Một năm ứng phó SARS-CoV-2: Nhìn lại và đi tới - BÀI 2: Xuất khẩu vượt khó
BÀI 1: Nhiều gam màu
Cơn lốc SARS-CoV-2 lần thứ 4 đã quét thẳng vào các doanh nghiệp, làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn trong khoảng thời gian khá dài, các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.
Các doanh nghiệp trong ngành Thủy sản xuất khẩu chịu rất nhiều áp lực do tác động của Covid-19. |
Thế nhưng, thông qua nhiều giải pháp, tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn Tiền Giang cũng vượt qua khó khăn, cán đích với nhiều dấu hiệu tích cực.
NỖ LỰC CHỐNG CHỌI
Đánh giá tổng thể của Sở Công thương cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, cùng những hệ quả khác từ dịch bệnh như việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, vấn đề thiếu container rỗng; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm…, nhưng hoạt động xuất khẩu của tỉnh vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020, với mức tăng hơn 28%.
Tuy nhiên, bước sang quý III-2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đã làm gián đoạn, đình trệ hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã kéo theo sự giảm sút nghiêm trọng về giá trị xuất khẩu của tỉnh.
Trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, theo dự kiến của Sở Công thương, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong năm 2021 ước đạt khoảng 2,9 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ và đạt hơn 89% so với kế hoạch năm; trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng hơn 81% trên tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, như: Ống đồng, giày, túi xách, may mặc, sản phẩm nhựa…
Phân tích thêm về yếu tố thị trường, Giám đốc một doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu có quy mô lớn cho biết, ngành Thủy sản xuất khẩu năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn cả khu vực miền Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến nguồn cung nguyên liệu bị “đứt gãy”, lưu thông khó khăn, đầu ra bị ách tắc. Riêng công ty cũng phải tạm ngưng hoạt động trong thời gian dài để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
“Công ty cũng mới bắt đầu hoạt động trở lại từ cuối tháng 10 nhưng với quy mô hạn chế. Thông thường, dịp cuối năm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản của các nước rất lớn, là thời điểm để các doanh nghiệp trong ngành tăng tốc sản lượng bán ra. Tuy nhiên, mùa tiêu thụ năm nay chắc cũng không như mong đợi do dịch Covid-19 vẫn còn đang phức tạp, nên khả năng bù đắp lượng thiếu hụt sản lượng bán ra trong thời điểm ngưng hoạt động trước đây là không thể”- Giám đốc doanh nghiệp này phân tích thêm.
Dù chịu tác động của rất nhiều yếu tố, nhưng theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn, trong năm 2021, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục đảm bảo định hướng được đề ra tại Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn là nhóm hàng công nghiệp (may mặc, giày, túi xách, ống đồng, sản phẩm nhựa) với tỷ trọng chiếm hơn 70%, tiếp đến là nhóm hàng nông thủy sản chiếm hơn 11%, còn lại một số mặt hàng khác chiếm hơn 17%. Sự chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho thấy bước tiến của nền sản xuất trong tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ, tạo nguồn cung dồi dào cho hàng hóa xuất khẩu.
NHỮNG ĐIỂM SÁNG
Thống kê của Sở Công thương cho thấy, đối với nhóm hàng công nghiệp, Tiền Giang hiện có 3 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 400 triệu USD: Kim loại thường khác và sản phẩm (kể cả đồng) đạt hơn 650 triệu USD, may mặc đạt 480 triệu USD và giày, dép các loại ước đạt hơn 450 triệu USD. Riêng đối với xuất khẩu thủy sản năm 2021 chỉ đạt hơn 210 triệu USD, giảm hơn 20%; xuất khẩu gạo đạt hơn 105 triệu USD, giảm gần 14%; xuất khẩu hàng rau quả đạt gần 27 triệu USD, tăng 3,7% về trị giá… |
Đánh giá chung của Sở Công thương cho thấy, dù có nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu của Tiền Giang cũng có nhiều điểm sáng, đặc biệt xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh ở các thị trường truyền thống, phát triển quy mô tại các thị trường tiềm năng.
Theo đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều thâm nhập được vào các thị trường lớn. Chẳng hạn, mặt hàng gạo của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu sang hơn 31 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh thị trường truyền thống, gạo Việt Nam đã từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước châu Mỹ, Trung Đông, châu Phi; sản phẩm gạo trắng cao cấp, gạo hạt tròn và gạo thơm đã bước đầu thâm nhập vào những thị trường khó tính, giúp sản phẩm gạo Việt Nam từng bước hiện diện trên khắp thế giới.
Ngoài ra, mặt hàng rau quả đạt nhiều thành tích trong công tác mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập vào các thị trường “khó tính” như: Nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa vào thị trường Hoa Kỳ; thanh long, xoài vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; cam, quýt, thanh long vào thị trường Singapore và đến nay, Việt Nam đã được xuất khẩu 9 loại quả sang Trung Quốc, gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.
Nhận định thêm về tình hình xuất khẩu, đồng chí Đặng Văn Tuấn cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp xuất khẩu tỉnh Tiền Giang là vấn đề vận chuyển hàng hóa như: Chi phí logistics tăng; vấn đề thiếu container rỗng; chi phí kho bãi ở cảng tăng; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm…
Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng giảm, các thương lái thu mua giảm, thiếu nhân công thu hoạch, thu mua và sơ chế; hệ thống kho lạnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu về sản lượng để thu mua các loại nông sản vào vụ. Bên cạnh đó, các công ty, cơ sở thu mua nông sản đã đóng cửa do sợ nhiễm Covid-19 hoặc không đủ điều kiện để thực hiện “3 tại chỗ’ nên việc tiêu thụ nông sản của tỉnh gặp nhiều khó khăn và giá nhiều loại nông sản như thanh long, khóm, bưởi của tỉnh giảm mạnh.
“Xuất khẩu một số mặt hàng trái cây của tỉnh gặp khó khăn về mã vùng trồng. Xuất khẩu trái cây tươi gặp khó khăn do thời gian bảo quản ngắn; thiếu kho bảo quản nông sản và nhà máy sơ chế đối với một số loại trái cây thu hoạch vào mùa thuận, thời vụ với sản lượng thu hoạch rất lớn như thanh long, mít”- đồng chí Đặng Văn Tuấn cho biết.
Theo Sở Công thương, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang dự kiến đạt 3,25 tỷ USD, tăng hơn 12% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu năm 2022, dự kiến 1,95 tỷ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Để đạt mục tiêu đề ra, đồng chí Đặng Văn Tuấn cho biết, Sở sẽ thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động và những ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp do dịch bệnh Covid-19 gây ra để kịp thời tham mưu, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để duy trì ổn định hoạt động sản xuất; theo dõi tình hình và thông báo các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang về việc Trung Quốc tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý tại cửa khẩu biên giới nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, Sở Công thương cũng khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro pháp lý cũng như từng bước xây dựng thương hiệu.
Một trong những giải pháp trọng tâm là Sở Công thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho doanh nghiệp nắm rõ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để doanh nghiệp nắm bắt được những ưu đãi mà Hiệp định mang lại cho xuất khẩu Việt Nam.
Đối với hàng hóa nông, thủy sản cần tuyên truyền cho nông dân hiểu rõ những quy định về hàng rào kỹ thuật để nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa nông, thủy sản của tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro pháp lý cũng như từng bước xây dựng thương hiệu; đồng thời, cung cấp thông tin về tình hình thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu trị trường trong giai đoạn thị trường bị tác động bởi dịch Covid-19.
THẾ ANH
(Còn tiếp)