Thứ Hai, 13/09/2021, 15:24 (GMT+7)
.

Khởi động, khôi phục sản xuất trong tâm thế mới

Giãn cách kéo dài để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhiều tỉnh, thành phía Nam, trong đó có những địa phương tập trung lượng lớn doanh nghiệp (DN) như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì, khôi phục sản xuất trong khi năm 2021 sắp kết thúc.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105 về hỗ trợ DN, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, với mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX-KD) gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Đây được xem là một nghị quyết kịp thời của Chính phủ, bước đệm cho việc khởi động, mở cửa trở lại nền kinh tế trong tâm thế “sống chung” với dịch Covid-19;
SX-KD song hành với phòng, chống dịch.

Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang kiểm tra thực hiện phương án “3 tại chỗ” tại Công ty cổ phần Chăn nuôi Việt Nam - Chi nhánh nhà máy Tiền Giang. Ảnh: M. THÀNH
Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang kiểm tra thực hiện phương án “3 tại chỗ” tại Công ty cổ phần Chăn nuôi Việt Nam - Chi nhánh nhà máy Tiền Giang. Ảnh: M. THÀNH

Theo đó, các bộ, ngành, cơ quan liên quan cùng phối hợp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động SX-KD, giảm thiểu tối đa số DN, HTX, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh. Đồng thời, phấn đấu đến hết năm 2021, lũy kế ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là DN, HTX, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó với đại dịch.

Từ đó, đưa các đối tượng tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động; đảm bảo đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông và có các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động cũng như đào tạo lao động... Tất cả với khả năng của mình hỗ trợ cho các DN, HTX, hộ kinh doanh có thể hoạt động trở lại.

Từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát đến nay, Chính phủ đã có nhiều chính sách thiết thực, hỗ trợ các khu vực kinh tế bị ảnh hưởng, từ DN lớn, nhỏ và vừa, tới hộ kinh doanh cá thể và những người dân gặp khó khăn.

Cụ thể như gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... Hay gói an sinh xã hội trị giá 62.000 tỷ đồng trong năm 2020, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng mới triển khai và nhiều chính sách miễn giảm thuế, phí... khác. Có thể thấy, Chính phủ luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn của các DN, HTX, hộ kinh doanh trong thời gian giãn cách vừa qua.

Bởi một thực tế cũng cần nhìn nhận là, trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, các doanh nhân, DN bên cạnh nỗ lực vượt khó để duy trì sản xuất và chịu nhiều tổn thất về kinh tế khi giãn cách kéo dài, vẫn có nhiều đóng góp về tài chính cho công tác phòng, chống dịch. Cụ thể, danh sách Top 30 DN hỗ trợ trong đại dịch mà Tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố cho thấy, khối kinh tế tư nhân đóng vai trò chủ chốt trong các hoạt động ủng hộ Chính phủ và các địa phương chống dịch.

Cụ thể, đứng đầu là Vingroup với 2.287 tỷ đồng, tiếp đó là Vạn Thịnh Phát (2.000 tỷ đồng) và thứ 3 là Sun Group (510 tỷ đồng), số liệu này chỉ tính đến ngày 24-6-2021. Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.

Trên tuyến đầu phát triển kinh tế, từ năm 2017 đến nay, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có sự phát triển cả về số lượng và quy mô, tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế nước ta. Còn trên mặt trận chống dịch, mới đây, theo công bố của Bộ Tài chính, nguồn tiền dành mua vắc-xin đã có khoảng 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng là do người dân, DN đóng góp.

HTX Nông nghiệp sạch  Hưng Thịnh Phát chuẩn bị  combo giao TP. Hồ Chí Minh  do Tổ Công tác 970 giới thiệu.
HTX Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát chuẩn bị combo giao TP. Hồ Chí Minh do Tổ Công tác 970 giới thiệu.

Chúng ta đều biết, phát triển kinh tế vẫn là một trong hai mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ, kinh tế vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả. Nếu xem các ngành Y tế, Công an, Quân đội… là lực lượng tuyến đầu, thì đội ngũ doanh nhân, các DN, HTX, hộ kinh doanh là lực lượng hậu phương đảm bảo kinh tế cho công tác phòng, chống dịch.

Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 được xác định là lâu dài, nên cần có một chiến lược phân sức hợp lý, một “kịch bản” phối hợp đồng bộ giữa tuyến đầu và tuyến sau, giữa lực lượng trực tiếp và gián tiếp, giữa đội hình chính và lực lượng dự phòng…

Và suy cho cùng, nguồn lực về tài chính là một yếu tố quan trọng đảm bảo hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch. Vì thế, xúc tiến nhanh các giải pháp hỗ trợ nhằm khôi phục sản xuất, mở cửa dần nền kinh tế là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay. Điều này xuất phát từ thực tiễn phòng, chống dịch của đất nước và phù hợp với xu thế của thế giới.

Rõ ràng, dịch Covid-19 đã gây tổn thương quá lớn đến người dân và DN trên cả nước, thách thức cho việc phục hồi nền kinh tế là rất lớn, đòi hỏi nhiều nguồn lực và nhân sự. Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, bộ máy chính quyền các cấp với các gói hỗ trợ linh hoạt, sâu sát, còn cần sự chung sức, đóng góp của các DN.

Chính phủ kêu gọi tinh thần tự tôn dân tộc, vượt khó của đội ngũ doanh nhân Việt Nam bằng năng lực và tư duy kinh tế của mình, hãy đồng hành với các chính sách quyết liệt của Chính phủ, và hiện tại là Nghị quyết 105, cố gắng vượt qua khó khăn, ổn định, khôi phục sản xuất trong điều kiện “bình thường mới”.

DUY SƠN

.
.
.