Thứ Tư, 13/10/2021, 10:17 (GMT+7)
.

Gỡ khó cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh

Sáng 11-10, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến gặp gỡ doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, các nhóm kiến nghị được DN gửi đến lãnh đạo tỉnh gồm: Hỗ trợ DN tiêm vắc xin và thời gian xét nghiệm Covid-19; khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; việc di chuyển của chuyên gia, người lao động; hỗ trợ cắt giảm chi phí cho DN; lưu thông hàng hóa...

DN KIẾN NGHỊ NHIỀU VẤN ĐỀ

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần May Tiền Tiến (TP. Mỹ Tho), trước đây, tỉnh có chủ trương thực hiện phương án “3 tại chỗ”, sau khi tuyên truyền, vận động công nhân, lao động không thỏa mãn các điều kiện, không đồng thuận nên số công nhân đăng ký rất ít. Do đó, công ty ngừng hoạt động đến nay gần 3 tháng. Trong thời gian này, công ty buộc phải dừng hợp đồng, khách hàng hủy đơn hàng, một số thông báo chuyển sang tỉnh khác.

DN phát biểu kiến nghị tại hội nghị.
DN phát biểu kiến nghị tại hội nghị.

Vào đầu tháng 10-2021, tỉnh có chủ trương tạo điều kiện cho DN thực hiện phương án “3 tại chỗ” nên công ty đã xây dựng phương án. Trong tuần rồi, các sở, ngành đã thẩm định cho phép công ty được thực hiện phương án “3 tại chỗ” bắt đầu từ tuần này với 600 công nhân.

Số công nhân này chỉ chiếm khoảng 20%/tổng số công nhân của công ty, bởi có một số công nhân muốn đi làm nhưng chưa được tiêm vắc xin Covid-19 cùng với số công nhân thuộc “vùng cam” cũng không được vào làm. Công ty đề nghị UBND tỉnh ưu tiên cho công nhân được tiêm vắc xin Covid-19 để có điều kiện đi làm trở lại. Hiện công ty có khoảng 700 công nhân tại huyện Chợ Gạo chưa được tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1.

Còn theo Công ty cổ phần Hùng Vương (Khu công nghiệp Mỹ Tho), từ ngày 15-7, do công ty không đảm bảo các điều kiện thực hiện phương án “3 tại chỗ” nên phải tạm ngừng hoạt động đến nay. Dù tạm ngừng hoạt động, nhưng công ty vẫn phải chi trả trợ cấp cho công nhân, đây là gánh nặng rất lớn.

Đến thời điểm này, có 10% số công nhân của công ty được tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 và 80% được tiêm mũi 1. Do đó, công ty mong muốn UBND tỉnh cho biết là từ nay đến đầu tháng 11-2021 có thể hoạt động trở lại được hay không. Bởi công ty cần có những kế hoạch cụ thể cho vùng nguyên liệu để làm cơ sở đàm phán với các khách hàng.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển thuận lợi, hạn, mặn được kiểm soát, dịch Covid-19 chưa bùng phát mạnh. Hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, từ tháng 6-2021 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt đã tác động mạnh mẽ đến cộng đồng DN. Nhiều DN phải tạm dừng hoạt động hoặc giảm quy mô, việc thực hiện các hợp đồng đã ký kết gặp nhiều khó khăn, sản lượng sụt giảm, chi phí tăng cao.

Lãnh đạo UBND tỉnh chia sẻ trước những khó khăn rất lớn của cộng đồng DN. Tuy nhiên, vẫn có những DN nỗ lực vượt qua khó khăn với sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương về công tác y tế. Một số DN đã và đang duy trì hoạt động, phục hồi sản xuất, kinh doanh; có DN vừa phòng, chống dịch vừa cơ cấu lại sản xuất và xuất khẩu được nhiều sản phẩm, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng…

Còn theo lãnh đạo Công ty Lương thực Tiền Giang, trong quý III-2021, công ty chịu rất nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, khó khăn lớn nhất là việc ách tắc toàn bộ chuỗi cung ứng, tiêu thụ lúa gạo. Trong thời gian tới, công ty kiến nghị UBND tỉnh có chủ trương sớm khôi phục hoạt động để bù lại những tổn thất trong thời gian qua cũng như tiêu thụ vụ lúa thu đông và đông xuân.

Cụ thể, công ty có Xí nghiệp chế biến gạo Việt Nguyên nằm trong Khu công nghiệp Mỹ Tho thời gian qua đã phải tạm ngưng hoạt động, làm ách tắc toàn bộ chuỗi cung ứng của công ty. Công ty đã gửi phương án đảm bảo phòng, chống dịch khi hoạt động trở lại nên rất mong tỉnh sớm cho xí nghiệp hoạt động trở lại. Công ty cũng kiến nghị UBND tỉnh tạo điều kiện cho việc đi lại của người lao động và lưu thông hàng hóa…

ƯU TIÊN TIÊM VẮC XIN CHO CÔNG NHÂN

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, thời gian qua, vắc xin Covid-19 được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, nhưng do chủ trương Trung ương mua, Bộ Y tế cấp phát nên việc tìm nguồn vắc xin Covid-19 từ các nguồn khác của tỉnh gặp khó khăn. Quan điểm của tỉnh về tiêm vắc xin Covid-19, trước hết, Tiền Giang rất quan tâm đến các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.

Đến thời điểm này, các đối tượng đã được tiêm xong. Đối tượng ưu tiên thứ 2 là công nhân của các DN, để khi dịch Covid-19 được kiểm soát, công nhân sẽ đủ điều kiện trở lại làm việc. Theo kế hoạch, Tiền Giang được Trung ương phân bổ 1.224.350 liều vắc xin Covid-19/1.488.000 người dân của tỉnh từ 18 tuổi trở lên.

Tuy nhiên, đến nay, tỉnh chỉ mới nhận được khoảng 724.000 liều vắc xin Covid-19, còn khoảng 500.000 liều chưa nhận được. Do đó, tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 của tỉnh chỉ đạt khoảng 37,6% và mũi 2 đạt khoảng 5,3%. Tỷ lệ này của tỉnh Tiền Giang đạt khá hơn nhiều so với một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tỉnh đang tiêm vắc xin Covid-19 cho công nhân, lao động trong và ngoài khu, cụm công nghiệp.

Theo kế hoạch của tỉnh, dự kiến đến cuối tuần này, sẽ có 100% công nhân trong và ngoài khu, cụm công nghiệp được tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1. Trên cơ sở nguồn vắc xin được phân bổ còn lại, tỉnh sẽ tiếp tục tiêm mũi 2 cho những công nhân tiêm mũi 1 đã đến hạn. Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh yêu cầu các DN rà soát lại số lượng công nhân, lập danh sách gửi các cơ quan chức năng để tỉnh tổ chức tiêm vét cho những công nhân này.

Tiền Giang ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho công nhân, lao động để khôi phục sản xuất, kinh doanh (Trong ảnh: Tiêm vắc xin Covid-19 cho công nhân Công ty cổ phần Chăn nuôi Việt Nam -  Chi nhánh nhà máy Tiền Giang).
Tiền Giang ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho công nhân, lao động để khôi phục sản xuất, kinh doanh (Trong ảnh: Tiêm vắc xin Covid-19 cho công nhân Công ty cổ phần Chăn nuôi Việt Nam - Chi nhánh nhà máy Tiền Giang).

Về thời gian xét nghiệm Covid-19, tỉnh sẽ xem xét và trong thời gian tới thực hiện đúng quy định của Trung ương hướng dẫn. Theo đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, tỉnh đã ban hành kế hoạch khôi phục phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỉnh xây dựng kế hoạch trên cơ sở các DN thời gian qua thực hiện phương án “3 tại chỗ” có hiệu quả cũng như tình hình kiểm soát dịch Covid-19, tình hình tiêm vắc xin Covid-19 của tỉnh…

Hiện nay, DN đã đăng ký và hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” là 98 DN, trong đó đã công nhận 58 DN, thẩm định 20 DN và đang tiếp tục thẩm định 20 DN. Trên cơ sở kế hoạch, các DN xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định.

Theo đó, giai đoạn 1, từ nay đến cuối tháng 10-2021, tỉnh sẽ tập trung phòng, chống dịch và phục hồi sản xuất, kinh doanh phù hợp, mở ra nhưng ở mức độ. Tình hình dịch Covid-19 ở tỉnh còn khá phức tạp, tỷ lệ tiêm vắc xin trong cộng đồng còn chưa cao. Do đó, Tiền Giang không thể làm như TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Long An.

Cụ thể, giai đoạn 1, tỉnh sẽ vẫn áp dụng sản xuất, kinh doanh theo phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến”. Đối với các DN có quy mô trên 50 lao động thì tiếp tục thực hiện theo phương án này, nhưng quy mô có thể lên đến 70% tổng số lao động đối với các DN đang thực hiện và 50% đối với các DN đăng ký mới. Đối với DN có quy mô dưới 50 lao động do UBND cấp huyện quyết định.

Trong giai đoạn 2, từ tháng 11 đến 31-12-2021, yêu cầu người lao động phải tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 hoặc F0 đã điều trị khỏi bệnh. Trong thời điểm này, tùy theo tình hình tiêm vắc xin và dịch bệnh, tỉnh sẽ quyết định cho các DN chuyển sang hoạt động theo trạng thái bình thường mới với quy mô tăng dần. UBND tỉnh mong muốn các DN ủng hộ tỉnh từ nay đến cuối năm để thực hiện phát triển kinh tế và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh…

ANH THƯ

.
.
Liên kết hữu ích
.