Thứ Ba, 19/10/2021, 20:20 (GMT+7)
.

Đề xuất các gói hỗ trợ doanh nghiệp có thể mở rộng đến 250.000 tỷ đồng

VCCI đề nghị Chính phủ xem xét các chính sách trực tiếp với mức độ hỗ trợ mạnh hơn. Chẳng hạn, một phương án có thể tính đến là gói hỗ trợ cấp bù lãi suất cho DN, nhất là các DN nhỏ và vừa với mức độ khoảng từ 3-5%/năm so với lãi suất thị trường, tập trung vào các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

a
Quang cảnh buổi tọa đàm chiều 19-10

Chiều 19-10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức tọa đàm “Phát huy vai trò doanh nghiệp, người dân trong phục hồi, phát triển kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt với phòng, chống dịch Covid-19 với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.

Tọa đàm nhằm tập hợp các đề xuất góp phần thực hiện mục tiêu kép của đất nước trong điều kiện bình thường mới theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát kết quả dịch Covid-19”.

Đáng chú ý, Tiến sĩ Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, khảo sát gần đây của VCCI cho thấy xấp xỉ 94% DN chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, khoảng 71% DN tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước đó, 96% DN gặp các vấn đề liên quan đến tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, quản lý nhân công hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh ấy, người lao động trở thành đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương. Số liệu từ điều tra toàn quốc của VCCI cho thấy 91% DN đã phải chấp nhận giảm quy mô lao động trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Theo Tiến sĩ Hoàng Quang Phòng, trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch hiện nay, cần trao niềm tin và sự chủ động cho các DN trong ứng phó dịch bệnh. DN cần được nhìn nhận là chủ thể trong ứng phó Covid-19 và được chủ động trong thực hiện y tế tại chỗ, tự xét nghiệm, tự điều trị các trường hợp có ca bệnh theo khả năng của DN trên cơ sở tuân thủ những hướng dẫn và quy chuẩn do các cơ quan Nhà nước ban hành.

Chẳng hạn, việc ban hành văn bản hướng dẫn việc DN mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện tự xét nghiệm và được công nhận kết quả xét nghiệm là rất quan trọng. Các hướng dẫn này có thể giúp DN tiết giảm được đáng kể chi phí xét nghiệm cho nhân viên so với trước đây. Ví dụ, với khoảng 800.000 lái xe đang tham gia vận chuyển hàng hóa và hàng triệu công nhân ở các vùng trong điểm công nghiệp trên cả nước từng phải tuân thủ quy định xét nghiệm với tần suất 3-5 ngày/lần, thì việc cho phép DN tự xét nghiệm và được công nhận kết quả xét nghiệm sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí và có ý nghĩa không kém một gói hỗ trợ tài chính cho các DN.

Đồng thời, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN chỉ có thể bình thường trở lại nếu như các tuyến giao thông vận tải giữa các địa phương được thông suốt, không còn tình trạng “chống dịch cực đoan” hay “cát cứ địa phương” vì lo lắng cho trách nhiệm cá nhân hơn lợi ích cộng đồng như đã từng xảy ra ở một số nơi thời gian qua.

Các địa phương cần quán triệt chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” và triển khai các giải pháp phù hợp theo chỉ đạo thống nhất từ Chính phủ. Sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa Trung ương và địa phương, giữa các cơ quan Nhà nước cùng cấp trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách là vô cùng quan trọng trong thời điểm hiện nay. Cần loại bỏ tình trạng địa phương ban hành quy định riêng, gây cản trở lưu thông hàng hóa hay gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và DN.

Phó Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, Trong điều kiện “bình thường mới”, cần mạnh dạn phá bỏ những quy định cũ không còn phù hợp, xem xét ban hành các quy định pháp lý đặc biệt, trong thời hạn nhất định, để tạo cơ hội cho DN nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, khôi phục tăng trưởng kinh tế và đưa Việt Nam bứt lên giành vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh dịch bệnh, các quy định mới khiến DN phát sinh chi phí tuân thủ cần được cân nhắc kỹ lưỡng, chẳng hạn như những quy định lắp đặt camera trên phương tiện vận tải hay quy định về phí bảo vệ môi trường đang được đưa ra thảo luận gần đây. Cắt giảm các chi phí tuân thủ thủ tục hành chính chính là một trong những cách làm thực tế nhất, hữu ích nhất và trong tầm tay của các cơ quan Nhà nước.

Phó Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, cần mở rộng quy mô các gói hỗ trợ DN ứng phó Covid-19. Hiện, trong số 181 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá, Việt Nam xếp thứ 145/181 về quy mô ngân sách dành cho ứng phó Covid-19 và phục hồi kinh tế. Với GDP ước tính năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỷ đồng, các gói hỗ trợ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỷ đồng, hoặc hơn nữa để giải quyết các khó khăn trong hiện tại và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong tương lai. Chính phủ cũng có thể cân nhắc ban hành một số chính sách tài khóa, tiền tệ có tính chất đột phá.

Hiện nay cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước chủ yếu dưới hình thức gián tiếp thông qua chính sách giãn, hoãn, kéo dài thời gian thực hiện các nghĩa vụ thuế, khoản vay đối với DN. Với tình thế "sống còn", tình trạng "kiệt quệ" hiện nay của các DN, VCCI đề nghị Chính phủ xem xét các chính sách trực tiếp với mức độ hỗ trợ mạnh hơn. Chẳng hạn, một phương án có thể tính đến là gói hỗ trợ cấp bù lãi suất cho DN, nhất là các DN nhỏ và vừa với mức độ khoảng từ 3-5%/năm so với lãi suất thị trường, tập trung vào các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Nếu thực hiện cấp bù lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ cần tính toán phương án triển khai phù hợp đảm bảo sự vận hành an toàn của hệ thống ngân hàng bên cạnh việc khơi thông dòng vốn tín dụng cho DN. Chính phủ cũng có thể xem xét mức giảm thuế thu nhập DN, thuế VAT, tiền thuê đất ở mức cao hơn so với mức hỗ trợ giảm 30% như hiện nay lên mức 50%; giảm mức nộp vào các quỹ bảo hiểm xã hội 50% trong các năm 2021, 2022; giảm mức thuế VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021, 2022; giảm phí công đoàn DN phải nộp ở mức thấp hơn so với hiện hành…

Đặc biệt, theo Tiến sĩ Hoàng Quang Phòng, việc xây dựng và triển khai chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế cần được đẩy nhanh hơn nữa. “Chương trình phục hồi kinh tế bền vững tới năm 2023” đang được Bộ KH-ĐT soạn thảo cần chú ý tới phân chia giai đoạn, phân chia nhóm đối tượng để có chính sách phù hợp và tránh cào bằng, có tham vấn rộng rãi ý kiến cộng đồng DN và chuyên gia. Chính phủ cũng cần có phương án ổn định và phục hồi lại thị trường lao động bởi cấu trúc lao động cũ có dấu hiệu bị phá vỡ trong bối cảnh đại dịch.

“Hình ảnh những đoàn người lao động mệt mỏi rời khỏi các tỉnh Đông Nam bộ, vượt hàng trăm thậm chí hàng nghìn cây số trong những cuộc hồi hương đầy rủi ro và bất trắc là điều đáng tiếc cho cả người lao động lẫn DN. Điều này sẽ đặt gánh nặng lên các DN trong việc tuyển dụng và đào tạo lại lực lượng lao động trong những tháng sắp tới. Do đó, các gói hỗ trợ DN thu hút và đào tạo lại lao động cần nhanh chóng được xây dựng với quy mô và mức hỗ trợ phù hợp”, Tiến sĩ Hoàng Quang Phòng nêu.

Nhiều ý kiến đề nghị hỗ trợ cho DN ngành hàng không, du lịch để giúp phục hồi 2 ngành quan trọng này. Đặc biệt, cần đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa. Bên cạnh đó, lưu thông hàng hóa phải bảo đảm, không được để đứt gãy chuỗi lưu thông; tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn thuận lợi, miễn giảm thuế, lệ phí, lãi suất cho DN…

(Theo sggp.org.vn)


 

.
.
Liên kết hữu ích
.