.

Hàng nông sản cơ bản đảm bảo nhu cầu cuối năm

Cập nhật: 11:47, 13/12/2021 (GMT+7)

Mặc dù chịu tác động không nhỏ của dịch Covid-19 nhưng nhìn chung ngành Nông nghiệp cũng nhanh chóng phục hồi và là ngành duy nhất có tăng trưởng dương trong năm 2021. Đặc biệt, theo dự báo, tình hình cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2022 trong nhóm ngành Nông nghiệp cơ bản đảm bảo.

Người dân chuẩn bị rau màu phục vụ tết.
Người dân chuẩn bị rau màu phục vụ tết.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, dù chịu tác động lớn của dịch bệnh nhưng thực hiện Chỉ thị 26 ngày 21-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tập trung triển khai việc khôi phục sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản.

Trên cơ sở đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm nông sản cơ bản được khôi phục. Một trong những điểm đặc biệt là tình hình cung ứng hàng hóa nông sản dịp tết được dự báo sẽ cơ bản cung ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.

Đánh giá về tình hình cung ứng hàng hóa dịp Tết Nguyên đán 2022 trên lĩnh vực nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, nhìn chung nông sản phục vụ tết năm nay có sản lượng ước đạt tương đương cùng kỳ năm trước. Theo đó, đối với cây ăn trái phục vụ tết với khoảng 10.263 ha, sản lượng 84.699 tấn, tăng hơn 11% so với cùng kỳ, chủ yếu là xoài, bưởi, mít, thanh long, khóm, đu đủ... Ngoài ra, nhóm rau màu các loại phục vụ tết với khoảng 1.425 ha, sản lượng 26.866 tấn, bằng 95% so cùng kỳ, chủ yếu là rau ăn lá các loại, khổ qua, dưa leo, bầu, bí xanh.

Thống kê của ngành Nông nghiệp cũng cho thấy, các loại cây hoa, kiểng phục vụ Tết Nguyên đán 2022 đạt khoảng 1 triệu chậu, bằng 88% so cùng kỳ. Hiện nay, các loại cây hoa, kiểng sinh trưởng và phát triển tốt, chủng loại hoa đã gieo trồng chủ yếu là cúc các loại, cát tường và một ít hoa vạn thọ...

Theo đánh giá chung của ngành Nông nghiệp, các sản phẩm thịt heo, thịt gia cầm, thịt bò cơ bản đầy đủ phục vụ thị trường trong tỉnh; sản lượng trứng gia cầm đảm bảo cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh. Theo đó, sản lượng thịt bò đạt khoảng 1.200 tấn, giảm 2% so với năm 2021, sản lượng thịt heo đạt khoảng 4.000 tấn, giảm 5% so với năm 2021, sản lượng thịt gia cầm khoảng 4.800 tấn tương đương năm 2021.

Bên cạnh đó, trước tình hình diễn biến phức tạp bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh thời gian qua, ngành Nông nghiệp đang tập trung thực hiện các biện pháp để khống chế bệnh này trong thời gian tới, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến sản lượng thịt heo cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán 2022.

Chưa kể, sản lượng thủy sản cung ứng phục vụ Tết Dương lịch 2022 tương đương cùng kỳ, với khoảng 600 tấn tôm, 300 tấn nghêu và 800 tấn cá tra thương phẩm. Ngoài ra, sản lượng thủy sản cung ứng phục vụ Tết Nguyên đán 2022 trên địa bàn tỉnh dự kiến đạt khoảng 1.200 tấn tôm, 500 tấn nghêu kích cỡ 55 - 80 con/kg, 2.000 tấn cá tra thương phẩm và 300 - 500 tấn cá điêu hồng từ hệ thống nuôi bè…

Đề cập về một số định hướng trong thời gian tới, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn cho biết, một trong những giải pháp trọng tâm là ngành Nông nghiệp tiếp tục hướng dẫn sản xuất, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn... từng bước thích nghi và phát triển bền vững. Ngành cũng tập trung phát triển vùng chuyên canh hàng hóa đã có, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, cấp mã số vùng trồng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, ngành Nông nghiệp tập trung đầu tư phát triển ngành hàng trái cây theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, ứng dụng khoa học và công nghệ vào khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Bên cạnh đó, theo đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, ngành Nông nghiệp đang tập trung hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản theo Nghị quyết 07 ngày 12-7-2019 của HĐND tỉnh Tiền Giang về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang đang xem xét để ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ xây dựng 110 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nhằm khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không kiểm soát được chất lượng và giúp kết nối tiêu thụ ổn định, bền chặt; trong đó, phấn đấu có 30 - 40 chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm làm mô hình điểm để nhân rộng…

A.P

.
.
.