Thứ Năm, 23/09/2021, 17:27 (GMT+7)
.

Tiền Giang tạo điều kiện để nông dân thu hoạch lúa

(ABO) Theo ngành Nông nghiệp, hiện nay các huyện, thị phía Tây tỉnh Tiền Giang đang bước vào giai đoạn thu hoạch lúa. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 nên việc thu hoạch, mua bán lúa cũng gặp không ít khó khăn.

Thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang) cho thấy, vụ lúa đang thu hoạch ở các huyện, thị phía Tây có chất lượng tốt, lúa đẹp, năng suất bình quân dao động từ 6 - 6,5 tấn/ha. Hiện tại, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp cũng đang tập trung thu hoạch lúa cho người dân trên địa bàn.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Võ Văn Lập, đầu ra của các HTX đa phần là thương lái tại địa phương. Ghi nhận thực tế hiện nay cho thấy, do tác động của dịch bệnh, giá lúa đang thu hoạch giảm chút ít so với cùng kỳ, dao động từ 200 - 500 đồng/kg (riêng lúa đang thu hoạch trên địa bàn huyện Tân Phước giảm từ 1.000 - 1.500 đồng/kg, nguyên nhân là do thương lái thu mua lúa khu vực này chủ yếu đến từ các địa phương của tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Long An, khi dịch bệnh bùng phát, hạn chế thương lái bên ngoài vào huyện, nên giá lúa xuống thấp hơn so với các địa phương khác).

Thu hoạch lúa. Ảnh: Khắc Thuyên.
Thu hoạch lúa. Ảnh: Khắc Thuyên.

Để giảm thiểu khó khăn do tác động của dịch Covid-19, thời gian qua các địa phương cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình sản xuất và thu hoạch, vận chuyển tiêu thụ lúa như: Cấp giấy ra đồng cho nông dân, tiêm vắc xin, hỗ trợ phương án tại chỗ cho phương tiện gặt đập lúa bên ngoài vào vùng thu hoạch...

Tuy nhiên, theo đánh giá Chi cục Phát triển nông thôn, hiện nay việc tiêu thụ lúa cũng gặp một số khó khăn như: Các HTX liên kết với doanh nghiệp ngoài tỉnh như HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Bắc, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hòa Tây… đang lo ngại không thể tiêu thụ lúa cho đối tác; chi phí sản xuất, thu hoạch tăng cao do các lực lượng lao động từ công nhân bóc vác, thu hoạch, lái lúa, tài xế đều phải thực hiện test Covid-19 theo định kỳ 3 ngày/lần cũng như một số lò sấy lúa ít hoạt động.

Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện các HTX ở các huyện, thị phía Tây bắt đầu vào vụ thu hoạch. Thông tin từ HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) cho biết, HTX đã thu hoạch được 180 ha lúa OM18 và 5451, với giá 5.300 - 5.500 đồng/kg (giá lúa 5451 giảm 200 đồng/kg so với tuần trước), đồng thời 2 kho trữ tương đương 2.000 tấn của HTX cũng được thương lái, doanh nghiệp thuê trữ 100%; HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỹ Trung cũng thu hoạch khoảng 420 ha lúa OM18, OM380, 545, với giá dao động từ 5.200 - 5.500 đồng/kg tùy giống và HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỹ Quới cũng chuẩn bị thu hoạch trong ít ngày tới.

Tương tự, thông tin từ HTX Sản xuất thương mại dịch vụ GreenVina, HTX cũng đã thu hoạch khoảng 20 ha lúa OM 380, OM18, IR 50404, thị trường chủ yếu là thương lái địa phương, với giá dao động từ 4.700 - 5.500 đồng/kg tuỳ giống; riêng 100 ha OM380 và OM18 có liên kết với Công ty Phước Lộc Thiên Hộ, dự kiến 10 ngày tới sẽ thu hoạch.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Bắc cũng vừa thu hoạch được 15 ha lúa IR 50404, bán cho thương lái địa phương với giá 5.000 đồng/kg, còn lại 300 ha liên kết Tập đoàn Lộc Trời, với giống OM380 và OM18 chuẩn bị thu hoạch trong những ngày tới. HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Cường cũng đã thu hoạch khoảng 55 ha, trong đó giống IR50404 giá 4.200 - 4.400 đồng/kg, lúa OM18 giá 5.500 đồng/kg cũng chủ yếu tiêu thụ cho thương lái địa phương.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Bình (TX. Cai Lậy) cũng đã thu hoạch 50 ha lúa OM380, bán cho thương lái địa phương với giá 4.800 đồng/kg. Đặc biệt, thông tin thống kê sơ bộ cho thấy, đến nay trên địa bàn huyện Tân Phước đã thu hoạch 670 ha lúa và cũng chủ yếu bán cho thương lái ở địa phương.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn, trong thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi nắm bắt các khó khăn của HTX trong sản xuất và tiêu thụ; rà soát cập nhật nhu cầu cần hỗ trợ về nhân lực và phương tiện trong thời gian thu hoạch, vận chuyển của HTX và thành viên.

Giải pháp lâu dài, ngành Nông nghiệp sẽ định hướng cho các HTX tiếp tục duy trì các hợp đồng liên kết tiêu thụ hiện có với các đối tác mới, đồng thời đối với các HTX chưa xây dựng được liên kết chuỗi ổn định nên từng bước xây dựng, tìm kiếm đối tác để có hợp đồng tiêu thụ ổn định bền vững mới đảm bảo an toàn sản xuất khi có tình huống dịch bệnh xảy ra…

T.A

.
.
.