Tiền Giang: Xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò
(ABO) Sáng ngày 24-8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng có buổi kiểm tra tình hình bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò ở huyện Chợ Gạo.
Đồng chí Phạm Văn Trọng kiểm tra thực tế tại hộ chăn nuôi bò ở xã Song Bình, huyện Chợ Gạo. |
Kiểm tra tại các địa phương, đồng chí Phạm Văn Trọng chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương tiếp tục rà soát mầm bệnh VDNC trên gia súc, nhất là trâu, bò; ưu tiên tiêm vắc xin tại khu vực đang có trâu, bò nhiễm bệnh.
Đồng thời, chính quyền địa phương tuyên truyền rộng rãi các thông tin liên quan đến triệu chứng và cách chữa trị bệnh VDNC trên gia súc cho người dân nắm rõ; lưu ý tách con bệnh ra khỏi đàn sớm nhất để ngăn mầm bệnh lây lan. Đặc biệt, các đơn vị có liên quan không được chủ quan, lơ là trước bệnh VDNC, cần cảnh báo người chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn toàn tỉnh để kịp thời tiêm vắc xin dập nguồn lây bệnh.
Đồng chí Phạm Văn Trọng chỉ đạo các địa phương và ngành Nông nghiệp về xử lý tình hình bệnh VDNC trên trâu, bò. |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, bệnh VDNC trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện tại 2 tỉnh phía Bắc vào tháng 10-2020, đến nay bệnh lan ra 48 tỉnh, thành của cả nước và đã tiêu hủy gần 10 ngàn con trên tổng số hơn 106 ngàn con gia súc mắc bệnh.
Riêng tại tỉnh Tiền Giang, 2 địa phương đầu tiên của tỉnh xuất hiện bệnh VDNC trên trâu, bò là xã Song Bình ( huyện Chợ Gạo) và xã Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước). Đến nay, bệnh VDNC trên trâu, bò đã xảy ra tại 25 hộ/12 ấp/6 xã của 2 huyện Chợ Gạo và Tân Phước với số gia súc bệnh là 48 con/132 con của đàn nhiễm bệnh. Bệnh VDNC gây triệu chứng giảm sửa, giảm ăn, giảm khả năng sinh sản, tổn thương da…, có thể dẫn đến gia súc tử vong.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, đơn vị đã thực hiện mua sắm được 50.000 liều vắc xin phòng bệnh VDNC trên trâu, bò. Hiện ngành Nông nghiệp tỉnh đã giao 4.600 liều vắc xin phòng bệnh VDNC trên trâu, bò cho 2 huyện Chợ Gạo (3.600 liều) và Tân Phước (1.000 liều) để tổ chức tiêm phòng bao vây ổ bệnh theo quy định. Theo dự kiến, đơn vị sẽ triển khai tiêm 31.000 liều cho địa bàn nguy cơ cao (lò giết mổ, địa bàn giáp ranh,…) và 19.000 liều dành cho các ổ bệnh trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá, vắc xin phòng bệnh VDNC trên trâu, bò có hiệu quả đến 99% chỉ sau 4 tuần tiêm.
Vắc xin phòng bệnh VDNC trên trâu, bò được ngành Nông nghiệp khuyến cáo sử dụng. |
“Người dân khi mua trâu, bò phải kiểm tra rõ nguồn gốc, chăm sóc chuồng trại, tiêu độc khử trùng. Địa phương thì kiểm soát tốt công tác giết mổ và phải tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC trên trâu, bò, đề phòng dịch bệnh. Riêng các cơ sở nuôi quy mô lớn cần chủ động triển khai đăng ký mua và tiêm vắc xin để chủ động tránh lây lan bệnh” - đồng chí Nguyễn Văn Mẫn khuyến cáo.
* Cùng ngày, đồng chí Phạm Văn Trọng cùng Đoàn công tác gồm lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang và địa phương kiểm tra tình hình thu hoạch lúa và xuống giống của người dân trên địa bàn huyện Gò Công Tây.
Đồng chí Phạm Văn Trọng đánh giá vụ mùa cùng với lãnh đạo Sở NN&PTNT, các ngành và địa phương. |
Tại đây, đồng chí Phạm Văn Trọng chỉ đạo địa phương cần tổ chức trồng và thu hoạch lúa theo mô hình tập trung, tránh đi theo lối cũ riêng lẻ; thiết kế bản đồ về nông nghiệp thể hiện từng vùng trồng; cần có giải pháp dự phòng về thủy lợi để đề phòng người dân xuống giống vụ thu đông không theo định hướng của ngành Nông nghiệp. Bên cạnh đó, đồng chí Phạm Văn Trọng yêu cầu địa phương rà soát các vùng trồng rau nhằm đề phòng dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến nguồn rau xanh thiếu hụt cung ứng cho địa phương và TP. Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của UBND huyện Gò Công Tây, hiện địa phương đã thu hoạch 8.200 ha/8.400 ha diện tích lúa, năng suất đạt 6,35 tấn/ha, dự kiến 3 ngày tới sẽ thu hoạch dứt điểm.
Mặc dù địa phương liên tục khuyến cáo người dân nên xuống giống vào đầu tháng 11-2021 nhằm tiến hành thu hoạch sớm vụ đông xuân, tránh hạn, mặn. Tuy nhiên, địa phương đã ghi nhận một số người dân xuống giống không theo định hướng của ngành Nông nghiệp với tổng diện tích 1.512 ha rải rác ở các xã trên địa bàn huyện.
TUẤN LÂM