Thứ Bảy, 02/10/2021, 10:51 (GMT+7)
.

Ngành cá tra "chao đảo" trước làn sóng Covid-19

Đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư đã khiến ngành hàng cá tra Việt Nam “chao đảo” khi nhà máy đóng cửa, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, trong khi người nuôi cá thương phẩm và nhà sản xuất con giống “co cụm”. Điều này, dự báo khiến nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến sẽ thiếu hụt trong những tháng cuối năm nay và đầu năm 2022.

Ngành hàng cá tra Việt Nam bắt đầu hồi phục trong 6 tháng đầu năm nay, tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư nên đối mặt với rất nhiều khó khăn kể từ đầu tháng 7 đến nay. Ảnh minh họa: TTXVN
Ngành hàng cá tra Việt Nam bắt đầu hồi phục trong 6 tháng đầu năm nay, tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư nên đối mặt với rất nhiều khó khăn kể từ đầu tháng 7 đến nay. Ảnh minh họa: TTXVN

Nhà máy đóng cửa, xuất khẩu sụt giảm, chăn nuôi co cụm

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục thuỷ sản, ngành hàng cá tra Việt Nam bắt đầu hồi phục trong 6 tháng đầu năm nay, tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư nên đối mặt với rất nhiều khó khăn kể từ đầu tháng 7 đến nay.

Cụ thể, theo ông Luân, đến ngày 15-9, diện tích thả nuôi cá tra đạt 3.516 héc ta, chỉ bằng 74,3% so với cùng kỳ, trong đó, riêng tháng 7 và 8- hai tháng thực hiện giãn cách xã hội- diện tích thả nuôi giảm 50-55% so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội và giảm 25,9- 33,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, sản lượng cá tra thu hoạch đạt 932.000 tấn, chỉ bằng 81,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, sản lượng thu hoạch tháng 7 giảm 20%, tháng 8 giảm 44,9%, đặc biệt, 15 ngày đầu tháng 9 giảm đến 77% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (NAFIQAD) cho biết, tình hình chế biến cá tra gặp rất nhiều khó khăn sau hai tháng thực hiện giãn cách xã hội, trong đó, tỷ lệ cơ sở sản xuất phải đóng cửa bình quân của 8 địa phương sản xuất, chế biến cá tra trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long lên đến gần 58%.

Theo đó, tỉnh An Giang có 19 cơ sở, nhưng có 6 cơ sở ngưng hoạt động, tương ứng với tỷ lệ 31,58%; TP Cần Thơ có 35 cơ sở, thì 28 cơ sở ngưng sản xuất, tương ứng 80%; Đồng Tháp có 12 trên 31 cơ sở ngưng sản xuất, chiếm gần 39%; tỷ lệ ngưng sản xuất của Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang lần lượt 80%, 33,33%, 80% và 70%. Riêng tỉnh Long An có một sơ sở và hiện vẫn duy trì sản xuất.

Còn bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, khảo sát của đơn vị này ở các tỉnh như: Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long, thì chỉ có 14 trên 42 doanh nghiệp hội viên hoạt động theo phương án 3 tại chỗ từ giữa tháng 7 đến nay, với công suất chỉ 10-30%.

Theo bà Lan, do phần lớn doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất nên dù nhu cầu cá tra trên thị trường hiện khá lớn, nhưng doanh nghiệp không tận dụng được cơ hội, khiến kim ngạch xuất khẩu sụt giảm mạnh.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 8-2021 giảm 28,5% so với cùng kỳ năm trước. “Với tình hình hiện nay, khả năng xuất khẩu cá tra trong tháng 9 có thể giảm trên 30%”, bà Lan cho biết và thông tin, khả năng hồi phục chậm nên nhiều doanh nghiệp sẽ mất những đơn hàng cuối năm và không dám nhận những đơn hàng mới.

“Đứt gãy” nguyên liệu cho sản xuất

Theo bà Lan, do giãn cách xã hội và các qui định nghiêm ngặt để hạn chế đi lại không chỉ làm “đứt gãy” chuỗi cung ứng từ nuôi cá thịt đến nhà máy, mà còn khiến các hộ nuôi giống đã ngưng thả 2 tháng nay. “Do đó, sang năm 2022 có thể sẽ thiếu giống cá tra dẫn đến thiếu nguyên liệu cục bộ”, bà Lan cho biết.

Ông Luân của Tổng cục thuỷ sản cho biết, cả nước hiện có 130 cơ sở sản xuất giống cá tra, trong đó, có 96 cơ sở đang hoạt động. Tính đến ngày 15-9, tổng lượng giống sản xuất được ước đạt 2,33 tỉ con, đáp ứng 100% nhu cầu nuôi thương phẩm.

Tuy nhiên, theo ông Luân, lượng giống sản xuất trong giai đoạn giãn cách đã giảm mạnh, mà cụ thể, trong ba tháng liên tiếp (tháng 6,7 và 8), sản lượng giống sản xuất lần lượt giảm 82,7%, 70,9% và 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do đó, ông Luân cảnh báo, nguy cơ sẽ xảy ra thiếu hụt nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu vào cuối năm nay và đầu năm 2022.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thuỷ sản Vĩnh Hoàn cho rằng, khó khăn hiện tại và lâu dài đối với ngành cá tra là con giống. “Một đội công đoàn bắt cá giống có mười mấy người, nhưng đi về buộc phải cách ly 14 ngày, trong khi thu hoạch chỉ được một ao cá giống nên họ không làm”, bà Khanh dẫn chứng.

Thậm chí, theo bà Khanh, dù đã được tiêm 2 mũi vaccine, nhưng cán bộ kỹ thuật muốn đi mua giống cũng bị yêu cầu phải cách ly 14 ngày nên bị “tắc”, dẫn đến viễn cảnh sang năm sẽ thiếu giống. “Trong khi đó, người nuôi giống không thể chăm sóc thoải mái, thu hoạch thì khó khăn nên không thả giống nữa”, bà Khanh cho biết.

Để tháo gỡ khó khăn, bà Khanh đề xuất, công đoàn thu hoạch cá giống và nhân viên thu mua giống được phép đi về hàng ngày theo nguyên tắc “1 cung đường 2 điểm đến”; đi lại và thu hoạch trong khu vực không thực hiện Chỉ thị 16, thì được về nhà và không bị cách ly (với điều kiện đã tiêm 1 mũi vaccine và test Covid-19 âm tính 3 ngày/lần).

Mặt khác, bà Khanh cũng đề xuất, phải tạo điều kiện thuận lợi trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 15+ và 16 cho bà con nuôi giống có điều kiện đi chăm sóc ao, mua thuốc, vật tư và thả giống. “Có như vậy, chuỗi cung ứng giống sang năm 2022 mới không bị gián đoạn”, bà Khanh nói.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.