Du lịch nông nghiệp - còn đó những tiềm năng
Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch chủ yếu dựa vào nền tảng và kết quả hoạt động sản xuất nông nghiệp để tạo ra cho du khách những hoạt động, trải nghiệm khi tham quan du lịch. Với đặc thù là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, những năm qua, Tiền Giang đã phát huy lợi thế và khai thác khá tốt loại hình du lịch này, với các hoạt động như: Tham quan ngắm cảnh nông thôn, các làng nghề truyền thống, homestay, trải nghiệm văn hóa và cuộc sống người dân nông thôn…
ĐƯA DU KHÁCH VỀ VỚI RUỘNG VƯỜN
Tiền Giang có nhiều lợi thế về phát triển du lịch nông nghiệp do có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú. Với nhiều sông ngòi, kinh rạch; hơn 80.000 ha vườn cây ăn trái đặc sản, các món ăn đặc trưng, làng nghề truyền thống địa phương cùng với các di tích lịch sử - văn hóa… nên đã phát triển loại hình du lịch nông nghiệp rất sớm.
Du khách quốc tế tham quan cồn Tân Phong, Cai Lậy (ảnh chụp năm 2018). Ảnh: Võ Nguyên Phú |
Từ những năm đầu khi đất nước mở cửa và bắt đầu phát triển mạnh vào những năm 1995 đến nay, với sự định hướng và hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều nông dân trên cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho) từ chỗ chỉ biết sản xuất nông sản thì đã tham gia vào các loại hình dịch vụ du lịch nông nghiệp. Sau đó, loại hình du lịch này tiếp tục phát triển ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang như xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè), cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy) và một số địa phương khác.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Dự án Phát triển du lịch Mê Kông Tiền Giang do Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) tài trợ, năm 2005, Tổ chức Phát triển quốc tế của Hà Lan (SNV) phối hợp với Sở Thương mại Du lịch tỉnh Tiền Giang (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Tiền Giang) triển khai Chương trình du lịch bền vững vì người nghèo. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tham gia phát triển du lịch ở địa phương, góp phần xóa khó, giảm nghèo, bảo tồn môi trường văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang, đến nay, Tiền Giang có 16 điểm du lịch chính, sử dụng hàng ngàn lao động, chủ yếu lao động nông thôn. Những mô hình du lịch cộng đồng ở nông thôn Tiền Giang hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tham quan và trải nghiệm của khách du lịch khi đến Tiền Giang. Năm 2019, Tiền Giang đón 2.138.217 lượt khách, trong đó có 850.293 lượt khách quốc tế. Doanh thu trực tiếp từ các doanh nghiệp du lịch đạt 1.130 tỷ đồng (riêng năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên hoạt động du lịch tạm thời không đón khách du lịch đến tham quan, du lịch).
Theo Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân, thực tế những năm qua cho thấy, loại hình du lịch nông nghiệp ở Tiền Giang đã mang lại hiệu quả thiết thực. Không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, tăng thu nhập, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương.
Đặc biệt là sự thay đổi nhận thức và chủ động tham gia thực hiện các chương trình kế hoạch phát triển du lịch nông thôn của người dân. Họ đã tích cực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tự nguyện đóng góp đất đai, tài sản để hình thành các tuyến đường không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của dân cư địa phương, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan vườn cây ăn trái; tham gia cung cấp nhiều dịch vụ phục vụ khách du lịch.
“Người nông dân tại địa phương đã coi du lịch như một dịch vụ mang lại nhiều lợi ích với thu nhập vượt trội so với làm vườn đơn thuần. Nếu như trước kia người nông dân chỉ chăm lo trồng trọt, tìm biện pháp tăng năng suất nông sản, thì giờ đây họ đã biết kết hợp giữa trồng trọt với phát triển các dịch vụ du lịch có thể mang lại lợi nhuận cao hơn, đời sống ngày càng được cải thiện”, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân cho biết.
LIÊN KẾT ĐỂ KHAI THÁC XỨNG TẦM
Theo đánh giá của Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang, tuy có nhiều tiềm năng phát triển nhưng du lịch nông nghiệp ở Tiền Giang vẫn chưa được khai thác xứng tầm, chưa theo kịp nhu cầu phát triển, sản phẩm du lịch còn đơn điệu và thiếu tính chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân chưa nhận thức hết vai trò của du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chỉ chạy theo phong trào, không theo quy hoạch nên thiếu sự chủ động trong việc đầu tư cải tạo, chỉnh trang vườn cây ăn trái và cảnh quan môi trường để khai thác, hấp dẫn du khách tham quan.
Du lịch trải nghiệm cho trẻ em tại Công ty TNHH Ca cao Xuân Ron Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo. Ảnh: Phương Anh |
Đội ngũ quản lý, người lao động ở các cơ sở du lịch còn thiếu hoặc yếu về chuyên môn, chưa được đào tạo bài bản về du lịch. Hầu hết chủ nhà vườn đều hoạt động dựa vào kinh nghiệm bản thân, chưa được đào tạo nhiều về năng lực quản lý, kinh doanh.
Du khách đến các hộ nhà vườn phần lớn là khách quốc tế nhưng tỷ lệ người dân có trình độ ngoại ngữ để giao tiếp là rất thấp, đây là hạn chế lớn trong việc phục vụ, tiếp thị và giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp. Các hộ nhà vườn thiếu sự liên kết để hỗ trợ nhau, phần lớn đều hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy làm, chưa quan tâm đến chất lượng, về giá cả cũng không có sự thống nhất, do đó sản phẩm du lịch chậm được cải tiến, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh chưa cao…
Theo Sở VHTT&DL, để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp hiệu quả và bền vững, các bên tham gia cần nâng cao vai trò trách nhiệm của mình. Trong đó, mối quan hệ giữa người dân, chính quyền và doanh nghiệp được xem như “ba trụ cột” tạo nên nền móng, có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch nông nghiệp bền vững.
Cụ thể, chính quyền địa phương cần quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp ở những vùng có nhiều tiềm năng, đồng thời tăng cường quản lý tránh tình trạng để người dân hoạt động tự phát, chạy theo phong trào, làm ăn manh mún. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi về vốn, thuế, đào tạo nhân lực… để thu hút doanh nghiệp du lịch, hộ nông dân khai thác tiềm năng du lịch địa phương.
Cùng với đó là xây dựng quy ước trong khai thác du lịch, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, như: Hạ giá, giảm chất lượng để lôi kéo khách… làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch nông thôn nói riêng và của tỉnh Tiền Giang nói chung.
Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch như cầu, đường giao thông, bến tàu, bến xe, hệ thống điện, nước… bảo vệ cảnh quan, vệ sinh môi trường. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho nông dân về kiến thức, kỹ năng du lịch, ngoại ngữ, khoa học công nghệ giúp doanh nghiệp, hộ nông dân có đủ năng lực hội nhập du lịch, nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên du lịch.
Đối với các doanh nghiệp du lịch cần xây dựng tour, tuyến để khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp; phát triển sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường nông thôn; tổ chức các hoạt động du lịch mang tính trách nhiệm cao; quan tâm đến quyền lợi người nông dân, cùng chia sẻ hài hòa lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp và nông dân.
Đối với nông dân làm du lịch cần cải tạo, chỉnh trang cơ sở vật chất phục vụ du lịch, giữ gìn cảnh quan môi trường; có thái độ ứng xử thân thiện, văn minh, mến khách, tôn trọng và hỗ trợ khách du lịch trong quá trình tham quan du lịch tại địa phương…
GIA TUỆ