Gia súc, gia cầm: Đảm bảo nguồn cung dịp Tết Nguyên đán 2022
Do nhiều nguyên nhân, đến thời điểm này, việc tái đàn gia súc, gia cầm để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2022 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vẫn chưa được người chăn nuôi đẩy mạnh. Tuy nhiên, theo dự báo của ngành Nông nghiệp, nguồn cung gia súc, gia cầm vẫn đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân.
TÁI ĐÀN CHƯA MẠNH
Huyện Cái Bè là một trong những địa phương có đàn vật nuôi lớn của tỉnh. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cái Bè, dịp Tết Nguyên đán 2022, tình hình tái đàn vật nuôi ở các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đảm bảo phục vụ thị trường với số lượng vật nuôi đạt và vượt kế hoạch năm. Cụ thể, tính đến ngày 30-11, đàn heo của huyện có 60.253 con/3.222 hộ; đàn bò 1.403 con/302 hộ; đàn gia cầm hơn 1,4 triệu con/6.947 hộ. Số lượng đàn vật nuôi hiện tại đảm bảo cung cấp cho thị trường tết.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. |
Còn tại huyện Chợ Gạo, thời điểm này, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, song nhiều hộ chăn nuôi cũng đã tiến hành tái đàn. Thời điểm này, các thành viên Hợp tác xã (HTX) Duy Huy (xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, chuyên nuôi và tiêu thụ vịt siêu thịt và vịt Xiêm) đã mua con giống để tái đàn sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đại diện HTX Huy Duy, HTX đang hỗ trợ thành viên con giống, thức ăn chuẩn bị cho mùa vụ Tết Nguyên đán năm 2022. Hiện nay, giá thức ăn tăng rất cao, giá vịt giống cũng cao, nhưng giá vịt thịt lại giảm ảnh hưởng đến việc tái đàn của thành viên.
Tại huyện Gò Công Đông, thời điểm này, việc tái đàn vật nuôi trong dân vẫn chưa nhiều. Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí, hiện người chăn nuôi gia cầm trên địa bàn đã tiến hành tái đàn để phục vụ thị trường tết. Riêng người nuôi heo tái đàn vẫn còn dè dặt. Nguyên nhân là do giá heo hơi liên tục biến động và tình hình dịch tả heo châu Phi (DTHCP) vẫn còn bùng phát tại một số địa phương nên người dân chưa mạnh dạn tái đàn. Mặt khác, giá thức ăn chăn nuôi hiện rất cao nên ảnh hưởng đến việc tái đàn của người dân.
Theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang Nguyễn Minh Thuần, hiện giá heo hơi trên địa bàn tỉnh dao động từ 48.000 - 50.000 đồng/kg, mức giá này so với cùng kỳ những năm trước khá thấp. Tuy nhiên, mức giá này cũng đã khá hơn so với khoảng 2 tháng trước. Khó khăn của người chăn nuôi hiện nay là giá thành sản xuất quá cao, chủ yếu do thức ăn chăn nuôi tăng.
Tuy nhiên, qua nắm tình hình, thịt heo trong dịp Tết Nguyên đán 2022 sẽ đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân, không xảy ra khan hiếm. Riêng đối với hình hình tái đàn gia cầm, vừa qua, do ảnh hưởng của DTHCP nên người dân chuyển hướng sang nuôi gia cầm dẫn đến tổng đàn tăng mạnh. Thời gian qua, giá gà, vịt thấp, nguồn cung đang dồi dào nên sẽ đảm bảo cung cấp phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
CHÚ TRỌNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) - Sở NN&PTNT, tình hình bệnh trên vật nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu xảy ra các bệnh gồm: Cúm gia cầm (3 trường hợp), lở mồm long móng (1 trường hợp), viêm da nổi cục (VDNC), DTHCP. Bệnh VDNC trên trâu, bò là bệnh mới xuất hiện, đuợc phát hiện đầu tiên vào ngày 16-8 tại xã Song Bình (huyện Chợ Gạo). Tính đến nay, bệnh đã xảy ra ở 10 huyện, thị, thành (trừ TX. Gò Công) với 589 con bò mắc bệnh, chiếm 0,49%/tổng đàn (120.871 con).
Theo Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Chi cục Phó Chi cục CN&TY, bệnh VDNC trên trâu, bò ở tỉnh cơ bản được kiểm soát nhờ Sở NN&PTNT đã chủ động đề xuất kịp thời UBND tỉnh phê duyệt 95.000 liều vắc xin phòng bệnh miễn phí hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi quy mô dưới 10 con. Cùng với đó, Sở cũng đã chỉ đạo Chi cục CN&TY phối hợp với chính quyền khẩn trương tổ chức tiêm phòng. Qua đó, tỷ lệ tiêm phòng bệnh VDNC đạt 90,7%/tổng đàn thuộc diện tiêm đảm bảo bảo vệ được đàn trâu, bò của tỉnh đối với bệnh VDNC.
Theo Sở NN&PTNT, hiện tổng đàn heo toàn tỉnh có 276 ngàn con, đàn bò hơn 123 ngàn con, đàn gia cầm 17,44 triệu con. Các sản phẩm thịt heo, thịt gia cầm, thịt bò và sản lượng trứng gia cầm cơ bản đảm bảo cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán 2022. Trước tình hình diễn biến phức tạp của DTHCP trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp đang tập trung thực hiện các biện pháp để khống chế dịch này trong thời gian tới, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến sản lượng thịt heo cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán 2022. |
Mặt khác, bệnh DTHCP hiện đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, từ ngày 4-9 đến nay, bệnh DTHCP đã xảy ra tại 10 huyện, thị, thành (trừ huyện Tân Phú Đông) với 1.899 con heo mắc bệnh và đã tiêu hủy 4.146 con, chiếm 1,5%/tổng đàn. Các địa phương có xảy ra DTHCP đã chủ động tiêu hủy và tiêu độc khử trùng.
Theo Chi cục CN&TY tỉnh, Tiền Giang là tỉnh có tỷ lệ nông hộ chăn nuôi phổ biến (hơn 90%), nhưng số hộ thực hiện đăng ký kê khai tái đàn, tăng đàn với UBND xã rất ít (chủ yếu trang trại quy mô vừa trở lên). Do vậy, tại các địa phương, việc quản lý đàn và hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng đúng và đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học còn hạn chế. Cùng với đó, thời tiết thay đổi bất thường và nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm vật nuôi tăng vào cuối năm cũng là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ có khả năng gây phát sinh dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt là bệnh DTHCP.
Theo Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, đơn vị đã tham mưu Sở NN&PTNT chỉ đạo triển khai “giờ vàng” trong ứng phó bệnh DTHCP để có thể bảo vệ số heo khỏe mạnh còn lại tại cơ sở chăn nuôi sau khi đã tiêu hủy heo nhiễm bệnh. Nhờ đó, thời gian gần đây, tỷ lệ heo tiêu hủy có giảm so với trước. “Cùng với các cơ quan chức năng, người chăn nuôi cần cảnh giác, chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC để bảo vệ tốt đàn trâu, bò của gia đình và địa phương.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, khi phát hiện vật nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc chết, khai báo ngay cho UBND cấp xã hoặc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện hoặc đường dây nóng để được tư vấn, hướng dẫn kịp thời” - Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu cho biết thêm.
C. THẮNG - T. ĐẠT