Thứ Ba, 07/09/2021, 06:52 (GMT+7)
.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản gặp khó do dịch Covid-19

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng đầu năm ước đạt trên 60,9 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng đầu năm ước đạt trên 60,9 tỷ USD.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng đầu năm ước đạt hơn 60,9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước khoảng 28,8 tỷ USD, tăng 44,1%. Dù tháng 8, giá trị xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng đều giảm, nhưng do những tháng đầu năm tăng mạnh nên tính chung 8 tháng, nhiều nhóm sản phẩm vẫn có giá trị xuất khẩu tăng.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng giảm mạnh trong tháng 8

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 8/2021 ước đạt gần 3,4 tỷ USD; giảm 21,6% so với tháng 8/2020 và giảm 22% so với tháng 7/2021.

So với tháng 7/2021, chỉ có 3 nhóm sản phẩm tăng trưởng xuất khẩu, gồm: sắn và sản phẩm từ sắn (tăng 26,6%), sản phẩm từ ngũ cốc (tăng 1,1%), sữa và sản phẩm sữa (tăng 0,8%). Tất cả các sản phẩm còn lại đều giảm mạnh về giá trị xuất khẩu.

Giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là sản phẩm gỗ giảm 50,2%; cá tra và tôm giảm 29,7%; rau củ giảm 25,8%, hồ tiêu giảm 21,5%... so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do dịch Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, chế biến của nhiều doanh nghiệp/nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp, nhà máy chỉ hoạt động ở 30-40% công suất, thậm chí phải đóng cửa do có F0.

Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 13,9 tỷ USD, tăng 13,6%; lâm sản chính đạt khoảng 11,2 tỷ USD, tăng 42,7%; thủy sản đạt trên 5,6 tỷ USD, tăng 7,1%; chăn nuôi ước đạt 296 triệu USD, tăng 15,9%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 31,1%.

Dù tháng 8, giá trị xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng đều giảm, nhưng do những tháng đầu năm tăng mạnh nên tính chung 8 tháng, nhiều nhóm sản phẩm vẫn có giá trị xuất khẩu tăng.

Trong đó: xuất khẩu cao-su tăng 23,3% về  khối lượng, tăng 61,4% giá trị; hạt điều tăng 19,2% về khối lượng, tăng 15,1% về giá trị; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 13,4% về khối lượng, tăng 28,4% về giá trị.

Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm 1,3%, chỉ đạt 200 nghìn tấn, nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn đạt 666 triệu USD, tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ở mặt hàng cà-phê, dù khối lượng giảm 6,9% nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng nhẹ 1,1%. Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như: sản phẩm chăn nuôi tăng 15,9%; cá tra tăng 9,9%, tôm tăng 7,7%; sản phẩm gỗ tăng 45,4%;  mây, tre, cói thảm tăng 68,1%; quế tăng 36,6%.

Trong nhóm ngành hàng nông lâm thủy sản, có 2 mặt hàng giảm cả khối lượng và giá trị xuất khẩu trong 8 tháng là: gạo giảm 14,8% về khối lượng, giảm 6,8% về giá trị; chè giảm 6% về khối lượng và giảm 1,6% về giá trị.

Xuất khẩu nông sản tiếp tục gặp khó trong những tháng cuối năm

Phân tích về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 8 tháng của Việt Nam: khu vực châu Á chiếm 41,5% thị phần; châu Mỹ chiếm 31,3%; châu Âu chiếm 11,3%; châu Phi chiếm 1,9%; châu Đại Dương chiếm 1,5% thị phần.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ đạt hơn 9,3 tỷ USD (chiếm 29,1% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 71% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường này.

Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc gần 6,1 tỷ USD (chiếm 18,9% thị phần), với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 25,5% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường này.

Đứng thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt hơn 2,2 tỷ USD (chiếm 6,8% thị phần, trong đó xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất, chiếm 43% giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường này.

Đứng thứ 4 là là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,4 tỷ USD (chiếm 4,3%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất - chiếm 44,2% trong tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường này.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định, những tháng cuối năm, dịch Covid-19 dự báo vẫn diễn biến phức tạp với nhiều khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới và trong nước, khiến tiêu thụ nông lâm thủy sản trong nước và xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Thời gian vừa qua, đặc biệt trong tháng 8/2021, xuất khẩu nông lâm thủy sản sụt giảm mạnh, nguyên nhân là do trong giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, nhiều địa phương đã quá cực đoan khi kiểm soát vận chuyển hàng hóa.

Nhiều địa phương đã quá cực đoan khi kiểm soát vận chuyển hàng hóa. Xã làm khó xã, huyện làm khó huyện và tỉnh làm khó tỉnh. Đó là tư duy cắt khúc trong quản lý. Phải hạn chế tư duy cắt khúc trong quản lý, để ngành nông nghiệp hạn chế các rủi ro, bất trắc.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan lâu nay có 3 tư duy ngắn hạn vẫn còn tồn tại. Đó là nông dân tư duy mùa vụ; doanh nghiệp tư duy thương vụ; chính quyền tư duy nhiệm kỳ.

Để tháo gỡ khó khăn, tìm ra giải pháp căn cơ tiêu thụ nông sản và xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề ra 3 giải pháp.

Thứ nhất, thoát khỏi tư duy mùa vụ. Trước bất cứ sức ép nào trong ngắn hạn, nông dân cũng cần chung vai với ngành nông nghiệp để đưa ra những tầm nhìn dài hạn từ 5 đến 10 năm.

Thứ hai, tăng cường đối thoại. Bất cứ ngành chuyên môn nào đều cần tam giác phát triển, gồm nhà nước - thị trường - xã hội. Chỉ khi mở rộng khoảng giao thoa này đủ lớn, những bất trắc, rủi ro mới giảm xuống.

Thứ ba, mở rộng các không gian phát triển, đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết tiểu vùng. Hiện chúng ta vẫn đang tư duy theo hướng chia cắt ra các tỉnh. Để thích ứng với một loạt vấn đề như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp phải thay đổi, đề ra những chiến lược phát triển chung cho toàn bộ 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

(Theo nhandan.vn)

 

.
.
.