Thứ Tư, 13/10/2021, 16:11 (GMT+7)
.

Nỗi lo nhân Ngày 13-10

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 năm nay được xem là ngày đặc biệt, được diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Và lẽ dĩ nhiên, các hoạt động chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam cũng phải tạm dừng lại.

Đây cũng là lúc để các doanh nhân, doanh nghiệp cân nhắc bài toán “tái thiết” sau thời gian dài SARS-CoV-2 càn quét.

1. Đây cũng là lần đầu tiên, kể từ ngày 13-10 được chọn là Ngày Doanh nhân Việt Nam, giới doanh nhân Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Tiền Giang nói riêng chịu không ít áp lực và mang nặng nỗi lo hơn niềm vui. Bởi phía trước còn cả một chặng đường khá dài, với bộn bề lo toan, do một thời gian dài phải tạm ngừng hoạt động và nếu có hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, hiệu quả chắc chắn cũng không cao.

Câu chuyện đáng bàn giờ đây là thời điểm bắt đầu trở lại sản xuất, chọn phương án nào là hợp lý hay cách thức xử lý những hệ lụy do SARS-CoV-2 để lại. Chắc chắn rằng, phải mất thời gian lâu nữa, hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và trên địa bàn Tiền Giang nói riêng mới trở lại quỹ đạo như trước đây. Đó là bài toán khó, thậm chí là rất khó, nếu mỗi doanh nghiệp không có phương án hợp lý và thích ứng với tình hình dịch bệnh vẫn luôn hiện hữu.

Lãnh đạo tỉnh làm việc với doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”.
Lãnh đạo tỉnh làm việc với doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”.

Chuỗi những hệ lụy do SARS-CoV-2 để lại có thể được đo lường qua các con số minh chứng. Số liệu được đưa ra từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, dịch Covid-19 đã “khoét” vào nền kinh tế đến mức nào. Dẫn chứng một vài con số để thấy rằng, hệ lụy mà SARS-CoV-2 để lại còn lâu mới khôi phục được.

Chẳng hạn như, chỉ số sản xuất công nghiệp của Tiền Giang trong quý I tăng hơn 0,9%, quý II tăng hơn 5,3% nhưng qua đến quý III-2021 giảm đến 13,5%; kim ngạch xuất khẩu quý I tăng 10,6%, quý II tăng hơn 45% nhưng quý III giảm hơn 24%; đặc biệt thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng chỉ đạt hơn 6.522 tỷ đồng, giảm gần 14% so cùng kỳ (giảm thu 1.053 tỷ đồng).

Chưa kể, trong 9 tháng Tiền Giang chỉ có 383 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 2.749 tỷ đồng, giảm hơn 34% về số doanh nghiệp, giảm 12% về vốn đăng ký... Tất nhiên, nếu đánh giá một cách công bằng, mức suy giảm của các chỉ tiêu, nhất là trong quý III-2021, không hoàn toàn do SARS-CoV-2 gây ra, nhưng nó luôn được xác định là tác nhân chính.

Câu chuyện của các doanh nghiệp, doanh nhân giờ đây là “tái thiết” hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kế hoạch khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng đã được UBND tỉnh ban hành vào ngày 1-10 và thực hiện theo từng giai đoạn, lộ trình cụ thể.

Để thực hiện lộ trình tái thiết, sớm khôi phục hoạt động, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp cũng được đưa ra, tập trung vào các nhóm như hỗ trợ tiêm vắc xin và xét nghiệm cho người lao động, phương án thực hiện “3 tại chỗ”, việc lưu thông hàng hóa hay cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp...

Nhưng suy cho cùng, nội lực và sức chống chịu của mỗi doanh nghiệp vượt qua khó khăn mới là điều quan trọng. Bởi hơn ai hết mỗi doanh nghiệp mới hiểu được sức chịu đựng của chính mình và tính toán bài toán nào là tối ưu hóa khi hoạt động trở lại. Và đó mới chính là thách thức lớn của mỗi doanh nhân trong Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 năm nay.

2. Ai cũng biết cần một thời gian dài nữa cho quá trình tái thiết của doanh nghiệp. Quá trình này diễn ra nhanh hay chậm chắc chắn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Khi bàn luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang Trần Đỗ Liêm cho rằng, với tư cách là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Tiền Giang, trước hết chúng tôi kêu gọi doanh nghiệp hãy chia sẻ khó khăn, cùng chung vai gánh vác trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 vì dịch bệnh nằm ngoài ý muốn của Nhà nước.

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng đã làm hết sức mình để chống dịch, nên không vì khó khăn mà doanh nghiệp bức xúc, mà nên đồng lòng, chia sẻ để vượt qua. Mặc dù thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã tạm ngưng hoạt động nhưng cũng đã có bước chuẩn bị và mong muốn sớm khôi phục sản xuất, khi có chủ trương tái thiết thì cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng hoạt động trở lại.

Ông Trần Đỗ Liêm cũng cho rằng, để quá trình tái thiết diễn ra nhanh, doanh nghiệp nên hợp tác với nhau, vì thời gian qua nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, không ít hợp đồng đã ký nhưng thực hiện chưa hoàn thành, chưa thanh toán xong… “Thời gian tạm gián đoạn vừa qua, thị trường cũng có biến đổi, chẳng hạn phương thức kinh doanh, khách hàng có xu hướng thích mua hàng online hơn trước nhờ thấy được tiện lợi của loại hình này.

Chưa kể, dịch giã vẫn còn nên nếu mỗi doanh nghiệp không thay đổi thì chắc chắn phương thức sản xuất, kinh doanh truyền thống sẽ bị ảnh hưởng, sản lượng tiêu thụ suy giảm và đương nhiên việc ứng dụng công nghệ sẽ được đẩy nhanh. Lúc này, việc xem lại quy trình, tiết giảm chi phí sản xuất là điều mà doanh nghiệp cần tính đến và tập trung xây dựng chiến lược mới trong sản xuất, kinh doanh phù hợp với dịch bệnh cũng là điều đương nhiên”- ông Trần Đỗ Liêm nhấn mạnh.

Cuộc chiến với SARS-CoV-2 vẫn còn đang tiếp diễn nhưng công cuộc “tái thiết”của cộng đồng doanh nghiệp sớm hay muộn cũng sẽ bắt đầu. Không giống như thường lệ là những khó khăn, biến động của thị trường, giờ đây nỗi lo lớn hơn đối với mỗi doanh nhân là an toàn để sản xuất. Bởi cuộc chiến với SARS-CoV-2 chưa có hồi kết nhưng chu kỳ sản xuất của mỗi doanh nghiệp không thể dừng mãi. Giờ đây, an toàn và thích ứng đang trở thành bài toán cân não cho tất cả doanh nhân.

THẾ ANH

 

.
.
.