Thứ Bảy, 16/10/2021, 16:05 (GMT+7)
.

Nâng chất để trái cây Việt vươn xa

Giá trị xuất khẩu rau quả của nước ta năm 2020 đạt 3,2 tỷ USD, trong đó trái cây chiếm đến 80% kim ngạch xuất khẩu. Nhiều năm qua, diện tích trồng cây ăn trái tăng mạnh nhưng lại đang đối mặt với nhiều thách thức đến từ đối thủ cạnh tranh cũng như tại chính nước nhập khẩu; khi các nước này đang tăng cường diện tích vùng trồng cây ăn trái và ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất vào khâu trồng trọt.

Xuất khẩu hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ

Thống kê đến nay, trái cây Việt Nam đã có mặt tại 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Cả nước hiện có 1.749 vùng trồng trái cây tươi được cấp mã số xuất khẩu và 1.200 mã số cho cơ sở đóng gói trái cây tươi xuất khẩu.

Hiện nay, trái cây tươi giao dịch trên toàn cầu có giá trị vào khoảng 240 tỷ USD/năm, sản phẩm chế biến từ trái cây khoảng 270 tỷ USD/năm. Vì thế, có thể nói vẫn còn dư địa rất lớn cho ngành trái cây Việt Nam phát triển, nhất là khi Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).

a
Chăm sóc vườn trái cây chuyên cam rộng lớn tại xã Bình An, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), dẫn chứng, năm 2021, trái cây Việt Nam có rất nhiều lợi thế xuất khẩu với EU (thông qua EVFTA), Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA). Bởi lẽ, nhiều nước xuất khẩu trái cây vùng nhiệt đới như Thái Lan, Malaysia, Brazil… đều chưa có FTA với UKVFTA.

Với EVFTA, rau trái nói chung và trái cây nói riêng của Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất do 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ. Giá trị xuất khẩu trái cây Việt vào thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… tuy tỷ trọng còn thấp nhưng đã tăng trong nhiều năm qua.

Ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh

Giá trị xuất khẩu trái cây liên tục tăng trưởng nhưng dự báo sẽ gặp nhiều thách thức trong thời gian tới. Ông Đặng Phúc Nguyên phân tích, Trung Quốc hiện đã trồng được giống thanh long ruột đỏ với diện tích xấp xỉ ở Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam chỉ còn khả năng xuất khẩu thanh long ruột trắng sang Trung Quốc.

Trong khi đó, giá trị xuất khẩu thanh long của Việt Nam đạt khoảng 1,1 tỷ USD, chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu rau quả. Không chỉ thanh long, Trung Quốc hiện vẫn đang trồng những cây ngắn ngày, thời gian thu hoạch nhanh như xoài, chuối… để dần hạn chế nhập khẩu. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc xuất khẩu các loại trái cây này của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Theo đại diện Vinafruit, hiện nhiều nước vùng nhiệt đới cũng bắt đầu trồng trái cây xuất khẩu và trở thành đối thủ cạnh tranh gay gắt với Việt Nam. Vài năm qua, Campuchia đã tăng diện tích trồng xoài, chuối xuất khẩu sang Trung Quốc và dần chiếm thị phần của Việt Nam. Nước này cũng đang mở rộng diện tích trồng thanh long.

Tương tự, Thái Lan, Malaysia, lãnh thổ Đài Loan cũng trồng thanh long xuất khẩu. Không chỉ thị trường Trung Quốc, trái cây Việt còn gặp thách thức lớn ở thị trường Hoa Kỳ, EU, Anh trước các quốc gia Nam Mỹ do họ cũng có trái cây nhiệt đới và giá thành vận chuyển sang Mỹ rẻ hơn nhờ ở gần. Nhiều quốc gia Nam Mỹ đang tập trung xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào khâu thu hoạch và bảo quản… nên sản lượng và chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cao.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp đã từng thẳng thắn nhận định, từ nhiều năm nay, Thái Lan đã vượt trội về chất lượng, bao bì, mẫu mã, hình thức bên ngoài… nhờ tập trung vào khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực bảo quản, chế biến. Thái Lan có thể bảo dưỡng loại trái cây có vỏ khó bảo quản như vải, xoài… được 50-60 ngày để xuất khẩu.

Ngược lại, trái cây Việt Nam có công nghệ bảo quản sau thu hoạch kém, trái cây nhanh “xuống màu” trong thời gian vận chuyển và hình thức mẫu mã xấu, kích thước không đồng đều; thậm chí còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín.

Thực tế, khâu sơ chế và bảo quản nông sản tươi ở Việt Nam còn yếu. Chẳng hạn, công nghệ bảo quản trái thanh long tươi chỉ được từ 30-35 ngày nên không thể vận chuyển bằng đường biển sang các nước EU, Hoa Kỳ, Anh… Nhiều doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực đầu tư vào khâu chế biến và bảo quản nhưng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng bởi chất lượng trái cây phụ thuộc lớn vào khâu trồng trọt và thu hoạch.

a
Công ty TNHH Huy Long An -Mỹ Bình chế biến chuối xuất khẩu. Ảnh: THANH HẢI

“Theo tôi, để cạnh tranh được, Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư nghiên cứu giống, hỗ trợ vốn vay ưu đãi để nông dân có thể chuyển sang trồng trọt theo các tiêu chuẩn an toàn, tiếp sức doanh nghiệp nâng cao chất lượng bảo quản sau thu hoạch”, ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty LTP Import Export B.V. Hà Lan, bày tỏ.

Ở góc độ khác, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, góp ý, Việt Nam tuy có quy hoạch vùng nguyên liệu nhưng chưa có hình thức chế tài đối với diện tích trồng tự phát, theo phong trào. Nông dân Thái Lan muốn trồng cây gì phải xin phép; nếu thu hoạch trái cây sớm sẽ bị cơ quan nước này xử phạt, đưa lên hệ thống cảnh cáo và có thể bị đối tác tạm ngưng nhập khẩu. Muốn nông dân trồng trọt theo đúng quy hoạch, Việt Nam cũng cần nghiên cứu, thực hiện chế tài mạnh với nông dân trồng sai quy hoạch.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết, đơn vị đã soạn thảo đề án “Phát triển cây ăn quả toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, quản lý vùng trồng”. Theo đó, những vùng có cây trái đặc sản địa phương sẽ được khoanh vùng, đưa ra quy trình thâm canh, sản xuất theo hướng an toàn. Đề án tập trung phát triển nền nông nghiệp “đại điền” nên cần có sự liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu. Những “đại điền” này sản xuất theo tiêu chí, yêu cầu của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, địa phương cũng quản lý vùng trồng bằng số hóa, cấp mã vùng trồng và có chế tài đối với sản phẩm tự phát hoặc tăng diện tích. Sản phẩm thí điểm đầu tiên của đề án là mô hình trồng xoài tại huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
Liên kết hữu ích
.