Nhiều giải pháp tiếp tục hỗ trợ khôi phục, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh
(ABO) Tại Kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo cũng như có nhiều phát biểu giải trình cho đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và cử tri về nguyên nhân số doanh nghiệp (DN) rời bỏ thị trường gia tăng trong 9 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020. Đồng thời, người đứng đầu Bộ này cũng đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể hỗ trợ DN trong thời gian tới.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang chỉ tổ chức tiếp xúc cử tri ở một số xã trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, các nội dung trọng tâm về Kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XV sẽ được thông tin thông qua các phương tiện truyền thông báo, đài của tỉnh để cử tri nắm và thuận lợi cho việc kiến nghị các vấn đề cử tri quan tâm.
HƠN 90 NGÀN DN RÚT KHỎI THỊ TRƯỜNG
Trong 9 tháng năm 2021, có 90.291 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45.091 DN, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2020; DN chờ làm thủ tục giải thể là 32.398 DN, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2020; DN đã giải thể là 12.802 DN, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc DN rút lui khỏi thị trường là sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài liên tiếp (đặc biệt là quý III-2021) khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề. Sau nhiều tháng liền chống chọi với những khó khăn do dịch Covid-19, sức lực của nhiều DN đã bị bào mòn.
Nhiều nhà máy sản xuất, đặc biệt là ở khu vực phía Nam phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian phong tỏa; DN không tiếp cận được khách hàng, hoạt động vận tải hàng hóa và chuỗi cung ứng cho sản xuất bị gián đoạn, đứt gãy, doanh thu giảm mạnh hoặc thậm chí không có doanh thu, các nguồn lực dự trữ đang cạn dần, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.
Ngoài ra, trong giai đoạn này, nhiều DN lựa chọn “đóng băng” trong ngắn hạn để xem xét tình hình, diễn biến của dịch bệnh, “trú ẩn” để bảo toàn nguồn vốn chờ qua giai đoạn dịch bệnh phức tạp và giãn cách nghiêm ngặt.
Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo ban hành nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân, DN |
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và ban hành kịp thời nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân, DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Với vai trò là thành viên Chính phủ, Bộ KH-ĐT đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng các nghị định của Chính phủ hỗ trợ DN.
Gần đây, Bộ KH-ĐT cũng đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9-9-2021 về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Nhìn chung, các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho DN được quy định tại Nghị quyết số 105 đã được cộng đồng DN trong và ngoài nước đánh giá cao và kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ những vấn đề khó khăn mà DN đang phải đối mặt. Hiện nay, các giải pháp, nhiệm vụ đã và đang được các bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai thực hiện và cơ bản hoàn thành theo đúng tiến độ được giao.
Đối với Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ, sau khi ban hành đã được dư luận xã hội đánh giá là một chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng tạo và kịp thời của Chính phủ, được người dân và cộng đồng DN mong chờ và ủng hộ.
Thực tế, trong 10 ngày sau khi Nghị quyết 128 được ban hành, số DN thành lập mới là 3.753 DN, chiếm đến 45,6% tổng số DN thành lập mới trong tháng; số vốn đăng ký mới là 42.280 tỷ đồng, chiếm 38,9% tổng số vốn đăng ký mới trong tháng. Tình hình DN thành lập mới tại những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh trong tháng 10-2021 cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ so với tháng 9-2021.
Nhiều DN không tiếp cận được khách hàng, hoạt động vận tải hàng hóa và chuỗi cung ứng cho sản xuất bị gián đoạn, đứt gãy, doanh thu giảm mạnh |
Chính phủ đã nhanh chóng thiết lập kênh thông tin để DN phản ánh khó khăn, vướng mắc. Hiện nay, Đường dây nóng và email điện tử của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đã được công bố trên website của Bộ KH-ĐT.
Hằng tuần, nhóm giúp việc của Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 họp thảo luận, xem xét giải quyết các kiến nghị của DN. Đồng thời, hiện nay, các địa phương cũng đang tích cực thiết lập đầu mối phối hợp chặt chẽ với các Tổ công tác để kịp thời hỗ trợ DN và người dân trên địa bàn quản lý.
Có thể thấy, những nỗ lực vừa qua của Chính phủ đã được cộng đồng DN, doanh nhân ghi nhận và giảm bớt phần nào những khó khăn mà DN đang phải gánh chịu, giúp DN có thể duy trì, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng củng cố niềm tin của đội ngũ DN, doanh nhân trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn hiện nay.
NHIỀU GIẢI PHÁP TIẾP TỤC HỖ TRỢ DN
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù Chính phủ đã rất cố gắng, nỗ lực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn của dịch bệnh nhưng quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp, chủ yếu tác động về phía cung, chưa thực sự hỗ trợ mạnh mẽ cho người dân, DN; chưa có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực để thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về phía cung và phía cầu của nền kinh tế. Do vậy, cần sớm ban hành và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 để tiếp tục hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, bắt kịp xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.
Bộ KH-ĐT sẽ khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các giải pháp hỗ trợ khôi phục, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng DN, nhất là DN nhỏ và vừa, DN có khả năng khôi phục, tận dụng cơ hội sau dịch bệnh; hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26-8-2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Cùng với đó, tiếp tục tham mưu, đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư các bộ, ngành và địa phương; tăng cường cho vay ưu đãi thông qua Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa; xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ phi tài chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các DN trong giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ DN chuyển đổi số; sớm hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025.
Với các chính sách hỗ trợ từ trung ương và địa phương, nhiều DN tại tỉnh Tiền Giang bắt đầu phục hồi sản xuất trở lại. |
Đối với các địa phương, cần khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, kế hoạch mở cửa. Đồng thời, cùng với DN, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của DN; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy.
Cùng với đó là nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm triển khai các giải pháp thích ứng với lộ trình kiểm soát dịch bệnh, trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương. Bên cạnh đó là tăng cường đối thoại giữa chính quyền địa phương và DN nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của DN và đánh giá thực chất quá trình xử lý các kiến nghị của cộng đồng ND.
Ngoài ra, cộng đồng DN, hiệp hội DN cần phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; hỗ trợ lẫn nhau, tương thân tương ái, hợp tác chia sẻ; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN gắn với chuyển đổi số; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, chuyển đổi lao động, tái cấu trúc lao động; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để biến thách thức thành cơ hội; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cộng đồng DN, hiệp hội DN cần tích cực hiến kế cho chính quyền các cấp để xây dựng kế hoạch mở cửa của từng địa phương; đóng góp sáng kiến cho Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, trong đó có các nội dung liên quan đến phục hồi cho khu vực DN. Đồng thời, đề xuất với Chính phủ các giải pháp, sáng kiến để phát triển DN, phục hồi nền kinh tế.
THU HOÀI