Thứ Hai, 15/11/2021, 13:59 (GMT+7)
.

Chuyện anh nông dân nhận Bằng khen của Thủ tướng

Những năm qua, trên địa bàn huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương điển hình về sản xuất, kinh doanh giỏi. Nông dân Huỳnh Văn Hồng và vợ Võ Ngọc Thu (ấp Thới An A, xã Long Vĩnh) là một trong những điển hình về tinh thần vượt khó, vươn lên làm giàu; tích cực đóng góp xây dựng quê hương.

Được chính quyền, các đoàn thể địa phương tạo điều kiện chuyển đổi cây trồng, khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cùng với sự tự thân tìm tòi học hỏi, gia đình ông Huỳnh Văn Hồng đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, vươn lên khá giả.

Ông Hồng vươn lên làm giàu từ mô hình chăn nuôi “Bò cái sinh sản”.
Ông Hồng vươn lên làm giàu từ mô hình chăn nuôi “Bò cái sinh sản”.

Với nguồn vốn tích góp được và vay mượn thêm, vợ chồng ông Hồng đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi “Bò cái sinh sản” và chuyển đổi 2.500 m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ voi để nuôi bò. Cụ thể, bò nái đẻ ra bê cái, ông để lại làm con giống, còn bê đực nuôi để bán thịt. Nhờ cách làm này mà từ 1 con bò nái ban đầu, đến nay đàn bò của gia đình ông phát triển lên đến 10 con nái và 1 con bê.

Cũng nhờ thực hiện mô hình sản xuất khép kín (lấy phân bò bón cho cỏ voi và cây trồng khác, sau đó cắt cỏ làm thức ăn cho bò), chuồng trại được xây dựng đúng kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường, chọn con giống nuôi có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh và luôn đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở chăn nuôi…, đàn bò của gia đình ông Hồng phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế khá cao. 

Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Vĩnh Mai Văn Mai cho biết, gia đình ông Hồng là một tấm gương vượt khó vươn lên. Điều đáng quý ở ông Hồng là không chỉ cần cù lao động, mà còn sẻ chia với mọi người về những kinh nghiệm trồng trọt và chăn nuôi. Đối với các hộ thiếu vốn, thiếu kỹ thuật canh tác, chăn nuôi, ông sẵn sàng giúp đỡ để thoát nghèo bền vững.

Ông Hồng chia sẻ: Gia đình bắt đầu nuôi bò sinh sản từ năm 1976. Lúc đầu, thức ăn của bò chủ yếu từ cắt cỏ ngoài đồng, bổ sung cháo, cám nên hiệu quả thu được không cao. Bò yếu, thường bị bệnh, khó sinh sản. Sau khi tham dự lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi bò sinh sản do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây tổ chức; thường xuyên tìm hiểu kỹ thuật nuôi bò từ sách, đài phát thanh, tôi tích lũy được nhiều kiến thức về kỹ thuật nuôi bò và áp dụng vào đàn bò đang nuôi cho kết quả như ý muốn”.

Không dừng lại ở đó, qua tham quan các mô hình phát triển kinh tế, các mô hình sản xuất mới như: Trồng bơ, trồng thanh long, trồng bưởi… do UBND xã tổ chức; được chính quyền khuyến khích, hỗ trợ kỹ thuật, ông đã mạnh dạn chuyển từ vườn trồng dừa kém hiệu quả sang trồng bơ và hiện cây trồng này phát triển tốt…

Với mô hình chăn nuôi bò, mỗi năm vợ chồng ông Hồng xuất chuồng từ 6 - 7 con bê, bán với giá từ 20 - 25 triệu đồng/con, thu nhập bình quân gần 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, vợ chồng ông Hồng còn thu lãi từ 5.000 m2 đất trồng lúa 2 vụ và các khoản thu khác từ 3.000 m2 đất vườn trồng cây bơ xen cây dầu bạc hà.

Từ kết quả sản xuất trên, vợ chồng ông Hồng đã đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp huyện, tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã có thành tích trong phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà.

HOÀI THU

.
.
.