Thứ Tư, 15/09/2021, 10:33 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Doanh nghiệp chờ ngày "mở cửa" trở lại

Sau thời gian phải tạm ngừng hoạt động hoặc sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang trông chờ ngày “mở cửa” trở lại. Trong vô vàn khó khăn đang đối mặt, hơn bao giờ hết, cộng đồng DN đang mong muốn được tiếp cận những chính sách hỗ trợ để vực dậy sản xuất.

Trong thời gian dài, các DN trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Thời điểm cuối năm là cơ hội để các DN “khởi động lại” hoạt động sản xuất, kinh doanh.

CHỜ NGÀY “MỞ CỬA”

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang (huyện Châu Thành), thời gian qua, công ty duy trì hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”. Hiện công ty mong muốn mở rộng quy mô sản xuất do mùa vụ trái cây sắp hết. Bởi trái thanh long mùa thuận ở huyện Chợ Gạo sẽ thu hoạch rộ vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Đây là 2 đợt thu hoạch cao điểm trong năm. Nếu qua đợt này, sản lượng thanh long sẽ giảm. Đặc biệt trong năm nay, qua khảo sát của công ty, nông dân xử lý thanh long nghịch vụ ít, bởi họ không thấy được đầu ra.

Do đó, công ty phải ráo riết sản xuất trong đợt cao điểm thu hoạch thanh long sắp tới. Hiện các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chế biến từ trái thanh long, khóm, xoài đã có đối tác đăng ký, đặc biệt là vào đầu tháng 10, 11 để giao cho thị trường châu Âu chuẩn bị Lễ Giáng sinh.

Tuy nhiên, hiện những hợp đồng này đang gặp khó. Công ty có 4 nhà máy gồm: Đông lạnh, đóng hộp, ép nước, chế biến. Song hiện chỉ có 1 nhà máy đông lạnh đang hoạt động. Do đó, sau ngày 15-9, DN cần biết định hướng sản xuất của tỉnh như thế nào để đơn vị chuẩn bị. Trước hết là gọi công nhân trở lại cho phù hợp với từng khâu. Bởi công nhân của công ty hiện đang ở rải rác tại các xã trên địa bàn huyện Châu Thành và Tân Phước.

Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện phương án “3 tại chỗ”  tại DN thuộc Khu công nghiệp Mỹ Tho.
Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện phương án “3 tại chỗ” tại DN thuộc Khu công nghiệp Mỹ Tho.

Còn đối với ngành Thủy sản, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến các DN xuất khẩu thủy sản. Theo Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang (huyện Châu Thành), đến thời điểm này, cá tra nguyên liệu của công ty đã quá lứa. Áp lực hiện nay là phải tăng công suất để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy dẫn đến thua lỗ rất lớn.

Còn theo lãnh đạo Công ty TNHH Đại Thành (huyện Châu Thành), hiện tất cả các DN đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn. Do đó, DN mong muốn chính quyền các cấp hỗ trợ để công ty đẩy mạnh sản xuất trở lại. Vào những tháng cuối năm, thị trường xuất khẩu thủy sản sôi động nhất. Do đó, DN mong muốn UBND tỉnh có chủ trương phù hợp để DN mở rộng quy mô sản xuất, nâng công suất nhà máy.

CẦN “TIẾP SỨC” KỊP THỜI

Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường, do đó vấn đề đặt ra đối với các DN là công tác phòng, chống dịch phải được đặt lên hàng đầu. Các DN cần chuẩn bị phương án phòng, chống dịch bệnh tốt nhất để sản xuất, kinh doanh trở lại. Chỉ có như vậy, hoạt động của các DN mới không bị gián đoạn và bền vững.

Nhìn vào thực tế ở tỉnh, thời gian qua, việc tỉnh áp dụng thực hiện phương án “3 tại chỗ” là nỗ lực rất lớn của tỉnh để duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng không bị đứt gãy. Dù giai đoạn đầu, việc thực hiện phương án “3 tại chỗ” có những chệch choạc, hạn chế, nhưng từ khi bước vào giai đoạn 2, việc sản xuất theo phương án này đã được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, an toàn khi tỉnh ban hành Bộ Tiêu chí tạm thời để công nhận phương án “3 tại chỗ” đối với các DN.

Trong đó, việc đảm bảo an toàn dịch bệnh được đặt lên hàng đầu. Và trên thực tế, từ khi triển khai thực hiện phương án “3 tại chỗ” giai đoạn 2 đến nay, trong 22 DN được tỉnh công nhận thực hiện phương án “3 tại chỗ” đã không phát sinh các ca nhiễm Covid-19. Quan trọng hơn hết, các DN đã duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh, không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Các DN cần được  “tiếp sức” kịp thời.
Các DN cần được “tiếp sức” kịp thời.

Bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, một trong những vấn đề mà các DN quan tâm và mong muốn hiện nay là chính sách hỗ trợ kịp thời và sát với thực tế. Bởi trong cơn đại dịch này, nhiều DN đã “rời cuộc chơi”, các DN khác cũng lâm vào cảnh “thở oxy”. Trong khó khăn chung, không có nguồn thu, chi phí tăng… là những gì DN đang đối mặt. Do đó, các DN cần được “tiếp sức” bằng những chính sách phù hợp, kịp thời để vực dậy sản xuất.

Lãnh đạo Công ty TNHH Đại Thành cho biết: “Hiện nhiều hiệp hội lớn ở trong nước đã đề nghị Chính phủ giảm tiền điện, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, lãi suất cho vay... Bản thân tôi cũng đã điện thoại các nơi rồi, nhưng được trả lời là chưa có văn bản cụ thể. Hiện tiền điện chỉ giảm 10%, lãi suất cho vay của ngân hàng giảm có 1% thì cũng không đáng kể. Do đó, tất cả các hiệp hội, ngành hàng đang đề xuất tháo gỡ khó khăn này, phải tích cực hơn nữa để DN có nguồn lực sản xuất bình thường”.

Còn theo Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thuận Minh (huyện Châu Thành), để “sống chung” với dịch Covid-19, thời gian tới, DN đã có những định hướng và các biện pháp tái khởi động hoạt động kinh doanh. Hiện DN chỉ hoạt động khoảng 30% công suất theo phương án “3 tại chỗ”. DN mong muốn được tận dụng nguồn lực của đơn vị để tăng dần công suất hoạt động đạt khoảng 50% - 70% so với ngày thường.

Cụ thể, DN sẽ đưa ra các biện pháp để kiểm soát người lao động tại công ty cũng như các biện pháp về công tác phòng, chống dịch Covid-19. “Bên cạnh mong muốn mở rộng quy mô hoạt động, DN đề nghị được hỗ trợ chính sách miễn giảm tiền thuê đất, thuế, tiêu thụ sản phẩm gạo để DN vượt khó trong giai đoạn này” - lãnh đạo Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thuận Minh cho biết thêm.

Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết 105 về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh Covid-19. 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã được đề cập tại Nghị quyết. Trong đó, đáng chú ý, trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Chính phủ nêu rõ nhiệm vụ đối với các bộ, ngành, địa phương. Hiện các DN đang chờ đợi các bộ, ngành, địa phương triển khai nhóm giải pháp này để DN có thể dễ dàng tiếp cận, tạo động lực khôi phục sản xuất, kinh doanh.

T. ĐẠT

.
.
.