Thứ Hai, 23/08/2021, 09:42 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Các doanh nghiệp cần tổ chức lại theo điều kiện mới

Để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa ảnh hưởng đến đời sống người dân, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang đã ban hành Bộ Tiêu chí tạm thời về việc thẩm định, công nhận và kiểm tra sau công nhận phương án “3 tại chỗ” đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Bộ Tiêu chí tạm thời). Đến nay, một số doanh nghiệp (DN) đã được công nhận phương án “3 tại chỗ” và triển khai tổ chức sản xuất.

Thực tế cho thấy, so với giai đoạn đầu thực hiện phương án “3 tại chỗ”, Bộ Tiêu chí tạm thời đưa ra nhiều yêu cầu, tiêu chí cao trong công tác phòng, chống dịch đối với các DN. Do đó, nhiều DN không đáp ứng đủ điều kiện sẽ không được công nhận phương án hoạt động.

17 DN ĐƯỢC CÔNG NHẬN

Đến ngày 19-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang đã công nhận phương án “3 tại chỗ” của 17 DN trong và ngoài khu, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, có 11 DN trong các khu, CCN nằm trong nhóm đối tượng của Bộ Tiêu chí tạm thời được công nhận phương án “3 tại chỗ” với tổng số lao động ở lại làm việc 1.908 người. Có 6 DN ngoài các khu, CCN được công nhận phương án “3 tại chỗ”, trong đó có 1 DN đã xin dừng thực hiện phương án.

Để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, tỉnh đã thẩm định và công nhận phương án “3 tại chỗ” cho một số DN.
Để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, tỉnh Tiền Giang đã thẩm định và công nhận phương án “3 tại chỗ” cho một số DN.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, đến nay các DN được công nhận phương án “3 tại chỗ” trong các khu, CCN đã thành lập các Tổ an toàn Covid. Các tổ này thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, đôn đốc, giám sát, nhắc nhở và hướng dẫn người lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc và lưu trú.

Tại khu vực sản xuất và lưu trú của người lao động, các DN đã trang bị camera giám sát, tăng cường tổ giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch của người lao động. Khu vực nhà ăn cũng được các DN tổ chức bữa ăn đảm bảo giãn cách, bố trí theo đúng các nội dung trong phương án được phê duyệt. Người lao động sử dụng suất cơm riêng, thìa, đũa riêng, rửa tay, sát khuẩn trước khi ăn…

Về công tác tổ chức xét nghiệm, tầm soát SARS-CoV-2 cho người lao động thực hiện phương án “3 tại chỗ”, các DN tổ chức xét nghiệm cho người lao động định kỳ 1 tuần/lần bằng phương pháp RT-PCR (mẫu gộp). Đến thời điểm này, 11 DN thực hiện phương án “3 tại chỗ” trong các khu, CCN chưa phát hiện ca nghi nhiễm Covid-19.

CHUẨN BỊ SẢN XUẤT TRONG ĐIỀU KIỆN BÌNH THƯỜNG MỚI

Có thể nhận thấy, với khoảng 6.500 DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, 17 DN được công nhận hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” là con số khá khiêm tốn. Tuy nhiên, trước diễn biến của dịch Covid-19 và tồn tại trong giai đoạn đầu thực hiện phương án “3 tại chỗ” trên địa bàn tỉnh, đây là nỗ lực và quyết tâm rất lớn của tỉnh trong việc duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, không để ảnh hưởng đến đời sống người dân.

100% lao động thực hiện phương án “3 tại chỗ” được tiêm vắc xin Covid-19

Để đảm bảo an toàn cho người lao động thực hiện phương án “3 tại chỗ” tại các DN, bên cạnh việc triển khai các phương án, công tác phòng, chống dịch, 100% người lao động còn được tiêm vắc xin Covid-19. Đến nay, hầu hết các DN đã được tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 cho người lao động.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng để đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện phương án “3 tại chỗ”, chủ DN phải tuyên truyền, vận động, thuyết phục công nhân tuân thủ quy tắc 5K, các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. UBND tỉnh sẽ kiên quyết xử lý những DN không tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Phương án lao động được duyệt bao nhiêu thì phải giữ bấy nhiêu, chỉ có ra, không có vào, khi vào phải được phê duyệt rõ ràng.

Thực tế cho thấy, qua các buổi đối thoại, thẩm định, kiểm tra của lãnh đạo tỉnh, rất nhiều DN có mong muốn được sớm trở lại hoạt động bình thường trong điều kiện mới. Do đó, việc chuẩn bị các điều kiện để sản xuất, kinh doanh trong điều kiện mới đang là vấn đề đặt ra đối với các DN hiện nay.

Theo đồng chí Phạm Văn Trọng, cả hệ thống chính trị tỉnh đang phấn đấu đưa Tiền Giang trở lại trạng thái bình thường mới sau ngày 30-8. Do đó, việc tổ chức lại sản xuất, kinh doanh của DN cũng phải theo điều kiện mới. Một trong những vấn đề lớn nhất là cần phải có phương án phòng, chống dịch bệnh một cách tốt nhất. Cụ thể, công nhân khi đến làm việc tại công ty phải tuân thủ quy tắc 5K, cần phải được thực hiện xét nghiệm Covid-19… Trong điều kiện dịch bệnh, việc quản lý lao động càng nhiều thì sẽ trở thành gánh nặng từ chi phí cho đến việc bảo vệ sức khỏe người lao động, do đó DN cần tính toán để chuẩn bị lâu dài…

ANH THƯ

.
.
.