Thứ Hai, 13/09/2021, 10:13 (GMT+7)
.

Tính toán giảm thâm canh lúa gạo ở ĐBSCL

Đầu tháng 9-2021, nông dân Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn trong thu hoạch lúa và phải nhờ các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng “chi viện” máy gặt đập liên hợp để hỗ trợ. Hành trình của hạt lúa ở vùng ĐBSCL tiếp tục gặp những trở ngại.

Lúa chín, loay hoay tìm máy gặt

Hiện nay, toàn vùng ĐBSCL đã thu hoạch trên 1 triệu ha lúa hè thu, còn lại khoảng 500.000ha, tập trung nhiều ở vùng bán đảo Cà Mau (phần lớn ở Sóc Trăng và Bạc Liêu), nhưng tiến độ thu hoạch chậm. Do đó, tỉnh Hậu Giang đã “chi viện” cho tỉnh Sóc Trăng 21 máy và Bạc Liêu 25 máy gặt đập liên hợp để giúp nông dân đẩy nhanh việc thu hoạch lúa.

a
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL

Có thể nói, Hậu Giang là tỉnh tổ chức khá chặt chẽ các khâu kiểm tra y tế, để các chủ máy gặt đập liên hợp hoạt động. Nhờ đó, việc thu hoạch và thương lái mua lúa diễn ra khá suôn sẻ trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội. “Đề án cơ giới hóa của tỉnh gắn với việc hỗ trợ hạn mức vay và lãi suất vay là tiền đề quan trọng để Hậu Giang gần như đã cơ giới hóa 100% khâu thu hoạch lúa”, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang Trần Chí Hùng cho biết. Hiện nay, Hậu Giang có 248 máy gặt đập liên hợp, trong đó 99 máy của nông dân được vay vốn, hỗ trợ lãi suất mua. Đây là một điểm sáng của ngành nông nghiệp Hậu Giang khi chủ động cơ giới hóa, giúp nông dân sản xuất lúa được thuận lợi hơn.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, các doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và Tổng Công ty Lương thực miền Nam đã vào cuộc thu mua lúa hàng hóa của nông dân ĐBSCL. Tuy nhiên, việc thu mua lúa cũng chưa được như ý muốn.

Vựa lúa gạo của cả nước bị ảnh hưởng do diễn biến dịch bệnh phức tạp gây ra khó khăn trong việc thu hoạch và tiêu thụ. Mặt khác, dịch vụ logistics vận chuyển trên thế giới đang thiếu container rỗng xuất phát từ châu Á, giá vận chuyển cũng tăng rất cao, ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam, trong đó có gạo. Các chuyên gia lúa gạo dự báo, năm 2021, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm nhẹ so với năm trước. Song xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt từ 6-6,2 triệu tấn gạo, giá trị khoảng 3,3 tỷ USD.

Nên cân nhắc lúa vụ 3

Khi nông dân ở vùng bán đảo Cà Mau như Sóc Trăng, Bạc Liêu… chưa thu hoạch dứt điểm lúa hè thu thì nhiều diện tích lúa thu đông (lúa vụ 3) của nông dân vùng đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp… cũng sắp bước vào giai đoạn thu hoạch. Bộ NN-PTNT cho rằng, vụ lúa thu đông rất quan trọng trong vai trò là cầu nối duy trì nguồn lúa giống cho vụ lúa đông xuân, đồng thời phục vụ xuất khẩu trong dịp cuối năm.

Tuy nhiên lâu nay, nhiều nhà khoa học lưu ý, ĐBSCL chỉ cần tập trung vào 2 vụ lúa chính trong năm là đông xuân và hè thu, còn vụ thu đông nên cân nhắc thận trọng giữa cái được và cái mất. Gia tăng diện tích lúa vụ 3 cũng đồng nghĩa với việc giảm không gian trữ nước từ dòng Mê Công trong mùa nước nổi. Về vấn đề này, Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, phân tích: “Canh tác liên tục 3 vụ lúa mỗi năm, xét ở hộ gia đình thì thấy có lời, vì tăng thêm thu nhập nhờ tăng thêm 1 vụ lúa. Nhưng xét rộng ra, cần tính thêm chi phí công trình đê bao, tổn thất phù sa, tổn thất thủy sản tự nhiên. Ngoài ra, chưa kể việc ô nhiễm nước sông ngòi, mất không gian cho nước lan tỏa làm tăng ngập nơi khác. Gia tăng dòng chảy gây sạt lở, góp phần làm thiếu nước trong mùa khô, góp phần gia tăng xâm nhập mặn… Tất cả là những hạn chế, cần được cân nhắc kỹ”.

Th.S Nguyễn Hữu Thiện nhận xét thêm, xét rộng ra thì quá trình canh tác liên tục làm suy kiệt dinh dưỡng và sức khỏe của đất lại đe dọa an ninh lương thực về lâu dài. Do đó, làm kinh tế nông nghiệp cần phải xét lợi ích, chi phí ở tất cả các phạm vi. Tổng lợi ích mang lại phải lớn hơn tổng chi phí thì mới là kinh tế.

Nhiều cảnh báo về tình trạng lạm dụng sử dụng phân bón hóa học cũng đã được đưa ra. Mới đây, báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho thấy, mức độ sử dụng phân bón vô cơ tại ĐBSCL đang cao hơn trung bình của cả nước từ 35%-40%, trong khi mức độ sử dụng phân bón hữu cơ lại chỉ bằng 27,3% của cả nước. Cụ thể, về chỉ số sử dụng phân bón vô cơ, cả nước hiện đang sử dụng trung bình khoảng 560kg/ha gieo trồng, còn tại ĐBSCL sử dụng tới 754kg/ha gieo trồng. Những con số này cho thấy việc sản xuất liên tục 3 vụ lúa/năm ở ĐBSCL càng làm gia tăng sự ô nhiễm ruộng đồng.

Bộ NN-PTNT cần tổ chức một hội thảo về sản xuất lúa vụ 3, lắng nghe ý kiến của nhà khoa học và địa phương trong vùng. Từ đó, đánh giá lại hiệu quả sản xuất lúa vụ 3, giữa “cái được và cái mất”, để đưa ra định hướng phù hợp.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
.