Một năm ứng phó SARS-CoV-2: Nhìn lại và đi tới - BÀI 1: Nhiều gam màu
Năm 2021 khép lại với bộn bề những lo toan. Đại dịch Covid-19 đã phủ lên một bóng đen trên toàn thế giới, Việt Nam cũng nằm trong bức tranh chung này. Cùng với cả nước, Tiền Giang đã phải chật vật vượt qua khó khăn trước cơn bão lớn của dịch giã. Nhìn lại thực tế, rút ra những bài học kinh nghiệm và bước tiếp những chặng đường mới là điều nên làm.
Bức tranh kinh tế - xã hội (KT-XH) của Tiền Giang trong năm 2021 đã phủ thêm nhiều gam màu sáng tối trước cơn lốc mang tên Covid-19 bùng phát lần thứ 4. Đó là những điều không ai mong đợi nhưng thực tế vẫn đang hiện hữu. Nhiều chỉ tiêu đặt ra trong năm 2021 chưa đạt được như dự kiến ban đầu nhưng cũng để lại một số gam màu sáng và không ít những bài học lớn.
NHỮNG ĐIỀU CHƯA NHƯ MONG ĐỢI
Năm 2021 là năm khởi đầu cho một chu kỳ mới, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025. Chính từ ý nghĩa đó, ngay từ đầu năm, ngày 18-1-2021 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động 11, ngày 29-1-2021 ban hành Kế hoạch 26 về thực hiện Nghị quyết 01, 02 ngày 1-1-2021 của Chính phủ về các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; trong đó, tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển KT-XH.
Dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng nhiều công trình, dự án trên địa bàn Tiền Giang cũng cơ bản hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng. Trong ảnh công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang (chụp ngày 18-12). Ảnh: THẢO - THÀNH |
Thế nhưng, chưa đi được nửa chặng đường của năm, dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trên phạm vi cả nước làm cho mọi kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 bị tác động lớn. Giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ kéo dài nhiều tháng làm cho sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, kinh tế khó khăn, nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội chịu tác động lớn.
Cùng với cả nước, Tiền Giang cũng nằm trong bức tranh này. Từ đó, giá trị sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư, việc làm, thu nhập, đời sống người dân... bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nằm trong nhóm kinh tế, con số phân tích của Cục Thống kê cho thấy, tác động của dịch Covid-19 là không nhỏ. Theo đánh giá từ Cục Thống kê, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Covid-19 thật sự đang là bài toán cân não toàn cầu. Tất nhiên, Tiền Giang đã và đang chịu áp lực rất lớn và còn để lại rất nhiều hệ lụy lâu dài. Cùng với cả nước, thống kê của ngành Y tế cho thấy, tính đến ngày 17-12, toàn tỉnh ghi nhận 30.373 ca mắc Covid-19 (kết quả RT-PCR). Công tác phòng, chống dịch Covid-19, Tiền Giang cũng đã và đang quyết liệt áp dụng các biện pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ, ngành có liên quan để ứng phó phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng tập trung tiêm chủng vắc xin cho người dân theo đề án chiến dịch tiêm chủng, đến cuối năm 2021 đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% dân số (95% đối tượng trong diện được tiêm). Đi cùng với đó, do tác động của SARS-CoV-2, một số chỉ tiêu KT-XH của Tiền Giang cũng không đạt mục tiêu đề ra. Chẳng hạn, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 dự kiến giảm 0,72% so cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước cả năm 2021 thực hiện 8.630 tỷ đồng, đạt hơn 81% so dự toán, đạt hơn 77% so thực hiện năm 2020; dự kiến trong năm 2021, tỉnh thu hút được 15 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1.827 tỷ đồng, thấp hơn 16 dự án, vốn đầu tư hơn 11% so với năm 2020... |
Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm. Đặc biệt, dịch đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, nơi tập trung một lượng lớn người lao động dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế.
Tác động cụ thể dễ nhận thấy nhất là chỉ số sản xuất công nghiệp của Tiền Giang quý III-2021, giai đoạn chịu tác động rất nặng nề của dịch Covid-19 do thực hiện giãn cách xã hội, giảm hơn 13% so với cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm hơn 14%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm hơn 58%, dệt giảm hơn 63%...; nhóm ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí cũng giảm hơn 7%... Tất nhiên, đi cùng với sự biến động của chỉ số sản xuất công nghiệp là tình hình mất việc làm của công nhân, thu nhập của người lao động và đời sống của người dân.
VƯỢT KHÓ
Không chỉ sản xuất công nghiệp, nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, dịch vụ, du lịch cũng đã chứng kiến những cơn lốc khốc liệt. Nông sản ùn ứ không tiêu thụ được, đời sống người nông dân khó khăn; trong khi ngành dịch vụ, du lịch gần như chạm đáy. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cơ sở kinh doanh du lịch phải tạm dừng đón khách để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh nên lượng khách du lịch và doanh thu du lịch giảm mạnh.
Dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng nhiều công trình, dự án trên địa bàn Tiền Giang cũng cơ bản hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng. Trong ảnh công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (chụp ngày 18-12). Ảnh: THẢO - THÀNH |
Điều này có thể minh chứng qua lượng khách du lịch đến với Tiền Giang. Thống kê gần đây cho thấy, tổng lượt khách đến Tiền Giang trong năm 2021 chỉ đạt 267.523 lượt, giảm hơn 55% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 48% so với kế hoạch của cả năm. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp ngành dịch vụ nói chung, ngành Du lịch nói riêng chịu tác động khủng khiếp từ cơn bão SARS-CoV-2. Đề cập về tình hình hoạt động năm nay, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Việt Nhật Nguyễn Thanh Phong cho biết, tình hình hoạt động của các đơn vị lữ hành nói chung, công ty nói riêng gần như đóng băng, vượt quá sức chịu đựng của các doanh nghiệp.
“Covid-19 đã cuốn đi rất nhiều thứ, tất nhiên cũng lấy đi rất nhiều nguồn lực đã tích lũy từ nhiều năm trước của các doanh nghiệp trong lĩnh vực lữ hành, du lịch. Phải mất một thời gian dài nữa ngành Du lịch nói chung, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực lữ hành du lịch mới có khả năng khôi phục lại”- ông Nguyễn Thanh Phong cho biết.
Nhìn một cách tổng thể, cùng với cả nước, năm 2021 Tiền Giang chịu chung sức ép của tình hình quốc tế biến động phức tạp, diễn biến không thuận lợi, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế trong nước, của tỉnh và thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19...
Tuy nhiên, với quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành, cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh nên tình hình KT-XH Tiền Giang vẫn có những điểm sáng trong phát triển như: Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tập trung quyết liệt, ứng phó kịp thời, hiệu quả theo tinh thần “chống dịch như chống giặc” với quyết tâm cao, với tinh thần vừa chống dịch, vừa giữ vững, thúc đẩy phát triển KT-XH; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, tiến độ thi công, giải ngân các dự án đầu tư công, thu hút đầu tư, xuất khẩu, thu ngân sách… đạt nhiều kết quả tích cực; lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tốt, an ninh - quốc phòng được đảm bảo.
Tuy nhiên, việc phát triển KT-XH của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn như: Khả năng cạnh tranh, vấn đề tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tái cấu trúc ngành Công nghiệp; đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường, tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và mọi mặt đời sống xã hội, an sinh xã hội...
Với quyết tâm cao, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, Tiền Giang vẫn không điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng, các chỉ tiêu kế hoạch đề ra đều phấn đấu ở mức cao nhất. Nhờ đó, đến cuối năm 2021, Tiền Giang đã hoàn thành đạt và vượt 10/19 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu. Cơn lốc SARS-CoV-2 đã cuốn trôi đi nhiều thứ nhưng cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác điều hành, góp phần thay đổi hành vi, nhận thức cũng như các mối quan hệ xã hội.
Trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các phương thức mới cũng đã được thay đổi để thích ứng. Giá trị của những bài học kinh nghiệm mà SARS-CoV-2 mang lại cũng hàm chứa không ít ý nghĩa. Trước vô vàn khó khăn hiện hữu, nhất là đối với dịch Covid-19, Kế hoạch về Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng đã được ban hành và triển khai thực hiện mang lại những hiệu ứng tích cực…
THẾ ANH
(Còn tiếp)