khẩu gửi Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh để kiểm soát và ưu tiên khi ra vào vùng dịch trách tình trạng ách tắc, đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng thực phẩm đến người tiêu dùng và kế hoạch xuất khẩu của doanh nghiệp; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát đánh giá nhu cầu tiêu thụ nông sản của các hệ thống siêu thị, cửa hàng, chợ... trên địa bản tỉnh để có kế hoạch hỗ trợ điều phối cung ứng hàng hóa và cung cấp thông tin các sản phẩm có nhu cầu liên kết tiêu thụ cho các đơn vị thu mua trong tỉnh và ngoài tỉnh.
ANH PHƯƠNG - TUẤN LÂM