Thứ Tư, 15/09/2021, 19:16 (GMT+7)
.

Vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long: Khẩn trương xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế

(ABO) Chiều 15-9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và đầu tư công năm 2022 vùng Đông Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông chủ trì tại điểm cầu chính.
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Dũng chủ trì tại điểm cầu Tiền Giang.
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Dũng chủ trì tại điểm cầu Tiền Giang.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Dũng chủ trì tại điểm cầu Tiền Giang.
Vùng Đông Nam bộ có 6 tỉnh, thành phố và vùng ĐBSCL có 13 tỉnh, thành phố. Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, từ tháng 7, toàn bộ địa phương trong vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, đã tác động không nhỏ đến các hoạt động KT-XH của địa phương và đời sống nhân dân trong vùng.
 
Tốc độ tăng trưởng toàn vùng 6 tháng đầu năm ước tăng khoảng 4,5%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng cả nước. Trong tháng 8, tốc độ tăng trưởng chung của vùng có xu hướng giảm, do các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Tình hình thực hiện, giải ngân các nguồn vốn đầu tư công đến 31-8-2021, có 3 địa phương giải ngân tốt trên 50% (Long An 58,2%, Tiền Giang 61,1%, Bến Tre 54,6%).
 
Riêng Tiền Giang, trong 7 tháng năm 2021, tỉnh thu hút được 8 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.233 tỷ đồng. Ngoài ra, có 5 dự án vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng vốn 4.114,7 tỷ đồng. Tiền Giang quyết tâm phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất so với kế hoạch đề ra, ít nhất đạt tăng trưởng 3,5% trong năm 2021…
 
Đối với vùng Đông Nam bộ, tính chung cả 8 tháng thì đà tăng trưởng đã bị chững lại do các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị giảm sút do giãn cách xã hội toàn Vùng. Dự kiến GRDP năm 2021 của TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng âm 2,8%, Bà Rịa - Vũng Tàu âm 2,53%. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, tỷ lệ giải ngân 8 tháng của vùng ước đạt 33,8% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
 
Đối với quy hoạch tỉnh, đến nay, 13/13 địa phương trong vùng ĐBSCL và 5/6 địa phương vùng Đông Nam bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
 
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang.
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chỉ tiêu KT-XH và giải ngân vốn đầu tư công; làm rõ nguyên nhân và đề xuất cơ chế, giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra năm 2021 và thực hiện kế hoạch năm 2022.
 
Trên cơ sở tiếp thu, lắng nghe các ý kiến phát biểu, đề xuất từ các tỉnh, thành phố 2 vùng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông đề nghị các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là những công trình trọng điểm; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19.
 
Thứ trưởng cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố thực hiện tốt 3 nội dung: Sự chỉ đạo của người đứng đầu địa phương, phân công cụ thể từng lãnh đạo, gắn với kiểm tra, giám sát; lựa chọn được năng lực của ban quản lý dự án, nhà thầu và nhà tư vấn trong triển khai, xây dựng các dự án; dự báo và đề xuất nhu cầu phân mục của dự án phù hợp với năng lực giải ngân cũng như năng lực quản lý của đơn vị chủ quản, ban quản lý dự án…
HÀ NAM
 
.
.
Liên kết hữu ích
.