.

Văn hóa là "vaccine" giúp doanh nghiệp vượt khủng hoảng

Cập nhật: 15:02, 09/11/2021 (GMT+7)

 

a
Quang cảnh buổi gặp gỡ báo chí trao đổi thông tin.

Thực tiễn cho thấy, phần lớn những doanh nghiệp trụ vững trong đại dịch vừa qua đều đã xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh.

Sáng 9-11, Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức gặp gỡ báo chí giới thiệu về Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” năm 2021.

Sự kiện sẽ diễn ra ngày 5-12 tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Đây là năm đầu tiên diễn đàn được chức tổ chức với chủ đề “Tiếp biến văn hóa - Nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế”.

Theo Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam Hồ Anh Tuấn, thực tế cho thấy phần lớn những doanh nghiệp trụ vững trong đại dịch vừa qua đều là những doanh nghiệp đã xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, văn hoá kinh doanh. Điều này khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hoá trong phát triển bền vững kinh tế, kiến tạo môi trường kinh doanh.

Ông Lê Quốc Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cho biết: Mục đích sự kiện này là tạo một diễn đàn quy mô quốc gia có sự trao đổi, gặp gỡ giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp; khẳng định vị trí, tầm quan trọng của văn hóa trong phát triển kinh tế cũng như là nơi để cộng đồng doanh nghiệp đề xuất các kiến nghị về cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, phục hồi kinh tế đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19.

Doanh nghiệp được tôn vinh trong buổi lễ phải đáp ứng đủ các tiêu chí trong bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam. Đồng thời phải qua vòng thẩm định khắt khe của Hội đồng quốc gia trên nguyên tắc minh bạch - công tâm - công bằng. Buổi lễ cũng sẽ vinh danh các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”.

Nhấn mạnh đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, ông Vinh cho rằng, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội, khiến chúng ta suy kiệt về sức khỏe và rạn nứt về tinh thần. Trong bối cảnh đó, văn hóa chính là công cụ tạo sự kết nối, là liều vaccine để cộng đồng doanh nghiệp trụ vững trong đại dịch và nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển trong giai đoạn mới.

Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ao Vua chia sẻ: Đại dịch Covid-19 đẩy cộng đồng doanh nghiệp vào tình trạng rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải “trợ thở”, “cấp cứu”, và Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ.

Quan trọng nhất là doanh nghiệp phải thích ứng với tình hình mới. Tùy vào năng lực tài chính, chiến lược kinh doanh, các doanh nghiệp có chính sách riêng để chia sẻ với người lao động trong thời điểm khó khăn của đại dịch Covid-19. Đó là các giải pháp vẫn đóng bảo hiểm dù người lao động không đi làm; giảm ngày công để người lao động yên tâm mình vẫn có tên tuổi trong danh sách công ty. Đối với những người lao động có hoàn cảnh gia đình khó khăn, doanh nghiệp hỗ trợ về tài chính.

Với các giải pháp này, doanh nghiệp giữ được nguồn nhân lực để khi tình hình trở lại bình thường có thể bắt tay ngay vào phục hồi sản xuất kinh doanh.

“Đó chính là văn hóa doanh nghiệp, là văn hoá đạo đức của người chủ doanh nghiệp. Khích lệ xây dựng văn hóa doanh nghiệp và văn hóa của chủ doanh nghiệp chính là nền tảng phát triển bền vững của doanh nghiệp và đất nước”, ông Nguyễn Mạnh Thản nói.

Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” 2021 được tổ chức ngày 5-12 tại Hà Nội với 3 hoạt động chính: Toạ đàm, trao đổi giữa các nhà nghiên cứu, quản lý và các doanh nghiệp; sơ kết 5 năm triển khai cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”; lễ tôn vinh, trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” và các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc hưởng ứng tích cực Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Theo nhandan.vn
 



 

.
.
.