Cán bộ Đoàn khởi nghiệp với nuôi lươn không bùn
Thị trường lươn thịt ổn định, thời gian nuôi lươn ngắn, chi phí nuôi thấp, ít công chăm sóc, nên anh Lê Cảnh Thơ, Phó Bí thư Xã đoàn Nhị Quý (TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã mạnh dạn khởi nghiệp mô hình Nuôi lươn không bùn và đã đạt thành công bước đầu.
Qua tìm hiểu về kỹ thuật nuôi lươn không bùn trên sách, báo, Internet; đặc biệt là được người thân hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm nuôi cùng sự hỗ trợ các bạn trong câu lạc bộ Nuôi lươn của xã Nhị Quý, năm 2020, anh Thơ quyết định khởi nghiệp mô hình Nuôi lươn không bùn. Theo đó, anh Thơ đã đầu tư bể xi măng lát gạch với diện tích 12 m2 để thả nuôi 2.000 con lươn giống. Nhờ thường xuyên tìm tòi học và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nên mô hình Nuôi lươn không bùn theo hướng an toàn sinh học của gia đình anh Thơ đạt hiệu quả khá cao.
Đoàn viên, thanh niên tham quan mô hình Nuôi lươn không bùn của anh Thơ. Ảnh: XUÂN MAI |
Anh Thơ chia sẻ: “Lúc mới thực hiện mô hình, tôi gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Nhờ sự hỗ trợ vốn từ Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Tỉnh đoàn 50 triệu đồng nên tôi mạnh dạn thực hiện mô hình”.
Theo anh Thơ, mô hình Nuôi lươn không bùn có nhiều ưu điểm như: Tiết kiệm tối đa diện tích nuôi, hạn chế thức ăn dư thừa, dễ phát hiện bệnh trên lươn, màu sắc của lươn bắt mắt hơn so với lươn nuôi bùn... Để nuôi lươn không bùn đạt hiệu quả cao, người nuôi không chỉ dựa vào kỹ thuật, mà còn phải chọn giống tốt, khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, xuất xứ rõ ràng. Trong quá trình nuôi phải đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh, phải thay nước ít nhất 3 lần/ngày để nguồn nước không bị ô nhiễm, hạn chế lươn bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, bể nên lợp mái che phòng mưa nắng để lươn phát triển tốt.
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, mô hình Nuôi lươn không bùn của gia đình anh Thơ không bị hao hụt nhiều, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Qua hơn 1 năm thực hiện mô hình, sau khi trừ chi phí, anh Thơ thu lãi 60 triệu đồng.
AN AN